Đoàn thanh tra EC sẽ làm việc về việc gỡ thẻ vàng IUU từ ngày 10/10

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Quyết định phê duyệt Kế hoạch tổng thể, kịch bản đón và làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) lần 4 về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)...
Ngành hải sản đang nỗ lực để gỡ "thẻ vàng".
Ngành hải sản đang nỗ lực để gỡ "thẻ vàng".

Theo đó, Đoàn thanh tra của EC dự kiến gồm đại diện của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản (DG-MARE) và Phái đoàn EC tại Việt Nam, sẽ sang Việt Nam làm việc về IUU từ ngày 10 - 18/10/2023…

Mục tiêu chuyến làm việc của Đoàn thanh tra Ủy ban Châu Âu (EC) là nhằm đánh giá kết quả triển khai các khuyến nghị của EC về chống đánh bắt IUU, trong đó tập trung vào kiểm tra các khuyến nghị của Đoàn sau chuyến thanh tra lần 3 vào tháng 10/2022 để đưa ra kết luận có thể gỡ bỏ hoặc duy trì cảnh báo “Thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chuẩn bị chu đáo để đón đoàn kiểm tra của EC đạt kết quả tốt nhất, sớm gỡ được cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Từ tháng 11/2022 đến nay, Việt Nam tập trung triển khai 4 nhóm khuyến nghị của EC để chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, gồm: Hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; và thực thi pháp luật.

Phía Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản (DG-MARE) đã thông báo những nội dung làm việc dự kiến lần này là kiểm tra kết quả triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), trong đó tập trung vào kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển, kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Dự kiến, Đoàn thanh tra EC sẽ kiểm tra thực địa và làm việc kỹ thuật từ ngày 10 - 17/10. Cụ thể, ngày 10/10, đoàn sẽ đến Việt Nam.

Ngày 11 - 15/10, Đoàn sẽ làm việc với Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm tra thực địa tại cảng cá chỉ định theo Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) và tại địa phương.

"Dự kiến chiều 18/10/2023, Lãnh đạo Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống IUU sẽ có buổi tiếp Đoàn thanh tra của EC về thực thi IUU".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ngày 16 - 17/10, sẽ làm việc kỹ thuật với Cục Kiểm ngư, Cục Thủy sản, Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường và các đơn vị có liên quan.

Ngày 18/10, Đoàn sẽ đối thoại cấp cao với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong kịch bản đón và làm việc với Đoàn thanh tra của EC, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề rõ các mục tiêu: Tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam chống khai thác IUU, tiến tới hài hòa quy định quốc tế và phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản Việt Nam.

Đồng thời, tạo được niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau đối với hiện trạng, những nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong chống khai thác IUU cũng như trong chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững qua thực thi Luật Thủy sản. Thể hiện việc chủ động tăng cường hợp tác với EU trong việc thúc đẩy và triển khai có kết quả các khuyến nghị của EC tại “cảnh báo thẻ vàng” về khai thác IUU.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, từ nay đến ngày phái đoàn EC sang kiểm tra chỉ còn 2 tuần “nước rút” cho thực thi các giải pháp quyết liệt để chống IUU và gỡ “thẻ vàng”.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thúc đẩy các giải pháp chống IUU, chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ 4, trong những ngày còn lại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển cần tập trung mọi nguồn lực thực hiện nghiêm túc, hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 81/QĐ-TTg, Công điện số 265/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm, như không để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân của địa phương vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài. Phải tiếp tục thực hiện đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển chồng lấn, giáp ranh giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt là Malaysia.

"Trong 2 tuần từ nay đến 9/10, trước khi Đoàn Thanh tra của EC sang kiểm tra lần thứ 4 về IUU, cần hoàn thiện sửa đổi dứt điểm hai văn bản quy phạm pháp luật là Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản",

Ông Phùng Đức Tiến,
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Rà soát toàn bộ số lượng tàu cá tại địa phương, đối khớp số liệu giữa báo cáo và Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); tập trung kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên xuất, nhập bến; kiểm tra tàu cá ra vào cảng, giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác của tỉnh theo quy định, đặc biệt là khối tàu từ 15m trở lên…

Với 28 tỉnh, thành phố cần có số liệu cụ thể của từng tỉnh về việc lắp đặt hay ngắt kết nối thiết bị VMS; từ đó có những biện pháp mạnh tay để xử lý vi phạm. Thực hiện nghiêm túc công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; nghiêm cấm các hành vi hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu…

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và doanh nghiệp có liên quan phải xử lý dứt điểm theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3 về công tác xác nhận đối với loài cá kiếm tại cảng cá cơ khí tàu thuyền trên địa bàn. Tỉnh Khánh Hòa phải xử lý dứt điểm 2 tàu cá nhập khẩu theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3 trước khi Đoàn thanh tra của EC sang thanh tra lần thứ 4.

“Chúng ta cần phải nghiêm túc xử lý, để lúc EC sang thanh tra họ thấy rằng Việt Nam đã thực sự cầu thị, thực sự hành động”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Các tin khác