Doanh nghiệp loay hoay giữa 'bài toán' giảm giá và duy trì lợi nhuận

(ĐTTCO) - Trước bối cảnh người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu, bài toán làm như thế nào để kích cầu tiêu dùng đang được đặt ra với hầu hết doanh nghiệp sản xuất cũng như nhà bán lẻ.
Tràn ngập các biển, bảng giảm giá, khuyến mại tại khắp các quầy hàng của hầu hết hệ thống siêu thị. Ảnh: Đ.MẠNH
Tràn ngập các biển, bảng giảm giá, khuyến mại tại khắp các quầy hàng của hầu hết hệ thống siêu thị. Ảnh: Đ.MẠNH

Cuộc đua giữ giá, giảm giá đang diễn ra trên diện rộng như hiện nay, liệu đã được xem là cách làm hiệu quả?

Sức mua giảm sâu

Dạo một vòng những siêu thị lớn tại TPHCM như Coopmart, MM Mega market hay Lotte mart… những ngày này, sẽ dễ dàng nhận thấy người mua sắm không quá đông và chủ yếu tập trung ở những quầy hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Tại một số khu vực bán quần áo, giày dép hay đồ gia dụng rất ít khách hàng dừng chân ghé lại.

Thực tế, việc sức mua của người tiêu (NTD) giảm sâu đã là câu chuyện gây đau đầu suốt mấy tháng qua của hầu hết DN. Xu hướng chi tiêu nghiêng hẳn về phía các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng khác bị cắt giảm mạnh. Ngay trong quý I (quý có mùa mua sắm lớn nhất trong năm là Tết Nguyên đán), tại TPHCM doanh thu bán lẻ ước đạt gần 164.000 tỷ đồng tăng 9,1% so với cùng kỳ, nhưng doanh thu lương thực, thực phẩm chiếm đến 20,4%.

Điều này cũng được minh chứng rõ ở các hệ thống bán lẻ. Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc thu mua của hệ thống MM Mega market, cho biết giỏ hàng của NTD qua hệ thống đã giảm khoảng 10% do họ chỉ mua sản phẩm thiết yếu. Phía Central Group cũng chung nhận định, trong rổ hàng hóa của NTD các mặt hàng thiết yếu chiếm tỷ trọng chính, còn các mặt hàng khác đều bị cắt giảm nhiều. Thậm chí tình hình quý II cũng chưa thể dự đoán trước.

Đứng trong tâm thế của DN sản xuất khi được hỏi về tình hình tiêu thụ hàng hóa từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng giám đốc Công ty TNHH liên kết thương mại Toàn Cầu (sở hữu thương hiệu cafe trái cây Meet More), chỉ dùng một từ “thảm”. Mảng xuất khẩu của DN sụt giảm nghiêm trọng, còn tiêu thụ trong nước gần như “đóng băng”. Theo ông Luận tình hình kinh tế khó khăn, DN đóng cửa, giảm giờ làm do thiếu đơn hàng nhiều, số lao động mất việc tăng, nên sức mua giảm sâu là không thể tránh khỏi.

Giảm giá diện rộng

Trái ngược với hình ảnh NTD khá thưa vắng là tràn ngập các biển, bảng giảm giá, khuyến mại tại khắp các quầy hàng của hầu hết hệ thống siêu thị. Như tại MM Mega Market (quận 12, TPHCM) ngay từ cửa bước vào dễ dàng thấy hàng loạt biển quảng cáo sale lớn, siêu ưu đãi; vào sâu phía trong là rất nhiều hình ảnh của chương trình khóa giá.

Ông Nguyễn Đức Toàn (MM Mega market) cho biết, chuỗi siêu thị đang thực hiện 2 chương trình lớn trọng điểm của năm nay liên quan đến chính sách giá, là chương trình giá sỉ (giá tốt như ở chợ đầu mối) áp dụng cho hơn 40 mặt hàng thiết yếu liên quan đến đời sống hàng ngày của người tiêu dùng. Chương trình thứ 2 là khóa giá (không tăng giá ít nhất trong quý II năm nay) với 500 mặt hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, đại diện Central Group, cũng khẳng định chương trình "Giá luôn rẻ hơn" hệ thống này triển khai sẽ mang trên 1.000 sản phẩm rẻ hơn đến cuối năm, tăng thêm lựa chọn cho người dân. Tương tự, Lotte mart nhanh chóng tung ra nhiều chương trình giảm giá cực sốc ngay sau các chương trình khủng chào mừng đại lễ 30-4. Còn Satra cho biết để kích thích sức mua của NTD, từ tháng 4 đến tháng 6 sẽ có nhiều chương trình giảm giá mạnh các mặt hàng tươi sống và nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm khác.

Giảm giá là bước đi không thể khác hơn của nhiều hệ thống bán lẻ, bởi khảo sát gần đây cho thấy NTD lúc này đang thắt chặt chi tiêu và rất quan tâm đến giá bán sản phẩm. Không chỉ giảm giá đơn thuần, một số hệ thống bán lẻ đang thay đổi cách thức triển khai chương trình khuyến mại theo hướng phối hợp với các địa phương, DN tập trung vào các hình thức mặt hàng nhằm kích cầu theo đúng “mùa nào, thức đó” và kích cầu chéo, nhiều mặt hàng được NTD quan tâm với giá tốt.

Tất nhiên giảm giá có thể làm tăng sức mua, nhưng doanh thu và lợi nhuận DN phải chấp nhận hy sinh, nhất là với những chương trình giảm giá sốc. Phó giám đốc một DN thực phẩm bày tỏ, chỉ có thể tham gia giảm giá sâu trong thời gian ngắn để kéo sức mua, còn kéo dài DN không chịu nổi.

Đồng tình, ông Nguyễn Ngọc Luận cho rằng nếu cứ tiếp tục giảm giá cũng giống như DN tự giết mình, bởi cuộc đua theo giá là cuộc đua xuống đáy. Đó là chưa kể với những mặt hàng không phải thực phẩm thiết yếu có giảm giá cũng không tăng được lượng bán do NTD không có nhu cầu.

Nói về cách làm của riêng DN mình, ông Luận cho biết chấp nhận cách “đi bán dạo”, tức tham gia rất nhiều chương trình hội chợ, mang hàng đến thật gần với NTD, để NTD tiếp cận trực tiếp, dùng thử rồi quyết định mua, chứ không chọn khuyến mại. Cách này tuy số lượng bán không quá nhiều nhưng hiệu quả lại dễ dàng thấy hơn.

Chờ tác động của giảm thuế

Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký Tờ trình số 191 gửi Quốc hội dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT). Dự án này đã trình và được Chính phủ đồng ý tại Nghị quyết 67 ngày 2-5. Nếu được Quốc hội thông qua, nội dung giảm thuế GTGT năm nay có điểm khác quan trọng so với năm ngoái. Cụ thể, năm ngoái việc giảm thuế GTGT với mức giảm 2% chỉ áp dụng cho 1 số hàng hóa, dịch vụ nhất định, còn đề xuất của năm nay mức giảm 2% cho tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%.

Nhiều ý kiến đều chung nhận định, với việc giảm thuế 2% NTD sẽ là đối tượng đầu tiên hưởng lợi. Các đơn vị kinh doanh cũng được hưởng lợi, một phần từ việc giá hàng hóa giảm NTD có thể mua sắm nhiều hơn, đồng thời một số nguyên vật liệu đầu vào cũng giảm do được giảm thuế 2% giúp DN có thêm nguồn lực tài chính.

Nhưng một số ý kiến lại cho rằng việc giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng không có tác động nhiều đến quyết định mua sắm của NTD. Nếu có thể nên giảm mạnh 5-6% hoặc kéo dài hơn thời hạn giảm thuế. Bởi theo nhiều dự báo, khó khăn sẽ còn kéo đến năm sau, NTD vẫn trong trạng thái thắt chặt chi tiêu. Nếu thuế đang giảm lại ngưng như đầu năm nay, tác động không nhiều, chưa kể DN cần có các bước chuẩn bị khi giảm và tăng thuế GTGT trở lại.

Trong bối cảnh sức mua NTD giảm sâu, để kích cầu tiêu dùng cần tăng cường khuyến mại, giảm giá diện rộng cùng với việc tăng mức giảm thuế GTGT.

Các tin khác