San sẻ việc làm
Hàng năm, thị trường việc làm sau Tết luôn diễn ra sôi động, một phần lý do là bởi xu hướng nhảy việc, chuyển việc sau Tết của người lao động thường diễn ra, khiến nhiều doanh nghiệp phải gấp rút tuyển lao động thay thế. Tuy nhiên, năm nay, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh xu hướng đó đã không còn. Một trong những nguyên nhân chính là bởi chính sách "giữ chân" lao động của nhiều doanh nghiệp.
Công ty Phương Nam Panel đang có hơn 350 lao động. Trung bình mỗi năm, công ty sản xuất hơn 3.500m panel cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu các nước trên thế giới, nên phải đầu tư máy móc hiện đại, công nghệ cao.
Dù trước Tết, đơn hàng của doanh nghiệp bị sụt giảm tới 15% nhưng doanh nghiệp vẫn không cắt giảm lao động, mà chỉ giảm bớt ca và chia việc đều cho các công nhân có việc để làm.
Ông Phạm Thế Tân - Giám đốc Nhà máy, Công ty Phương Nam Panel cho biết: "Cắt giảm nghe thì dễ nhưng tuyển để vào đúng vị trí là một điều rất khó khăn của công ty Phương Nam, bởi vì chúng tôi phải đào tạo cho nhân viên rất lâu".
Công ty Cổ phần Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex cũng đang có hơn 1.100 lao động. Các sản phẩm của doanh nghiệp chủ yếu cung ứng cho Mỹ và các nước châu Âu. Đang lúc tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, đơn hàng của các đối tác ở các thị trường truyền thống này bỗng nhiên sụt giảm từ 30 - 50%, song không vì thế mà doanh nghiệp sa thải lao động.
Ông Lim Hong Jin - Tổng Giám đốc Công ty CP Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex cho biết: "Hiện tại chúng tôi vẫn duy trì số lao động như cũ nhưng giảm bớt giờ làm. Đồng thời chúng tôi đang tìm kiếm thêm khách hàng mới để bù vào doanh thu bị sụt giảm, cũng như tăng cường bán lẻ nội thất cho thị trường trong nước để duy trì việc làm cho người lao động".
Theo chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế kinh thế giới đang gặp nhiều khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng. Song, trong ngắn hạn các doanh nghiệp vẫn chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí để giữ chân lao động.
Doanh nghiệp không chỉ tạo điều kiện cho người lao động duy trì công ăn việc làm, mà còn tạo cho người lao động có niềm tin về triển vọng nghề nghiệp, cũng như niềm tin kinh tế sẽ sớm phục hồi trở lại. Còn ở góc độ doanh nghiệp họ cũng đánh giá được những lợi ích trong ngắn hạn và dài hạn.
"Trước mắt họ chấp nhận mở ra một khoản chi phí nào đó để tiếp tục duy trì công ăn việc làm cho người lao động nhưng khi nền kinh tế phục hồi và các đơn hàng phục hồi trở lại thì họ lại không bị mất đi chi phí tìm kiếm và tuyển dụng lao động, thậm chí là phải đào tạo lao động mới để đáp ứng các nhu cầu về mặt kỹ năng có tính chuyên môn hóa cao", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Chuyên gia Kinh tế, Giảng viên Đại học Fullbright Việt Nam nói.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lúc này Chính phủ và chính quyền địa phương cần phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chi phí tăng thêm như hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp khi người lao động đang đứng trước ngưỡng cửa mất việc, giảm tiền điện nước, mặt bằng, thuê đất… để doanh nghiệp hỗ trợ chéo cho người lao động, vừa giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng chống chịu khó khăn vừa giải quyết sinh kế, thu nhập tạm thời cho người lao động.
Tăng mức bồi dưỡng cho người lao động
Để giữ chân người lao động thì bên cạnh việc duy trì công ăn việc làm, việc hỗ trợ bằng tiền hay hiện vật cũng là yếu tố thu hút người lao động. Từ ngày 1/3 tới, người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại... sẽ được tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật.
Mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền. Điều kiện để được nhận bồi dưỡng bằng hiện vật là người lao động làm các ngành nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Điều kiện thứ hai là có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại theo quy định của Bộ Y tế. Hoặc tiếp xúc với ít nhất 1 yếu tố được xếp từ 4 điểm trở lên trong nhóm chỉ tiêu "Tiếp xúc các nguồn gây bệnh truyền nhiễm theo Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm".