Hàng hóa phục vụ Tết đa dạng về chủng loại và mẫu mã. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Sức mua tăng mạnh dịp cuối năm và Tết Nguyên đán là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, các chương trình giảm giá, khuyến mại cũng được tung ra, tạo sức bật mạnh mẽ cho thị trường nội địa.
Tăng tốc sản suất
Gần một tháng nay, tất cả dây chuyền sản xuất của Công ty thực phẩm và chế biến đồ hộp Vinh An (Hà Nội) đều chạy hết công suất. Công nhân tại các vị trí đều tăng ca để kịp tiến độ giao hàng.
Năm nay dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát nên doanh nghiệp rất hy vọng sẽ đạt được nhiều kết quả khả quan về sản xuất-kinh doanh.
Ông Phạm Phi Long, Giám đốc Công ty Vinh An chia sẻ, dự báo sức mua tăng so với năm trước nên nguồn nguyên liệu để sản xuất hàng dịp Tết của doanh nghiệp tăng khoảng 15-20% so với năm trước, song song đó, Công ty cũng tăng mạnh hoạt động khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.
“Hiện doanh nghiệp đang đàm phán với các siêu thị và nhà bán lẻ để đẩy mạnh cung ứng hàng hóa ra thị trường,” ông Phi Long cho hay.
Với các doanh nghiệp, tháng cuối năm là cơ hội rất tốt để tăng tốc sản xuất, đáp ứng các đơn hàng cũng như chuẩn bị đón những cơ hội mới cho năm tiếp theo.
Theo chia sẻ của ông Đào Việt Dũng, chủ một cơ sở sản xuất bánh kẹo tại Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, hiện đơn vị đang thuê thêm công nhân và tăng cường thu mua nguyên liệu sản xuất mứt và các loại hoa quả sấy khô phục vụ khách hàng trong dịp Tết cổ truyền.
Không chỉ sẵn sàng về nguyên liệu, việc in bao bì, nhãn mác… cũng được cơ sở chú trọng và lên kế hoạch chu đáo.
“Đây là thời điểm quan trọng nhất của các doanh nghiệp làm sản phẩm Tết truyền thống, vì vậy cơ sở sẽ đẩy mạnh giám sát đối với các quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm…,” vị này nói.
Năm nay, Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão chỉ cách nhau khoảng 20 ngày, vì vậy lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp cũng phải được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Đại diện Công ty Mondelez Kinh Đô cho hay, từ nhiều tháng trước, bộ phận kinh doanh của doanh nghiệp đã tích cực chuẩn bị cho việc đưa sản phẩm Tết có mặt ở tất cả kênh phân phối truyền thống với các hoạt động trang trí bắt mắt trong cửa hàng cũng như trên các nền tảng thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki, Bách Hóa Xanh Online, Big C online.
Hơn nữa, để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng, ước tính đã có gần 200.000 điểm bán hàng khắp mọi miền đất nước sẵn sàng phục vụ mùa Tết 2023. Ngoài ra, Mondelez Kinh Đô cũng là một trong những doanh nghiệp bánh kẹo có sản phẩm hiện diện rộng rãi và đa dạng nhất trên các kênh thương mại điện tử.
"Các báo cáo thị trường đều cho thấy người tiêu dùng đã sẵn sàng cho việc chi tiêu mua sắm cho một cái Tết vui hơn, lạc quan hơn. Cùng với các hoạt động kích hoạt sôi nổi tại điểm bán và trên kênh truyền thông, công ty đã sẵn sàng để mang lại cho người tiêu dùng một trải nghiệm tuyệt vời những ngày đầu năm mới," ông Sameer Yadav, Giám đốc Marketing Công ty Mondelez Kinh Đô cho biết.
Chú trọng bình ổn thị trường
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 514,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước...
Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.180,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,9% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,8%).
Với sức mua hàng hóa đang tăng nhiệt, được dự báo sẽ góp phần không nhỏ cho việc thúc đẩy sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán năm nay.
Về phía các cơ quan chức năng, để kích cầu tiêu dùng, hàng loạt các Chương trình khuyến mại liên tục được triển khai nhằm tạo sức lan tỏa lớn hơn cho tiêu dùng nội địa.
Đặc biệt, sự kiện 'Hà Nội đêm không ngủ - HaNoi Midnight Sale' năm 2022 tổ chức cuối tháng 11 đã thu hút khoảng 200 doanh nghiệp, trung tâm thương mại, các chuỗi, cơ sở sản xuất… tham gia hưởng ứng.
Các siêu thị đẩy mạnh hoạt động khuyến mại, kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho biết ngay từ tối 24/11 sau Lễ khởi động chương trình 'Hà Nội đêm không ngủ - HaNoi Midnight Sale' năm 2022, người tiêu dùng đã đặc biệt quan tâm đến các chương trình khuyến mại của Big C trong sự kiện 'Black Friday.'
Trong ngày 25/11, siêu thị đã ghi nhận lượng khách hàng tăng đột biến, với mức tăng gần 250% so với những ngày trong tuần. Lượng khách hàng mua sắm trực tuyến qua ứng dụng zalo cũng tăng gấp 2 lần. Các mặt hàng trọng tâm được giảm giá trên 50% gồm mặt hàng thực phẩm, hàng tươi sống, hàng tiêu dùng nhanh, phi thực phẩm được tiêu thụ mạnh.
Còn theo đại diện hệ thống siêu thị BRGMart, hệ thống siêu thị này đã triển khai nhiều ưu đãi đa dạng về các mặt hàng với mức giảm giá 50% đến 70% cho nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phầm và hàng hóa khác nhân dịp Blackfriday.
Còn trong ngày 25/11, đơn vị ghi nhận mức tăng hơn 160% về doanh thu và lượng khách tham quan mua sắm tại các điểm bán hàng tham gia; website BRGshopping ghi nhận lượt truy cập mua sắm tăng khoảng 2,5 lần so với ngày bình thường.
Cùng với các chương trình kích cầu, đại diện Bộ Công Thương, cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết để không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng, đồng thời thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cân đối cung-cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu…