Thay vào đó là các khu đô thị với nhà phố san sát; hệ thống hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp thoát nước… đã và đang hình thành. Trình độ dân trí, lối sống đô thị tại các địa phương này hình thành rõ nét và không khác biệt nhiều so với các quận nội thành.
Khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh) xây dựng hiện đại với những dãy phố và nhà cao tầng. Ảnh: HOÀNG HÙNG
LTS: TPHCM đã có kế hoạch xây dựng các huyện hoặc một phần các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ thành quận hoặc thành phố trực thuộc, giai đoạn từ nay đến năm 2030. Chủ trương này nhằm khai thác hiệu quả hơn quỹ đất cũng như tạo cơ sở cho thành phố trở thành trung tâm tài chính, khoa học công nghệ… của cả nước và khu vực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có lộ trình rõ ràng trên cơ sở rà soát lại toàn bộ quá trình đô thị hóa và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới; cân đối mục tiêu với khả năng thực thi để có những bước đi vững chắc, hiệu quả. |
Kìm hãm nguồn lực đất đai
Ở huyện Củ Chi, quy hoạch KCN Bàu Đưng tại xã An Nhơn Tây với diện tích 175ha bị “treo” từ năm 2008, nay đã được thành phố đề nghị chuyển thành khu dân cư. Tuy vậy, hiện 182 hộ dân trong phạm vi dự án vẫn bị hạn chế các quyền lợi của người sở hữu nhà và sử dụng đất. Đất không được tách thửa, không được chuyển mục đích sử dụng, nhà cửa xuống cấp xập xệ không có điều kiện để sửa chữa, những người nông dân ở đây phải bỏ đất hoang hóa hoặc trồng các loại hoa màu tạm bợ, khiến cuộc sống càng thêm khó khăn.
Tình trạng trên không chỉ ở huyện Củ Chi mà còn ở nhiều huyện khác của TPHCM. Bà Nguyễn Thị Hạnh (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) có gần 4.000m2 đất nằm ở khu Nam, cho biết, năm 1993, chính quyền địa phương công bố đất của bà và nhiều hộ dân trong khu vực nằm trong quy hoạch dự án phát triển khu Nam nên yêu cầu người dân không được làm gì, từ việc xây dựng, chuyển nhượng đến trồng cây lâu năm.
“Đến nay, sau gần 30 năm, dự án không triển khai, người dân cũng không được đền bù. Những thiệt hại của bà con trong hàng chục năm qua không thể nào đo đếm được”, bà Hạnh ngán ngẩm.
Trong khi, ông Hà Ngọc Sơn có nhà nằm ngay mặt tiền đường 9A (khu dân cư Trung Sơn, ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) bức xúc: “Ngay sát khu nhà tôi là khu đô thị kiểu mẫu của TPHCM là Phú Mỹ Hưng. Khu nhà tôi đang cư ngụ cũng chẳng thua kém gì mấy, vậy mà vẫn bị gọi là ấp, là xã. Rất không phù hợp”.
Đi ngang qua khu dân cư Trung Sơn, người đi đường dễ dàng thấy những chung cư cao chót vót đi kèm các công trình công cộng hiện đại, những dãy nhà liền kề được thiết kế đồng bộ về kiến trúc nằm san sát nhau, các cung đường được phân làn, trồng cây xanh rợp mát. Đó là bộ mặt của ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Dù chỉ là ấp thuộc xã nhưng nếu so sánh thì không hề thua kém các phường ở trung tâm thành phố. Với khoảng 80.000 dân, xã Bình Hưng có số dân cao gần gấp đôi nhiều phường ở TP Thủ Đức và quận 12. Chính quyền địa phương cho hay, công việc quá tải vì bộ máy không đủ để đáp ứng nhu cầu công việc. Theo đó, xã có quy mô 1.372ha với 12 ấp, nhưng chỉ có 3 cán bộ địa chính, xây dựng, vừa quản lý hồ sơ hành chính về đất đai, xây dựng, cấp số nhà, vừa quản lý quy hoạch…
Bức thiết nhu cầu lên quận
Là huyện ngoại thành, nhiều năm qua, nông nghiệp không còn mang lại hiệu quả kinh tế cho Hóc Môn, nhưng theo ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy, huyện vẫn phải giữ phần lớn diện tích đất nông nghiệp. Nếu không chuyển lên quận thì phần đất đó sẽ không được khai thác hiệu quả hơn. Đáng nói, Hóc Môn có diện tích đất trên 11.000ha, có thể bổ sung quỹ đất để khai thác làm nguồn vốn đầu tư cho phát triển thành phố, đồng thời tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai hiện có.
Theo lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn, địa phương có diện tích tự nhiên lớn so với các quận của thành phố; quy mô dân số đông hơn nhiều quận, nhưng bộ máy chính quyền còn gặp khó khăn trong công tác quản lý do số lượng cán bộ chuyên trách hạn chế.
Tại hội thảo về tiềm năng phát triển đô thị và định hướng lập quy hoạch xây dựng đến năm 2040 do Sở QH-KT TPHCM và UBND huyện Bình Chánh tổ chức mới đây, lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh cho hay, quá trình đô thị hóa ở địa phương diễn ra nhanh. Thế nhưng, lâu nay việc phát triển đô thị chồng chéo, chưa phù hợp với định hướng quy hoạch đã được phê duyệt. Cụ thể, phát triển nhà ở trong dự án, nhà ở riêng lẻ chỉ tập trung chủ yếu ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Bình Hưng - giáp quận 7, kéo theo dân số phân bổ không đồng đều giữa các khu vực.
Còn vùng giáp ranh huyện Hóc Môn và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc (tỉnh Long An) lại hình thành các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị. Cũng như Hóc Môn, quy hoạch xây dựng huyện Bình Chánh vẫn xác định phần lớn là đất nông nghiệp nên chưa giúp được địa phương phát huy lợi thế về đất đai, phát triển đô thị, kinh tế - xã hội. Trên tổng thể, huyện Bình Chánh chưa có nhiều dự án phát triển đô thị đồng bộ về hạ tầng. Vì thế, qua nhiều năm kể từ khi quy hoạch chung của huyện được phê duyệt, hình thái kiến trúc đô thị chưa cải thiện được như mong muốn.
Ngày 19-2 vừa qua, UBND huyện Củ Chi tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng, tiềm năng phát triển và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn huyện Củ Chi”. Nhiều chuyên gia cũng như lãnh đạo huyện đều cho rằng, Củ Chi còn nhiều dư địa phát triển lâu dài như quỹ đất lớn, địa thế cao, thuận lợi cho xây dựng đô thị hiện đại, không bị sụt lún, thoát nước dễ dàng. Huyện Củ Chi cũng có giao thông thuận lợi cả đường bộ, đường thủy và là cửa ngõ của TPHCM, tiếp giáp với tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương. Do đó, Củ Chi có nhiều điều kiện để trở thành đô thị trung tâm, hạt nhân của 4 tỉnh, thành; từ đó có thể kết nối đường bộ qua Tây Ninh đến Campuchia, Thái Lan.
Theo đồ án quy hoạch chung TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6-1-2010, các huyện ngoại thành của thành phố được quy hoạch như sau: phát triển 2 khu đô thị mới quy mô lớn là: khu đô thị Tây Bắc tại huyện Củ Chi, Hóc Môn có diện tích khoảng 6.000ha và khu đô thị cảng Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè diện tích khoảng 3.900ha (trong đó sông rạch khoảng 1.000 ha). Hướng Bắc thuộc địa bàn Hóc Môn và Củ Chi phát triển thêm một số khu dân cư mới gắn với khu vực thị trấn, điểm dân cư nông thôn và các KCN tập trung; hướng Tây thuộc huyện Bình Chánh và hướng Nam thuộc huyện Nhà Bè phát triển một số khu dân cư mới theo dạng cụm để phù hợp điều kiện địa chất thủy văn không thuận lợi, bảo vệ hệ thống sông rạch. Bảo vệ quỹ đất của vùng nông nghiệp quy mô khoảng 43.600ha tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ để hình thành 3 tuyến vành đai sinh thái không gian xanh kết hợp đất nông nghiệp, đất dự trữ tạo không gian mở ở khu vực phía Bắc thuộc huyện Củ Chi, Hóc Môn, phía Tây thuộc huyện Bình Chánh và phía Nam thuộc huyện Nhà Bè, Cần Giờ… |
“Lúc này đây, mô hình chính quyền địa phương theo đơn vị hành chính huyện, xã không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa của huyện”, một lãnh đạo huyện Bình Chánh nhận định. Theo lãnh đạo huyện Hóc Môn, một khi huyện chuyển thành quận sẽ giúp bộ máy chính quyền ở đây thuận lợi trong công tác quản lý, giải quyết được những bất cập về chính sách đã tồn tại từ trước đến nay. TS-KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Phòng Quản lý Quy hoạch chung, Sở QH-KT TPHCM, cho rằng, để đạt được mục tiêu phát triển đô thị bền vững, Củ Chi cần phát triển mô hình kinh tế kết hợp công nghiệp - logistic - nông nghiệp công nghệ cao - du lịch sinh thái, lịch sử và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Huyện Củ Chi hướng đến một thành phố gồm nhiều trung tâm chức năng, đô thị sinh thái thông minh và trung tâm giao thương quốc tế. |