Doanh nghiệp bị động ứng phó rủi ro

(ĐTTCO)-Đại dịch toàn cầu Covid-19 dự báo sẽ gây những tác động có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Bởi nếu dịch bệnh kéo dài trong 6 tháng, gần 74% doanh nghiệp (DN) có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động. Đây chính là thời điểm để DN nhìn lại hoạt động quản trị rủi ro của mình.
Doanh nghiệp bị động ứng phó rủi ro
Tác động sâu rộng
Theo nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), năm 2020 GDP toàn cầu có thể mất 0,1-0,4%, tương đương 77-347 tỷ USD, trong đó Trung Quốc gánh khoảng 2/3 thiệt hại. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề do xuất nhập khẩu với Trung Quốc chiếm hơn 25% kim ngạch trong năm 2019 với gần 117 tỷ USD.
Theo thống kê, trong 2 tháng đầu năm, số DN tạm ngừng kinh doanh 16.200 (tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước). Ngay như DN hàng đầu như Vietnam Airlines cho biết đã mất nguồn tích lũy trong 4-5 năm vừa qua chỉ trong 2 tháng, thậm chí còn nhận định khó khăn mới chỉ khởi đầu. 
Theo thông báo mới nhất từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Covid-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu. Công bố này có thể gây hiện tượng khủng hoảng kinh tế thế giới, khi đó nền kinh tế và DN Việt Nam sẽ đối đầu những khó khăn có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.
Khủng hoảng này sẽ khiến nhiều DN phá sản, chỉ DN quản trị tài chính tốt mới vượt qua. Điều này cũng có nguyên do các DN Việt Nam chưa thực sự đối đầu với 2 cơn khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 1997 và 2008 như các nước trong khu vực.  
Năm 1997-1998, kinh tế Việt Nam bắt đầu mở cửa, đến năm 2008 tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nên chưa thật sự hội nhập và áp lực từ suy giảm kinh tế thế giới chưa tác động mạnh. Nhận định này được củng cố theo kết quả khảo sát và phân tích của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, ước tính nếu dịch bệnh kéo dài trong 6 tháng, gần 74% DN có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động. 
 
Dự trữ tài chính
 Đại dịch Covid-19 cho thấy khá nhiều DN quy mô vừa, thậm chí có quy mô lớn, vẫn chưa rút được bài học về rủi ro và chưa có những chuẩn bị thích hợp.
Quan sát những DN lớn bị phá sản trong các đợt suy thoái kinh tế trong 2 thập niên, yếu tố chủ yếu do quản trị tài chính yếu kém. Sau đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, các DN lớn trên thế giới đã chọn con đường phát triển bền vững, đặt quản trị rủi ro lên hàng đầu. Đây là mục tiêu quan trọng không kém nhiệm vụ tăng trưởng kinh doanh, trong đó có 2 cách thức chính là tăng an toàn tài chính và dùng mô hình chuỗi cung ứng. 
Điểm cốt yếu của quản trị rủi ro tài chính là dành nguồn vốn dự trữ, không theo đuổi phương thức tối đa hóa lợi nhuận, đẩy mạnh huy động vốn để đầu tư, phát triển kinh doanh với tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao. Mô hình CTCP đại chúng với nhiều tổ chức, cổ đông cá nhân tham gia, giúp công ty có nguồn vốn chủ sở hữu lớn và thuận lợi trong huy động, thay vì các ông chủ giữ tỷ lệ cổ phần cao và thích dùng vốn vay ngân hàng.
Ngoài ra, các công ty còn chấp nhận giữ một nguồn vốn dự trữ, điển hình như Microsoft và Apple luôn có lượng tiền mặt rất lớn hàng tỷ USD. Với nguồn tiền mặt dồi dào này, họ luôn đủ nguồn lực để chịu đựng những giai đoạn suy thoái kinh tế hay khắc phục những sai lầm trong kinh doanh.
Các quỹ đầu tư tài chính lớn trên thế giới cũng luôn tuân thủ dự trữ 15-20% vốn tiền mặt trong hoạt động đầu tư của mình, không đưa hết vào chứng khoán dù là giai đoạn kiếm lời hấp dẫn. 
Bên cạnh việc quản trị rủi ro tài chính, mô hình chuỗi cung ứng giá trị cũng giúp các công ty có nhiều nguồn lực để chống đỡ khi gặp giai đoạn suy thoái kinh tế. Theo đó, các công ty lớn tập trung nguồn lực ở một số khâu thiết yếu, hợp tác với nhiều công ty khác theo phương thức outsource (hút lao động bên ngoài) hay nhượng quyền. Chiến lược này có thể đạt được quy mô kinh doanh lớn mà không phải bỏ nhiều vốn, cũng như dễ dàng mở rộng, thu hẹp theo từng giai đoạn, chu kỳ kinh tế. 
Quay trở lại Việt Nam, dù trải qua giai đoạn khó khăn tài chính 2011-2012, nhưng từ đó đến nay khá nhiều DN quy mô vừa và lớn vẫn chưa rút được bài học về rủi ro, chưa có những chuẩn bị thích hợp. Vẫn còn khá nhiều công ty niêm yết có tỷ lệ cổ phiếu chi phối của một vài ông chủ.
Đa số công ty vẫn sử dụng tỷ lệ vay vốn cao, chiếm tới 60-70% vốn kinh doanh, với nguồn vốn huy động chủ yếu từ vay ngân hàng. Nhiều công ty lớn vẫn có những xí nghiệp con để thực hiệu nhiều khâu hoặc toàn bộ trong việc sản xuất ra sản phẩm. 

Giải pháp mạnh mẽ
Để vượt qua giai đoạn suy thoái kinh tế cần áp dụng những giải pháp mạnh mẽ về tài chính trong việc khắc phục khó khăn. Mỗi DN tùy theo quy mô và ngành nghề có những giải pháp phù hợp, chủ yếu là các giải pháp: chủ động làm giảm nhu cầu vốn hợp lý để tăng khả năng huy động vốn; quyết liệt giảm lĩnh vực, mặt hàng kinh doanh yếu, tập trung vốn cho lĩnh vực ưu thế; quyết liệt giải quyết hàng tồn kho hiện hữu theo các nghiệp vụ tài chính; chủ động thuyết phục ngân hàng/nhà cung cấp giãn nợ, cung ứng vốn; chủ động bán các tài sản có giá trị để tạo vốn, sử dụng thuê ngoài; tập trung chi phí cho chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng, cắt giảm các chi phí khác.
Các giải pháp trên nếu DN thực hiện nghiêm túc và quyết liệt có thể vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, những giải pháp nêu trên chỉ là tạm thời để vượt qua giai đoạn khó khăn khủng hoảng kinh tế.
Về lâu dài, DN cần tuân thủ các nguyên tắc: không tìm lợi nhuận cao ngắn hạn nhưng làm giảm nguồn lực phát triển của công ty; vốn chủ sở hữu trên tổng vốn không thấp hơn 40%; duy trì lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lớn hơn nhu cầu chi thường xuyên 2 tháng; dòng tiền ròng từ hoạt động kinh doanh hàng năm phải bằng tối thiểu 20% so với nợ dài hạn tài chính; không đầu tư quá 30% vốn chủ sở hữu của công ty vào dự án mới.

Các tin khác