Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp (DN) đang phải thích ứng và linh hoạt tổ chức lại phương thức hoạt động để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, giữ an toàn cho cán bộ công nhân viên nhằm đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Xuân Phú Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse cho rằng, làm sao để chống chọi với rủi ro đồng thời vẫn ổn định phát triển sản xuất là bài toán của mọi DN. Với kỳ dịch lần thứ tư đang diễn biến phức tạp, DN xác định nếu chỉ 1 người trong khu vực DN dính dịch cũng có thể dẫn đến việc DN ngừng sản xuất bất cứ lúc nào, hoặc các thị trường bị phong tỏa có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng và nguồn cầu.
“Khi có dấu hiệu của dịch bùng ra, DN đã họp ngay với các cán bộ cấp quản lý để đặt ra những kịch bản như phong tỏa trong khu vực hẹp, phong tỏa thành phố, phong tỏa vùng miền. Kịch bản phong tỏa từng phần, DN sẽ chia nhiều kho hàng để không bị đứt gãy. Nhà máy chia ra nhiều khu vực để nếu 1 nhà máy bị có ca lây nhiễm sẽ có nguồn hàng ở các nơi khác bù vào”, ông Phú cho biết.
Ngay từ khi xuất hiện dịch đến nay, Tập đoàn Dệt May Việt Nam liên tục có chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tập đoàn đã tiến hành họp trực tuyến với Lãnh đạo các đơn vị, gửi công văn nhắc nhở các DN thành viên triệt để thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch.
Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, toàn bộ hệ thống các đơn vị trong Tập đoàn đã nâng báo động lên mức cao nhất về tình hình lây lan. Công tác thông tin tuyên truyền từ trên xuống dưới và trong nội bộ các DN cũng được đẩy mạnh để người lao động tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc 7K trong DN và trong cộng đồng, đồng thời nâng cao ý thức của người lao động trong phòng chống dịch ở cả nơi họ sinh sống. “Công tác kiểm tra, giám sát, báo cáo cập nhật thông tin dịch bệnh được tiến hành hàng ngày… Tập đoàn cũng như các đơn vị đã xây dựng kịch bản để ứng phó với đại dịch Covid-19 lần thứ 4. Dù đã thành công trong đẩy lùi các đợt dịch trước đây, tuy nhiên cần hết sức đề phòng, không lơ là chủ quan vì làn sóng dịch Covid-19 lần này hết sức phức tạp, mức độ nguy hiểm của chủng dịch Covid-19 từ Ấn Độ gây tử vong cao gấp 15 lần, có tốc độ lây lan nhanh trong cộng đồng”, ông Hiếu cho biết.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10 cho biết, đặc thù của ngành may mặc nói chung và May 10 nói riêng là DN sử dụng nhiều lao động. Với tổng cộng khoảng 12.000 lao động làm tại 18 nhà máy ở nhiều tỉnh/thành phố, nên đây đang là vấn đề khó khăn khi DN phải thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Theo ông Việt, May 10 có hơn 200 cửa hàng kinh doanh và buộc phải đóng cửa khi có Chỉ thị 16, do đó quy trình phòng chống dịch cần phải thực hiện triệt để và kiên quyết, quan trọng nhất là rà soát, truy vết, khoanh vùng người lao động có tiếp xúc hoặc ở gần bán kính cá nhiễm F0, F1 và yêu cầu cách ly ngay các đối tượng F2 và thậm chí là F3 tại nhà.
“Tổng công ty xác định dịch Covid khả năng lây đa phần là tiếp xúc trực tiếp hoặc lây lan qua không khí trong môi trường kín, do đó công ty tuyên truyền cho người lao động khi làm việc trong dây chuyền không nói chuyện khi làm việc, hay từ nhà máy đi đến nhà ăn dù chỉ mấy trăm mét cũng không được tiếp xúc. Công ty thực hiện đầy đủ 5K đối với người lao động từ cổng vào, ngăn nguồn lây, cùng với đó là thực hiện các biện pháp như khử khuẩn, đo nhiệt độ… Tại các bàn ăn đều sử dụng vách ngăn và giới hạn số người ăn chuyển từ 6 thành 4 người, mỗi người 1 buồng, trên bàn ăn đều có poster tuyên truyền để người lao động khi ăn dù chỉ 5 phút cũng nhìn vào đó để thực hiện”, ông Việt cho hay.
Mặc dù đã tổ chức chặt chẽ quy trình phòng chống dịch để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, song ông Việt cho rằng, các vấn đề cách ly, truy vết, dập dịch chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề, bởi vaccine Covid-19 sẽ đóng vai trò trọng yếu. Do đó, DN sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ để xã hội hoá nguồn vaccine cũng như đề xuất Chính phủ cho phép ngành may mặc và những ngành nhiều lao động ưu tiên tiêm vaccine trước.
“Hiện chi phí tiêm vaccine chỉ bằng 1/3 chi phí xét nghiệm, do đó, việc tiêm vaccine vừa là giải pháp căn cơ, lâu dài và tiết kiệm. Chính phủ đã có nghị quyết 21 về mua và sử dụng vaccine, chúng tôi rất mong nghị quyết này sớm được triển khai, bởi dịch bệnh thì không chờ ai. Bên cạnh đó, với những DN sử dụng nhiều lao động lại đang sinh sống ở các địa phương có dịch bị cách ly, giãn cách lao động không thể đi làm, điều này khiến DN thiếu lao động nghiêm trọng để phục vụ sản xuất. Do đó, cần có quy định cụ thể về giãn cách hay phong toả tại thôn xã phường, đối tượng nào được đi làm và không được đi làm, nếu không rất khó để DN có thể thực hiện mục tiêu kép”, ông Việt đề xuất.