Hơn 82% doanh nghiệp có ý định thu hẹp sản xuất và ngừng kinh doanh

(ĐTTCO) - Trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.
Hơn 82% doanh nghiệp có ý định thu hẹp sản xuất và ngừng kinh doanh

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về kết quả khảo sát tình hình của gần 10.000 DN và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ DN nền kinh tế.

Theo Ban IV, kết quả khảo sát cho thấy, DN đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn. Trong tổng số 9.556 DN tham gia khảo sát, có 82,3% DN dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong đó, tỷ lệ DN dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh là 12,4%; dự kiến giảm mạnh quy mô là 38,5% và dự kiến giảm nhẹ quy mô là 20,5%.

Trong số các DN còn hoạt động năm 2023, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%. Có 80,7% DN dự kiến giảm doanh thu trên 5%, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%. Khảo sát cũng cho thấy, có đến 81,4% DN được khảo sát có đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023. Các đánh giá rất tích cực/tích cực chỉ chiếm 4,2%.

Các khó khăn, thách thức lớn nhất DN đang phải đối mặt là về đơn hàng (59,2%), tiếp cận vốn vay (51,1%), thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45,3%), nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31,1%).

Trong bối cảnh khó khăn đó, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi có đến 84% DN đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.

Báo cáo nêu rõ, hoạt động điều hành của Chính phủ và Thủ tướng được DN ghi nhận là rất quyết liệt, kịp thời. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khâu triển khai, truyền thông chính sách và hiệu quả thực thi chưa tương xứng với quyết tâm và hành động của Chính phủ và Thủ tướng.

Ban IV cho rằng, nguyên nhân của những khó khăn hiện tại đối với DN không chỉ đến từ chu kỳ khó khăn của kinh tế thế giới, mà còn do những vấn đề nội tại gây ra. Đây là thách thức rất lớn, nhưng cũng mở ra những cơ hội lớn để Chính phủ thực hiện những cải cách triệt để nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao sản lượng kinh tế trong dài hạn.

Từ đó, Ban IV nêu lên các nhóm kiến nghị. Trong đó, có nhóm các đề xuất giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của DN, như kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ DN đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn Covid-19, bao gồm việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 thay vì chỉ hết năm 2023.

Chi phí lao động cho DN cũng cần được hỗ trợ. Cụ thể, cần tiếp tục giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp với bối cảnh mới.

Ban IV cũng đề xuất đẩy nhanh việc hoàn thuế cho DN, tránh kéo dài như hiện nay. Một số cơ chế đặc biệt cần được suy nghĩ tới,ví dụ “cho phép DN được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng” và kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế, nhằm tạo điều kiện cho số đông DN tuân thủ tốt pháp luật. Đưa thuế thu nhập DN đối với các DN xuất khẩu về mức 5-10% để tạo sức cạnh tranh với doanh nghiệp các nước khác.

Nhóm các đề xuất để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay, như: nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực, trong đó có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cho phép ngân hàng thương mại trong nước được mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt vì lượng trái phiếu này có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của các DN trong nước.

Ban IV cũng đề xuất để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gồm: sớm hoàn thành điều tra các vụ án hiện tại để doanh nghiệp ổn định tư tưởng, tập trung sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cần có nghị quyết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự như những năm 1997-2000.

Hạn chế thanh tra, kiểm tra DN, cơ sở sản xuất kinh doanh (không quá 1 lần/năm) và không ban hành thêm văn bản mới tạo thêm gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính. Có cơ chế và quy định pháp lý rõ ràng đối với các chính sách, thủ tục hành chính liên quan tới hỗ trợ DN để cán bộ các cấp có thể thực hiện mà không lo bị phạm lỗi.

Các tin khác