Tuy nhiên, tỷ lệ DN siêu nhỏ (dưới 10 lao động và vốn dưới 3 tỷ đồng) và nhỏ (dưới 100 lao động và vốn dưới 20 tỷ đồng ngành nông công nghiệp hoặc dưới 50 tỷ đồng ngành thương mại dịch vụ) gần như không thay đổi.
Điều khá kỳ lạ, hơn 50% DN một thời gian dài kinh doanh không có lãi. Đặc biệt, các DN siêu nhỏ và nhỏ chiếm 93,7% trong tổng số DN, nhưng tổng lợi nhuận trước thuế trong cả giai đoạn 2011- 2018 luôn âm. Vì sao lại có thực trạng này?
Theo Sách Trắng về DN Việt Nam, năm 2020 DN siêu nhỏ và nhỏ vẫn chiếm 93,7% tổng số DN, nhưng tổng vốn chỉ chiếm khoảng 22% trong tổng số vốn của toàn bộ khối DN. Tỷ lệ này hầu như không thay đổi trong cả giai đoạn 2011-2019, cho thấy DN siêu nhỏ và nhỏ khó khăn trong tích lũy và tiếp cận vốn.
Như vậy, DN siêu nhỏ và nhỏ luôn kề cận bên bờ vực giải thể hoặc phá sản, kể cả khi không có đại dịch. Đến khi đại dịch Covid-19 ập đến, những DN này khó khăn bội phần, bên bờ vực của sự sống và cái chết. Chính sách hỗ trợ như giãn thuế thu nhập DN đối với 93% DN nhóm này gần như không có tác dụng. Đã vậy, nhóm DN này khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng do kết quả sản xuất kinh doanh lỗ hoặc lợi nhuận thấp, thiếu tài sản thế chấp.
Thế nhưng có một nghịch lý, phương pháp thu thập số liệu của cơ quan thống kê trong điều tra DN luôn cho thấy DN không hề lỗ, bởi lẽ cơ quan này thu thập số liệu thật của DN. Song thực tế, DN khi quyết toán cán bộ thuế không chấp nhận một số chi phí là hợp lệ, dù DN có chi phí thật. Do vậy hầu hết DN trong báo cáo thực lợi nhuận âm, nhưng sau khi quyết toán lại dương. Đây có thể là lý do cơ bản tại sao các hộ kinh doanh cá thể không muốn trở thành DN.
Về tỷ suất lợi nhuận trên vốn của cả khối DN (DNNN, DNTN và DN có vốn đầu tư nước ngoài - FDI) bình quân giai đoạn 2016-2018 là 2,5%, thậm chí năm 2018 chỉ 2,3%, không những thấp hơn lãi suất huy động của ngân hàng (6-8%), còn thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Điều này có nghĩa, nếu tiếp tục sản xuất sẽ ăn thâm vào vốn, đất đai và tài nguyên. Trong đó, DNTN có tỷ suất lợi nhuận trên vốn thấp nhất, khối DN FDI có tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao nhất.
Theo số liệu về đăng ký DN, tính đến ngày 31-12-2019 cả nước có 758.610 DN đang hoạt động, tăng 6,1% so với năm 2018; năm 2018 số DN hoạt động tăng 9,2% so với năm 2017. Những DN này chiếm khoảng 85% trong tổng số DN đang hoạt động. Song tính toán cho thấy, tỷ trọng giá trị gia tăng của toàn bộ khu vực DN chiếm trong GDP đang có xu hướng giảm mỗi năm 1,5-2% (năm 2017 chiếm 46% GDP, năm 2018 giảm 2% còn 44% GDP và năm 2019 còn khoảng 42,5% GDP)
Tỷ lệ giá trị gia tăng theo giá cơ bản so với doanh thu thuần của cả khu vực DN bình quân giai đoạn 2011-2019 khoảng 11%. Tức có 100 đồng doanh thu thuần chỉ tạo ra 11 đồng giá trị gia tăng (bao gồm lương công nhân, lợi nhuận và khấu hao tài sản cố định).
Tỷ lệ giá trị gia tăng của khu vực DN thấp như vậy do các nguyên nhân, như hoạt động sản xuất của các DN cơ bản gia công lắp ráp, hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp, dù có hợp đồng gia công hay tự sản xuất cũng cơ bản là mang tính gia công, nguyên vật liệu đầu vào là nhập khẩu. Các DN hoạt động thương mại chiếm tỷ lệ lớn (35%) trong tổng DN đang hoạt động, nhưng chiếm gần 40% trong số DN có kết quả kinh doanh.
Điều DN hoang mang nhất hiện nay chính là sự thanh tra kiểm tra, các nghị định và luật (như luật về bảo hiểm). Vì thế, gói hỗ trợ tốt nhất với DN lúc này là hỗ trợ giảm thiểu tối đa thanh tra, kiểm tra, đồng thời rút lại những điều vô lý trong các thông tư, nghị định về quản lý thuế…