Năm 2022 được xem là năm nhiều khó khăn với ngành dệt may khi vừa phải đảm bảo các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh, tìm đầu ra cho sản phẩm trong bối cảnh thị trường suy giảm tiêu thụ; đồng thời, đảm bảo lương, thưởng và đời sống cho hàng vạn người lao động.
Tuy vậy, bằng sự nỗ lực, nhiều doanh nghiệp dệt may đến nay không chỉ đảm bảo lương, thưởng Tết mà còn tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho đời sống người lao động.
Chăm lo cho người lao động
Theo bà Trần Quý Dân, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May 10, mặc dù nửa cuối của năm 2022, ngành dệt may gặp nhiều khó khăn khi các đơn hàng bị giảm, May 10 cũng là một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng, khi quý 1/2023 một số xí nghiệp thành viên của Tổng Công ty vẫn chưa có đủ đơn hàng sản xuất. Tuy nhiên, không vì khó khăn chung mà các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 bị ảnh hưởng.
Các hoạt động truyền thống của May 10 vẫn được duy trì như phiên chợ ngày Tết, trò chơi dân gian, ngày hội gói bánh chưng và một số thực phẩm truyền thống ngày Tết với sự tham dự của các nghệ nhân đến từ nhiều vùng miền. Bên cạnh đó, May 10 cùng với Tập đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức Ngày hội công nhân-Phiên chợ nghĩa tình với gian hàng giảm giá hàng may mặc của May 10 cho người lao động với nhiều ưu đãi hấp dẫn.
"Ngoài ra, các đơn vị, xí nghiệp của May 10 cũng đã rà soát các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của người lao động, trao quà với mỗi suất dự kiến khoảng 1 triệu đồng/người và tổng kinh phí thực hiện là 300 triệu đồng. Cùng với đó, tổng công ty cũng trao quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Khu tập thể May 10, thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và tổ chức khoảng 5-7 chuyến xe nghĩa tình đưa công nhân về quê ăn Tết, bà Trần Quý Dân nói.
Mặc dù với những dự báo trong quý 1/2023 còn nhiều khó khăn, nhưng các đơn vị của Tổng công ty này vẫn chia sẻ tâm tư nguyện vọng, động viên người lao động đồng hành, sát cánh cùng tổng công ty vượt qua được giai đoạn khó khăn trong những tháng đầu năm 2023. Cùng với đó, các hoạt động chăm lo đảm bảo quyền lợi cho người lao động vẫn được duy trì, không để xảy ra tình trạng công nhân phải nghỉ làm vì không có đơn hàng.
Theo ông Nguyễn Tiến Hậu, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Dệt May Huế (DM Huế), với gần 5.000 lao động, việc chăm lo Tết Quý Mão 2023 được công ty đặc biệt quan tâm. Mặc dù trong quý 4/2022, các đơn hàng ngành sợi, ngành may đều bị ảnh hưởng, giá bán sợi đang thấp hơn so với giá nguyên liệu đầu vào... nhưng kết quả sản xuất kinh doanh chung năm 2022 của công ty đã hoàn thành kế hoạch. Ngoài lương tháng thứ 13, công ty cũng quyết định thưởng thêm 1 tháng lương cho toàn bộ cán bộ nhân viên và người lao động.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Dệt May Huế cũng tổ chức gian hàng với những mặt hàng thiết yếu được giảm giá từ 5-40% cho người lao động. Đây đều là các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu để người lao động có thể mua được với giá ưu đãi, góp phần giúp họ có một Tết ấm no, tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, Công đoàn công ty cũng sẽ có thêm các gian hàng 0 đồng, các gian hàng đồng giá...
Dự kiến, có khoảng 500 suất quà 0 đồng sẽ trao cho những người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các đơn vị trực thuộc hệ thống Công đoàn Dệt May tại khu vực Thừa Thiên-Huế.
Cùng với hỗ trợ quà Tết, Dệt May Huế vẫn tiếp tục duy trì tổ chức các chuyến xe nghĩa tình dành cho người lao động và cả gia đình về quê đón Tết, năm nay dự kiến sẽ duy trì khoảng 5 xe 45 chỗ đưa người lao động ra các tỉnh thành khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh thành phía Nam.
Chuyến xe về quê ăn Tết. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
"Mặc dù những dự báo của đầu năm 2023 còn tương đối khó khăn, nhất là ngành sợi nhưng hiện tại công ty vẫn đảm bảo việc làm cho người lao động hết quý 1/2023. Mục tiêu của chúng tôi là duy trì thu nhập bình quân cho người lao động năm 2023 ở mức 9,22 triệu đồng/người/tháng tương đương năm 2022 và nếu như kết quả kinh doanh khả quan hơn, thu nhập của người lao động sẽ được cải thiện hơn," ông Nguyễn Tiến Hậu cho hay.
Dành hàng trăm tỷ đồng để thưởng Tết
Không chỉ chăm lo đời sống, hỗ trợ người lao động về quê ăn Tết, nhiều doanh nghiệp dù còn khó khăn, vẫn đảm bảo đủ lương, thưởng Tết cho doanh nghiệp. Bởi với họ, người lao động là một trong những nguồn lực quan trọng nhất.
Ông Đặng Ngọc Quân, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Hà Nội (Hanosimex) cho biết hiện Hanosimex cũng cơ bản xong đề án thưởng Tết cho người lao động trước và sau Tết với phương án là tháng lương thứ 13 và 0,5 tháng lương, tổng kinh phí của riêng công ty mẹ là 55 tỷ đồng. Bên cạnh thưởng Tết, Hanosimex cũng sẽ có một khoản thưởng sau Tết để phần nào giúp người lao động ổn định thu nhập, động viên họ quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết.
Ông Đặng Ngọc Quân chia sẻ "có thể nói, mặc dù năm 2022 còn tương đối khó khăn, nhưng các chế độ lương thưởng cho người lao động vẫn được tổng công ty chi trả đầy đủ và không để người lao động nào gặp khó khăn khi Tết đến-Xuân về. Ngoài các khoản thưởng, hiện Công đoàn Tổng công ty cũng đang triển khai tới các công đoàn cơ sở, nhà máy, xí nghiệp thành viên... lên danh sách đề xuất các hoàn cảnh khó khăn để trao trợ cấp và tặng quà Tết với kinh phí mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng."
Với doanh thu hợp nhất hơn 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất ước đạt 300 tỷ đồng, Dệt may Hòa Thọ là một trong số những doanh nghiệp dệt may có kết quả sản xuất kinh doanh tốt trong năm nay.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Hòa Thọ cho hay dự kiến, năm nay, Hòa Thọ sẽ trích khoảng 110 tỷ đồng để chi trả tháng lương thứ 13 cho toàn bộ lao động. Bên cạnh đó, sẽ chi trả thêm từ 1 tới 2 tháng lương ngoài tháng lương thứ 13 để động viên, khích lệ người lao động.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
"Với khoảng 12.000 lao động trong toàn bộ hệ thống Tổng công ty, việc chăm lo Tết cho người lao động là một trong những hoạt động quan trọng của công đoàn trong những tháng cuối năm. Ngoài chế độ lương thưởng, công đoàn Tổng công ty Hòa Thọ cũng sẽ tiếp tục các hoạt động chăm lo Tết, rà soát các hoàn cảnh khó khăn để trao quà; tổ chức tiệc tất niên và các chuyến xe nghĩa tình đưa người lao động về quê ăn Tết."
Mặc dù dự báo còn nhiều khó khăn trong đầu năm 2023, đặc biệt là việc thiếu đơn hàng, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may vẫn đang nỗ lực trong việc chăm lo và đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong và ngoài ngành phải cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex chưa phải thực hiện việc giảm lao động trực tiếp bằng việc hoãn hay cắt giảm hợp đồng lao động.
Hiện Vinatex vẫn lo đủ đơn hàng sản xuất để người lao động có việc làm từ 40-48 giờ/tuần. Trung bình trên toàn hệ thống của Vinatex, thu nhập bình quân của người lao động năm 2022 ước đạt gần 9,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 15% so với năm 2021. Các đơn vị thành viên vẫn cố gắng duy trì chế độ lương thưởng cho người lao động trong Tết Nguyên đán 2023 nhằm duy trì và ổn định nguồn lao động.
Ông Lê Tiến Trường khẳng định quan điểm xuyên suốt của Tập đoàn là luôn xác định có 2 nguồn tài sản quý nhất phải bảo vệ là người lao động và vị trí trong chuỗi cung ứng. Do vậy, bằng các biện pháp triệt để nhất, Vinatex đảm bảo ổn định nguồn lao động, giữ vững quan hệ với khách hàng để khi thị trường hồi phục sẽ nhanh chóng tổ chức sản xuất, chớp lấy các cơ hội từ thị trường…
"Chúng tôi chấp nhận giảm mức lợi nhuận xuống, hy sinh, lựa chọn từ hơn 1.700 tỷ xuống còn hơn 1.000 tỷ để dành số tiền đó đảm bảo chi lương, thưởng và chăm lo cho người lao động. Tập đoàn muốn tạo một "thế đứng" vững vàng hơn, duy trì vị thế của người về lao động, để sẵn sàng trong thời gian tới," ông Lê Tiến Trường nói.