Trong số gần 10.000 DN tham gia khảo sát, có đến 82,3% dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong những tháng còn lại của năm 2023. Những khó khăn được các DN thông tin là đầu ra cho sản phẩm gặp khó vì không có đơn hàng, tiếp cận vốn vay khó, thủ tục hành chính phức tạp…
Và trên hết, sự hỗ trợ, giúp DN vượt khó của nhiều địa phương chưa đạt yêu cầu khi có tới 84% DN đánh giá hiệu quả điều hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả. Cho dù số liệu DN được khảo sát chưa nhiều, chỉ gần 10.000 trong tổng số khoảng 870.000 DN của cả nước, tỷ lệ trên vẫn rất đáng lưu tâm.
Trên thực tế, rất nhiều DN, kể cả DN đang hoạt động và vừa thành lập, đang vướng rất nhiều thủ tục mà không biết hướng để gỡ. Trong đó có cả những thủ tục rất bình thường, đã được thực hiện từ nhiều năm qua, giờ cũng trở thành lực cản với DN.
Các quy định về phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các nhà nghỉ, khách sạn… là một ví dụ. Anh Nguyễn Văn Dũng, một doanh nhân nhỏ, có một nhà nghỉ, nay muốn mở thêm nhà hàng gần đó mà hơn nửa năm rồi chưa xin được giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thông tin mới nhất từ Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa có quyết định hỏa tốc giao nhiệm vụ đột xuất cho Viện Khoa học công nghệ xây dựng rà soát, sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình; các cơ quan chức năng sẽ đề xuất giải pháp tháo gỡ trước ngày 30-6. Dù nhiều doanh nhân khấp khởi hy vọng nhưng anh Nguyễn Văn Dũng vẫn lên kế hoạch trả mặt bằng.
“Tôi thuê mặt bằng 20 triệu đồng/tháng, 6 tháng rồi không kinh doanh được nên đã mất đi 120 triệu đồng tiền thuê nhà, chưa kể tiền đầu tư bàn ghế, cây xanh, điện nước… DN của tôi nhỏ lắm, vốn chỉ 500 triệu đồng, thủ tục phòng cháy chữa cháy mới đang được gỡ ở cấp bộ, bao giờ xuống tới địa phương? Tôi sợ khó chờ được”, anh Dũng nói.
Trong khi đó, một DN vận tải ở TPHCM muốn nhân lúc giá ô tô giảm, đầu tư thêm vài chục phương tiện đã qua sử dụng mấy năm của một DN khác vừa giải thể, để tăng quy mô hoạt động, cũng chưa dám “xuống tiền” vì ngại khâu… đăng kiểm.
Ngại, lo lắng với nhiều thủ tục hành chính là tâm lý chung của nhiều DN hiện nay. Một số DN chia sẻ, khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, vốn cho sản xuất đã làm họ đau đầu; nay lại thêm những khó khăn, vướng mắc từ chính các thủ tục vốn dĩ khá quen thuộc càng làm họ nản chí. Bước ra thị trường thế giới, phải cạnh tranh khốc liệt với DN nước khác, “về nhà” những tưởng được hỗ trợ thực hiện các thủ tục cần thiết thì nhiều nơi lại thờ ơ.
“Những vướng mắc nhỏ này có nguy cơ làm đắm con thuyền kinh doanh của chúng tôi”, nhiều DN bày tỏ. Họ có bi quan? Chắc là không, bởi con số khảo sát của Ban IV nêu trên đã phản ánh được phần nào thực tế đó.
“Lỗ nhỏ đắm thuyền”, người xưa đã tổng kết và cảnh báo như vậy. Chỉ hy vọng, các bộ ngành, địa phương liên quan kịp vá ngay những cái lỗ bất cập này.