Doanh nghiệp nhà nước cổ phần chậm niêm yết trên sàn dù đã bị phạt

(ĐTTCO)-Tính đến ngày 30/4//2021, đã có 871 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đã niêm yết, đăng ký giao dịch. Tuy nhiên, vẫn còn 754 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa chây ỳ chưa thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch.
Doanh nghiệp nhà nước cổ phần chậm niêm yết trên sàn dù đã bị phạt

Nghị định 155/2020, ngày 31/12/2020, của Chính phủ nêu rõ nghĩa vụ của doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa là phải thực hiện đăng ký niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nếu đáp ứng các điều kiện niêm yết. Trường hợp không đáp ứng điều kiện niêm yết thì phải thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường Upcom.

Dù Luật Chứng khoán, Nghị định Chính phủ và hàng loạt các văn bản quy định được ban hành nhưng đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp không chấp hành, chưa niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Ông Lê Trung Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát Công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) cho biết: Bộ Tài chính đã công khai danh sách các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa chưa thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch trên website của Bộ để các cổ đông tại doanh nghiệp biết và yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương, đại diện chủ sở hữu phần vốn góp tại các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa chỉ đạo người đại diện phần vốn đôn đốc doanh nghiệp thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán theo quy định.

“UBCKNN thực hiện một số biện pháp đôn đốc và thuyết phục là chính. Nếu không thực hiện sẽ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, có doanh nghiệp bị phạt chế tài cao nhất 400 triệu đồng. Nếu tiếp tục không lên sàn UBCKNN sẽ đề nghị Bộ Tài chính, Chính phủ tăng mức xử phạt lên” - ông Lê Trung Hải nói.

Đến thời điểm hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt 49 doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ đăng ký giao dịch. Điển hình trong số này là Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Tedi) vì không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán, tổng cộng số tiền bị phạt lên tới 450 triệu đồng. Được biết, Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải thực hiện cổ phần hóa từ năm 2014, thoái hết vốn Nhà nước vào năm 2016, vốn điều lệ gần 125 tỷ đồng, với 323 cổ đông.

Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Tedi), lý giải về việc chậm lên sàn chứng khoán: “Bây giờ tôi chỉ thực hiện theo nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, một bên là luật pháp của nhà nước. Đây là xử phạt hành chính chứ không như vi phạm thuế, hình sự. Việc này đại cổ đông quyết, tôi cũng muốn ra sàn nhưng việc này phải do ý chí của hội đồng cổ đông”.

Việc các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán đang làm chậm lộ trình của Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp, đồng thời gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.

Luật sư Tạ Trường Sơn, Hội Luật gia thành phố Hà Nội, cho rằng, quy định hiện tại xử phạt là chưa đủ răn đe bởi hậu quả rất nặng nề. Câu chuyện dây dưa không chịu lên sàn niêm yết để nhằm mục đích nào đó để chi phối cổ phần khi mà nhà nước đã thoái vốn. Cần phải có chế tài nghiêm khắc để thúc đẩy niêm yết nhanh hơn nữa để đảm bảo quyền lợi ích của các cổ đông nhỏ.

Trách nhiệm của sự chậm trễ này trước hết về người quản trị, điều hành doanh nghiệp chưa tuân thủ các quy định của pháp luật. Cùng với đó, do việc áp dụng chế tài xử phạt chưa quyết liệt, mức xử phạt thấp, nên dẫn đến tình trạng doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt để không phải lên sàn chứng khoán thực hiện nghĩa vụ công ty đại chúng. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm là nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, đồng thời đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ.

Các tin khác