Sụt giảm ở nhiều lĩnh vực
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho biết, kết quả khảo sát mới đây về tình hình hoạt động của DN trên địa bàn TPHCM tháng 2 và tháng 3 cho thấy, 83% DN đang gặp khó khăn. Các khó khăn mà DN gặp là: thị trường bị thu hẹp (41,2%), hàng tồn kho nhiều (30,1%), giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%), khó tiếp cận nguồn vốn (40%), lãi suất vay cao (43%), thủ tục vay vốn phức tạp tốn nhiều thời gian (38,2%).
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, thông tin, không chỉ gặp khó vì thiếu đơn hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN dệt may còn bị tác động tiêu cực từ lãi suất tăng cao và tỷ giá USD đang biến động. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu, dẫn đến giảm lợi nhuận vào đầu năm 2023.
Đối với ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ, từ đầu năm đến nay, đơn hàng tiếp tục giảm mạnh và dự kiến còn giảm đến hết quý 2-2023, với mức giảm khoảng 50%-60%. Nguyên nhân là thị trường châu Âu, Mỹ giảm tiêu thụ; người dân, DN trong nước hạn chế mua sắm, xây dựng công trình. Riêng các DN ngành lương thực thực phẩm cần ứng trước chi phí cho mùa vụ nên rất cần vốn kinh doanh, nhưng lại khó tiếp cận vốn vay.
Cùng với đó, do ảnh hưởng bởi lạm phát, thị trường nói chung ở cả trong và ngoài nước thu hẹp quy mô kinh doanh, thậm chí dừng đầu tư, ngưng thi công các dự án mới đã kéo theo giá thép giảm 60% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng xuất khẩu thép cũng giảm 69,3%.
Các nhà máy xi măng ế ẩm, xuất khẩu giảm 55%, thị trường trong nước sụt giảm do đầu tư công và dự án bất động sản “đóng băng”. Hệ quả là không chỉ DN nợ lẫn nhau mà người lao động cũng bị sa thải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an sinh xã hội.
Kiến nghị các giải pháp cấp thiết
Ông Nguyễn Phước Hưng cho hay, các DN đang kiến nghị một số giải pháp cấp thiết nhằm giúp tháo gỡ khó khăn hiện nay, gồm: có chính sách hỗ trợ tín dụng hiệu quả cho DN; xây dựng gói chính sách ổn định thị trường; cải cách hành chính; tái khởi động chương trình cho vay kích cầu đầu tư; tăng hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ bán hàng; có chính sách rõ ràng nhất quán với các vấn đề quy hoạch, xây dựng, đất đai; có chiến lược cụ thể hỗ trợ các DN thực hiện chuyển đổi số.
Cũng theo ông Nguyễn Phước Hưng, ngân hàng cần nhận diện các khó khăn của từng nhóm ngành để có chính sách hỗ trợ phù hợp cho DN, tăng cường huy động các nguồn tiền gửi sẵn có chưa dùng tới của ngân sách nhà nước để cho vay, nới rộng các điều kiện cho vay về tỷ lệ thế chấp, cầm cố tài sản vay… Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn, áp dụng chính sách ân hạn 1 năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau.
Liên quan đến thị trường trái phiếu và bất động sản, lãnh đạo một số DN cho rằng, nhà nước cần xây dựng gói chính sách nhằm ổn định thị trường. Song song đó, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện tháo gỡ nút thắt trong lĩnh vực bất động sản, phát triển thị trường nhà ở xã hội. Ngoài ra, nhà nước cần tiếp tục tập trung cải cách hành chính để tạo hành lang thông thoáng cho DN phát triển.
Ở góc độ khác, ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Thái Sơn Nam, và là Chủ tịch Hội DN TP Thủ Đức (TPHCM), nêu ý kiến, các cơ quan chức năng liên quan cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ bán hàng, giúp DN kết nối trực tiếp với các thị trường trọng điểm xuất khẩu hoặc đang có lợi thế xuất khẩu như Ấn Độ, châu Âu...
Đối với vấn đề quy hoạch, xây dựng, đất đai, cộng đồng DN mong muốn nhà nước nhanh chóng nghiên cứu làm rõ và có quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất phù hợp đối với công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng lưu trú như căn hộ khách sạn (condotel), căn hộ văn phòng (officetel), nhà phố thương mại (shophouse).
Đồng thời, mở rộng điều kiện mua nhà của người nước ngoài, giải quyết khó khăn của các chủ đầu tư khi xử lý đất công xen cài trong dự án nhằm nhanh chóng giải phóng nguồn lực xã hội, hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển ổn định, góp phần phục hồi nền kinh tế.
Ngoài những giải pháp trên, nhiều DN cũng mong muốn các cấp thẩm quyền thành phố sớm khảo sát tình hình hiện trạng sử dụng đất để xóa bỏ tình trạng đất bị hoang hóa. Cần chuyển đổi đất nông nghiệp không sử dụng được sang các loại đất khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, tận dụng nguồn lực từ đất đai đóng góp vào sự phát triển của TP.
Đặc biệt, DN rất cần được hỗ trợ kinh phí cho các công tác tuyên truyền, đào tạo, huấn luyện và khuyến khích các đơn vị dịch vụ chuyển đổi số.