Thế nhưng, từ năm thứ 3, những lợi thế này đã phần nào bị ảnh hưởng, bởi doanh nghiệp Việt Nam đang vướng các rào cản tiêu chuẩn chất lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, gọi chung là tiêu chuẩn xanh.
Vấn đề là các rào cản xanh của EU lại có xu hướng ngày càng nhiều hơn, khó khăn với doanh nghiệp càng nhiều hơn. Trong đó, thỏa thuận xanh được EU phê duyệt năm 2020 đã tạo áp lực lớn cho các quốc gia xuất khẩu như Việt Nam.
Tháng 6 vừa qua, EU đã ban hành Quy định chống suy thoái rừng (EUDR), đồng nghĩa các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm sản phải chứng minh không liên quan hoạt động phá rừng.
Từ ngày 1-10 tới đây, Cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM) cũng bắt đầu được áp dụng, buộc nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa. Nếu lượng phát thải vượt quá tiêu chuẩn, doanh nghiệp phải mua chứng chỉ phát thải theo mức giá EU quy định.
Ngày 5-7, Ủy ban châu Âu cũng thông qua quy định nhà sản xuất tạo ra chất thải dệt may phải trả tiền để họ thu gom và xử lý rác thải đó ở EU. Dự kiến, từ năm 2025, các công ty bán hàng thời trang cho người tiêu dùng EU sẽ phải thanh toán cho việc xử lý rác thải này…
Sắp tới, nhiều quốc gia ở châu Âu còn ban hành thêm đạo luật về nghĩa vụ thẩm định chuỗi cung ứng, buộc các công ty phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều tiêu chuẩn hơn, nên chi phí của doanh nghiệp sẽ nhiều hơn.
Nhưng, chưa cần tới quy định mà chính phủ của các nước nhập khẩu đưa ra, chính người tiêu dùng của EU có thể tẩy chay những sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng về bảo vệ môi trường và lao động. Người tiêu dùng ở EU đang có xu hướng ngày càng quan tâm đến cách làm ra sản phẩm có ảnh hưởng đến môi trường hay không, đối xử với người lao động thế nào…
Nếu doanh nghiệp Việt không chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn xanh hóa, thì hàng hóa không thể vào EU. Hiện nay, không chỉ EU, nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Australia… cũng đang có xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn này đối với hàng hóa nhập khẩu. Do đó, khi chúng ta đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của EU, cũng sẽ có cơ sở thích ứng với những thị trường khó tính khác.
Vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ thích ứng thế nào? Mặc dù quá trình chuyển đổi xanh của EU tạo ra lộ trình từng bước để chúng ta có thể dần thích ứng, nhưng quỹ thời gian không còn nhiều, có những quy định sẽ áp dụng ngay từ năm 2024 hoặc năm 2025.
Vì thế, các doanh nghiệp không nên chờ đợi đến khi EU bắt đầu áp dụng, mới gấp rút ứng phó mà ngay từ bây giờ nên chủ động chuyển đổi sang sản xuất xanh. Khi doanh nghiệp nhận thức được rằng đây là thách thức và là cơ hội để đón đầu xu thế phát triển bền vững của tương lai, tăng sức cạnh tranh, họ sẽ chủ động rà soát năng lực quản trị, chuẩn bị nhân sự, chuyển đổi công nghệ, nguyên liệu sản xuất... để từ đó có những sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng xanh.
Để doanh nghiệp không mày mò, dò dẫm, Nhà nước nên sớm có hướng dẫn rõ ràng, xây dựng các tiêu chí để lượng hóa, cũng như có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp có động lực chuyển đổi sang sản xuất xanh.