Bản lĩnh và kiêu ngạo
Kwon theo học trường trung học ngoại ngữ ưu tú ở Seoul, sau đó là ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford (Mỹ). Năm 2018, Do Kwon và Daniel Shin đồng sáng lập Terraform Labs tại Singapore. Vào năm 2019, Terraform Labs đã tung ra tiền điện tử đầu tiên của mình với tên gọi Luna.
Đến năm 2020, cặp đôi đã ra mắt stablecoin terraUSD. Terra sẽ giữ giá trị ổn định là 1USD. Tỷ giá USD của nó được duy trì bởi mối quan hệ thuật toán với tiền điện tử Luna. Để mua Terra, người dùng cần Luna, và ngược lại.
Terraform Labs đã huy động được hơn 200 triệu USD từ các công ty đầu tư như Arrington Capital, Coinbase Ventures, Galaxy Digital và Lightspeed Venture Partners. Vào lúc đỉnh điểm hồi đầu tháng 4, Luna đạt mức giá 116USD/coin, mang lại lợi nhuận lớn cho những người ủng hộ ban đầu.
Chính sự thành công này đã tạo nên thói kiêu ngạo của Kwon. Anh từng viết về đồng stablecoin do mình sáng tạo là "stablecoin thuật toán lâu đời nhất và được sử dụng rộng rãi nhất từng tồn tại”, trước khi thêm: “Hãy cúi đầu trước Nhà Vua”. Anh tự xem mình là ông vua không ngai của đế chế tiền điện tử Terra/Luna phát triển nhanh như vũ bão, và miệt thị những người chỉ trích mình là “nghèo”.
Sau khi Do Kwon thông báo sẽ bơm 300 triệu USD vào các khoản dự trữ làm nền tảng cho lợi tức 20% đối với tiền điện tử Luna của mình, một người dùng Twitter đã hỏi anh lấy tiền từ đâu. Câu trả lời của Kwon rất ngắn gọn và sỗ sàng: "Từ mẹ bạn, rõ ràng là như vậy".
Điều oái oăm là nhiều nhà đầu tư đã bị mê hoặc bởi tính cách thô lỗ của Kwon. Donghwan Kim, một đồng nghiệp thân thiết của Kwon ở Terraform Labs, nói: “Những kẻ cuồng vọng tin rằng sự thô lỗ của anh ấy là cách để bảo vệ sự giàu có của họ, vì vậy sự kiêu ngạo của Kwon đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng và nó nhanh chóng trở thành thương hiệu của anh ấy”.
Những người ủng hộ nổi tiếng của Kwon, chiến lược tiếp thị toàn cầu và cá tính nổi bật trên mạng xã hội đều giúp thu hút sự chú ý và các nhà đầu tư bán lẻ, một số người trong đó đã thành lập đội quân ủng hộ trực tuyến được mệnh danh là “Lunatics”.
Từ “hero” thành zero
Để thu hút nhanh chóng các nhà đầu tư, Kwon đã tung ra chiến lược cho khách hàng mượn Terra với lợi suất lên tới 20%/năm. Đây cũng là thời điểm Terra/Luna bắt đầu “phát triển quá nhanh”. Khoảng 14-15 ngàn tỷ Won (11-12 tỷ USD) đã được ký gửi chỉ trong 1 năm sau khi họ bắt đầu đưa ra mức lợi suất 20%. “Các nhà đầu tư bán lẻ bị thu hút bởi lợi suất cao, trong khi các quỹ đầu tư mạo hiểm bị thu hút bởi sự phát triển nhanh chóng của đồng coin” - Donghwan Kim nói.
Tuy nhiên, chính sự phát triển thần tốc này đã mang đến rủi ro chết người. Một đồng nghiệp cũ khác, cựu kỹ sư của Terraform Labs, Kang Hyung-suk cho biết: “Các kỹ sư bên trong đều biết những rủi ro liên quan đến lợi suất 20%. Tất cả đều nghĩ rằng nó không bền vững vì chúng tôi không có đủ vốn để hỗ trợ nó.
Nhưng không ai nói với Do, vì anh là người thường phớt lờ những ý kiến trái chiều”. Kim Hyoung-joong, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Tiền điện tử tại Đại học Hàn Quốc, cho biết: “Kwon đã kêu gọi tài chính phi tập trung, nhưng anh đã đưa ra tất cả quyết định một mình”.
Terraform Labs sụp đổ. Changpeng Zhao, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử Binance, đã chứng kiến giá trị khoản đầu tư của anh vào Luna giảm từ 1,6 tỷ USD xuống dưới 2.500USD. Hashed, một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Seoul, người ủng hộ và quảng bá nổi tiếng cho Do Kwon và Terraform Labs, ước tính đã mất hơn 3,5 tỷ USD từ vụ sụp đổ.
Nhưng thiệt hại nặng nề nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ thông thường. Ji-hye, một nhân viên văn phòng đến từ Hàn Quốc và là mẹ của 3 đứa con dưới 5 tuổi, nói cô đã đầu tư tất cả số tiền tiết kiệm của mình vào tiền điện tử sau khi đọc lợi nhuận 20% và thấy rằng nhiều nhà đầu tư thông thái tham gia vào dự án.
“Tôi đã cố gắng hết sức để tích lũy tiền tiết kiệm nhưng tỷ giá ngân hàng dường như quá thấp trong thời kỳ lạm phát cao. Tôi đã tuyệt vọng tìm cách kiếm thêm tiền tiết kiệm cho 3 đứa con của mình. Tôi thấy tiền tiết kiệm của mình tăng lên từng ngày với lãi suất 20%, vì vậy tôi đã vay thêm tiền từ ngân hàng và đổ thêm vào. Tất cả là lỗi của tôi khi không tìm hiểu sâu hơn trước khi đầu tư. Giờ đây tôi cảm thấy tuyệt vọng khi không còn tiền tiết kiệm” - Ji-hye than thở.
Đối mặt kiện tụng
Giờ đây, vị CEO người Hàn Quốc 30 tuổi một thời cao ngạo, nhìn người bằng nửa con mắt, đang đối mặt với hàng loạt chỉ trích và đơn kiện. Khi thiệt hại ngày càng gia tăng, báo chí Hàn Quốc liên hệ vụ sụp đổ của đồng tiền ảo do Kwon sáng lập với lượng tìm kiếm trực tuyến tăng đột biến về cây cầu Mapo ở Seoul, một địa điểm tự sát nổi tiếng. Cảnh sát địa phương đã thông báo tăng cường tuần tra xung quanh cây cầu để đối phó.
Các nhóm nhà đầu tư Hàn Quốc tuyên bố sẽ đệ đơn kiện tập thể chống lại người sáng lập Terraform Labs Do-hyung Kwon về tội hình sự. Tính đến ngày 17-5, hơn 1.600 nhà đầu tư đã đăng ký vụ kiện tập thể với các công ty luật trong nước, gồm L.K.B & Partners LLC và Kisung LLC. Ngày 20-5, các công tố viên Hàn Quốc đã mở cuộc điều tra đối với Terraform Labs của Kwon, sau khi 5 nhà đầu tư tiền điện tử Hàn Quốc với tổng thiệt hại 1,4 tỷ Won (1,1 triệu USD) nộp đơn khiếu nại Terraform gian lận và vi phạm các quy định tài chính.
Kwon đã viết trên Twitter sau sự cố sụp đổ rằng "Tôi rất đau lòng về nỗi đau phát minh của tôi đã mang lại cho tất cả các bạn". Nhưng anh cũng đã cố gắng thu thập sự hỗ trợ từ các nhà phát triển để có cơ hội thứ hai. Trong một tuyên ngôn trực tuyến được xuất bản vào tháng 5, anh cho rằng thất bại của Terra là “cơ hội mới để vươn lên từ đống tro tàn”.