ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, đã có 4 trên 7 mặt hàng đóng góp tỷ USD vào xuất khẩu chung của cả nước. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp vùng này nhỏ và vừa, việc tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất kinh doanh thời gian qua gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp tìm đủ mọi cách để tiếp cận nhưng vẫn chưa như kỳ vọng.
Trong khi phía ngân hàng Nhà nước cho rằng, nguồn vốn cung cấp cho các doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh là không thiếu. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Nhiều năm kinh doanh lĩnh vực lúa gạo, doanh thu năm 2018 gần 2.000 tỷ đồng, Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát tại Cần Thơ đang xuất khẩu sang mốt số nước châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Để đáp ứng nhu cầu của đối tác, công ty không ngừng cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, xây dựng nhà máy mới và phát triển vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, sau nhiều năm tìm mọi cách tiếp cận hệ thống ngân hàng nhưng công ty vẫn chưa vay được vốn để thực hiện dự án mới.
ĐBSCL đóng góp 4 mặt hàng nông sản vào xuất khẩu tỷ USD của cả nước. |
Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty cho biết, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp rất lớn, nhất là vốn lưu động khi phải bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Trong khi đó, sản phẩm xuất khẩu để có tiền về thường rất chậm.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, đại diện cho trên 10.000 hội viên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đóng góp lớn vào GDP cho đất nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng như tài sản thế chấp, phương án kinh doanh không khả thi.
Ông Nguyễn Thanh Việt, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, phía ngân hàng luôn cẩn trọng với từng đối tác để đảm bảo an toàn trong thu hồi vốn. Để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, các ngân hàng cần phải cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực thẩm định dự án của cán bộ ngân hàng và có tinh thần cùng nhau chia sẻ rủi ro, phải có lòng tin lẫn nhau là những ước mong để rút ngắn khoảng cách giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
“Giai đoạn này rất cần có sự đồng hành giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khi đã có phương án kinh doanh nhưng có thể thiếu cơ sở pháp lý và những phân tích về vấn đề tài chính, phía ngân hàng cần hỗ trợ đi sâu tới từng doanh nghiệp, thông qua Hội Doanh nhân trẻ và các tỉnh thành để hướng dẫn doanh nghiệp có sự đột phá về điều kiện cho vay. Khi được phía ngân hàng tạo điều kiện giải ngân, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có điều kiện phát triển hơn”, ông Việt đề xuất.
ĐBSCL có 4/7 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Toàn vùng có hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng từ đầu năm đến nay chưa tới 10.000 doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay. Đặc biệt, việc cho vay theo chuổi giá trị ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn rất hạn chế.
Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hội doanh nghiệp TP Cần Thơ cho rằng, các quy định của ngân hàng thường mang tính một chiều, kể cả NHNN cũng chỉ có những khuyến nghị chứ không thể nào quyết định được những tiêu chí, điều kiện mà ngân hàng đưa ra. “Do đó, chỉ còn một cách là hai bên ngồi lại với nhau để xem những vấn đề nào có thể hóa giải được, tinh thần là tạo điều kiện cho bên cần vốn và bên có vốn giải ngân cùng tạo điều kiện cho nhau phát triển”, bà Thuận nêu quan điểm.
Thời gian qua, các doanh nghiệp vùng ĐBSCL có nhiều cơ hội để tiếp cận được nguồn vốn nếu đáp ứng đủ các yêu cầu như chứng minh được năng lực kinh doanh và vốn đối ứng, cụ thể hóa kế hoạch, chiến lược và tính khả thi của dự án sắp thực hiện; minh bạch về tài chính và có phương án trả nợ khả thi; chuẩn bị phương án đối phó rủi ro, khả năng chống chịu nếu xảy ra các biến động về kinh tế vĩ mô… Đó là những chỉ tiêu tài chính “cứng” mà ngành ngân hàng bắt buộc phải áp dụng để chấm điểm và xếp hạng tín dụng trước khi cho vay. Đối với vấn đề vay tín chấp, không cần tài sản thế chấp cũng đã có chính sách để thực thi.
Nhiều doanh nghiệp đang khó tiếp cận nguồn vốn. |
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Luật tổ chức tín dụng cho vay có tài sản đảm bảo hoặc không có tài sản đảm bảo là tổ chức tín dụng và doanh nghiệp thỏa thuận với nhau. Nếu doanh nghiệp sản suất kinh doanh có hiệu quả đảm bảo uy tín, tin tưởng được thì mức độ xác định tài sản thế chấp ở mức độ bao nhiêu là giữa ngân hàng và doanh nghiệp thỏa thuận còn không thể nào quy định được là mức đấy là bao nhiêu như thế nào.
Vấn đề thứ hai là tài sản đảm cũng chỉ đảm bảo cho khoản vay, quan trọng nhất vẫn là dự án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phải thực sự có hiệu quả, đôi bên phải tin tưởng lẫn nhau để đảm bảo hài hòa lợi ích”, ông Hùng chỉ rõ.
Để có những cơ chế cởi mở, nhanh chóng đưa dòng vốn chảy về các doanh nghiệp, phía Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục triển khai việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và chủ động, nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Qua đó, sẽ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát để ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các cơ chế chính sách, hàng lang pháp lý để hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng thương mại có cơ sở để thực hiện các gói tín dụng đặc thù, nhằm chuyển nhanh nguồn vốn đến các doanh nghiệp vùng ĐBSCL, khi đó tạo sức bật để có thêm nhiều ngành hàng góp mặt trong xuất khẩu tỷ USD của vùng.