Nhiều doanh nghiệp ráo riết tuyển thêm người để bù đắp lượng lao động thiếu hụt do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 trước đó.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ ngày 8-2, đại diện ngành lao động và các doanh nghiệp không giấu sự vui mừng khi lượng công nhân trở lại làm việc rất đông chỉ sau hai ngày mở cửa trở lại.
Hơn 90% người lao động trở lại làm việc
Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM, trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết, tính chung tất cả các lĩnh vực ngành nghề, tỉ lệ người lao động trở lại làm việc đạt 94% so với thời điểm trước Tết.
Tại quận 12, trong ngày đầu tiên sau Tết (7-2) đã có khoảng 99.600 trên tổng số 123.900 lao động (khoảng 81%) trở lại làm việc. Tại quận Bình Tân, tỉ lệ người lao động quay trở lại làm việc ở các doanh nghiệp đạt gần 90%.
Ông Trương Hoàng Tâm - chủ tịch công đoàn Công ty CP In số 7 (quận Bình Tân) - cho biết lượng lao động quay trở lại làm việc trong ngày đầu tiên đạt 95%, ngày thứ 2 đạt 97%. "Công nhân rất hào hứng quay trở lại làm việc, ngày đầu tiên công ty lì xì cho tất cả người lao động vào làm việc mỗi người 1 triệu đồng", ông Tâm chia sẻ.
Tại Công ty TNHH VEXOS VN (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7), hơn 90% người lao động cũng đã quay trở lại làm việc trong ngày đầu tiên. "Năm nay theo quy định chung, lương tối thiểu vẫn giữ nguyên nhưng công ty vẫn tăng lương và các khoản trợ cấp công việc trung bình 10% quỹ lương và có trợ cấp tay nghề, giúp người lao động có thêm động lực để gắn bó với công ty" - bà Phạm Thị Châu, trưởng phòng hành chính nhân sự VEXOS VN, cho biết.
Tại Bình Dương, Liên đoàn Lao động và Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho hay một số doanh nghiệp lớn có tỉ lệ người lao động trở lại cao hơn năm trước, đạt 70 - 80%. Tại Công ty TNHH Shyang Hung Cheng có hơn 6.800 trong tổng số 8.200 lao động đã trở lại làm việc (tỉ lệ 83%), Công ty TNHH Chí Hùng có hơn 6.700 trong tổng số 7.200 lao động trở lại làm việc (tỉ lệ 93%), số còn lại chủ yếu là nghỉ phép năm, nghỉ thai sản...
Ngày 8-2, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết có khoảng 95 - 96% lao động đã quay trở lại doanh nghệp làm việc sau kỳ nghỉ Tết, cá biệt có doanh nghiệp đạt gần 100% lao động đi làm.
Ông Đặng Tuấn Tú - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Changshin (huyện Vĩnh Cửu) - cho biết công ty bắt đầu sản xuất từ ngày 5-2, đến nay công nhân đã quay lại sản xuất ổn định gần như bình thường so với thời điểm trước Tết. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng năm nay công ty vẫn tăng lương thêm 100.000 đồng và 2,5% cho mỗi công nhân. Do đó dù công ty yêu cầu đi làm sớm hơn mọi năm, song đa số lao động đều vui vẻ đi làm lại.
Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần In số 7, quận Bình Tân, TP.HCM trưa 8-2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Lo chỗ ở, tăng đãi ngộ để giữ công nhân
Theo ông Lê Minh Tấn - giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, người lao động quay trở lại làm việc đạt tỉ lệ cao là tín hiệu tốt và đạt được điều này là do các công ty, doanh nghiệp đã công khai, minh bạch chế độ lương, thưởng để giữ chân người lao động. Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ, chăm sóc tốt để thu hút người lao động.
"Chúng tôi đang ráo riết tìm nhà trọ, hợp đồng sẵn với nhà trọ để người lao động ứng tuyển vào công ty sẽ có chỗ ở ngay. Thay vì để công nhân tự tìm chỗ ở, chúng tôi chủ động tìm những nơi ở trọ tốt cho họ. Vừa qua chúng tôi đã hợp đồng với một chủ trọ rất có tâm để thuê gần 70 phòng, chuẩn bị sẵn cho người lao động" - ông Nguyễn Thanh An, chủ tịch công đoàn Công ty Samho Việt Nam (huyện Củ Chi), nói.
Không chỉ đón người lao động cũ trở lại, nhiều doanh nghiệp tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP Thủ Đức) cũng tranh thủ tuyển thêm lao động mới ngay từ ngày làm việc đầu năm. Ngay tại cổng ra vào, Công ty TNHH Nissei Electric VN (Khu chế xuất Linh Trung 1) trưng biển tuyển dụng 200 lao động phổ thông với mức thu nhập 8 - 10 triệu đồng (có tăng ca) với ghi chú "phỏng vấn nhận việc ngay". Kèm theo đó là nhiều đãi ngộ như hỗ trợ chỗ ở miễn phí và cơm trưa giữa ca.
Công ty TNHH Freetrend Industrial VN cũng đăng tuyển 1.450 lao động phổ thông với mức thu nhập 8 - 10 triệu đồng đi kèm nhiều chính sách đãi ngộ: phụ cấp sinh hoạt, phụ cấp cho người lao động có con nhỏ dưới 6 tuổi, tiền tàu xe, phép đi đường, "thưởng thâm niên 10 năm tặng 1 chỉ vàng"...
Với nhu cầu tuyển dụng khoảng 1.000 lao động, Công ty TNHH Saigon Precision (TP Thủ Đức) cũng phỏng vấn tuyển dụng online, đồng thời tăng thêm chế độ đãi ngộ để thu hút người lao động. Ông Huỳnh Tấn Diệp - chủ tịch công đoàn Saigon Precision - cho biết hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động sản xuất đang tăng cao, công ty đã tăng hỗ trợ chuyên cần từ 200.000 đồng lên 500.000 đồng và hiện tại là 1 triệu đồng để thu hút người lao động.
Nhiều doanh nghiệp tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP Thủ Đức) đang tuyển dụng lao động (ảnh chụp sáng 8-2) - Ảnh: VŨ THỦY
Đơn hàng dồi dào, công nhân yên tâm sản xuất
Ông Trịnh Chí Cường - tổng giám đốc Công ty CP nhựa Đại Đồng Tiến - cho biết doanh nghiệp đã làm việc lại từ ngày 8-2 với lượng lao động trở lại nhà xưởng đạt gần 100%. "Năm nay lao động trở lại tốt, lượng đơn hàng cũng ổn định, đảm bảo cho các nhân công yên tâm sản xuất ngay sau Tết", ông Cường nói.
Ông Đặng Công Bình - giám đốc Công ty TNHH điện tử DLG Ansen tại Khu công nghệ cao TP.HCM - cho biết do doanh nghiệp chủ yếu tuyển người lao động tại khu vực TP.HCM và các địa phương lân cận nên lượng lao động luôn đảm bảo, kể cả sau Tết.
Theo ông Bình, do năm ngoái doanh nghiệp đã nỗ lực sản xuất trong suốt thời gian dịch nên đối tác Mỹ, châu Âu tin tưởng tiếp tục đặt hàng, lượng đơn hàng năm mới dồi dào với giá trị xuất khẩu ước đạt khoảng 6 triệu USD, nếu việc kiểm soát dịch duy trì như hiện nay, giá trị xuất khẩu có thể vượt mục tiêu và công nhân yên tâm sản xuất.
Phó chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM Phạm Văn Việt cho hay ngành dệt may VN năm nay có nhiều lợi thế để vươn lên khi cả đơn hàng, nhân công, nguyên vật liệu đều đảm bảo. Hiện nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng cho đến tháng 6, thậm chí quý 3, do đó việc người lao động sớm trở lại nhà xưởng sẽ giúp ngành này sớm bắt nhịp sản xuất.
Theo Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, hiện các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp chủ lực của khu đã chủ động nguồn lao động để làm việc ngay sau Tết để đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu, riêng trong thời điểm Tết có đến 7.000 lao động ở lại làm việc xuyên Tết.
Vận động hỗ trợ tiền thuê trọ Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Phạm Chí Tâm cho biết hiện nay các công đoàn cơ sở tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp để đón người lao động trở lại. Có những doanh nghiệp tổ chức xe hỗ trợ đón người lao động hoặc khen thưởng, lì xì đầu năm cho người lao động quay lại đúng thời gian quy định. Về chủ trương hỗ trợ, chăm lo chỗ ở cho người lao động, theo ông Tâm, trước mắt các công đoàn cơ sở vẫn vận động các doanh nghiệp có điều kiện cũng như chủ trọ hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động khó khăn. Về lâu dài TP đã có kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Sắp triển khai gói 6.600 tỉ hỗ trợ người lao động Nhiều công nhân ở khu nhà trọ Bến Phú Định, quận 8 (TP.HCM) mong gói hỗ trợ sớm triển khai - Ảnh: TỰ TRUNG Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết bộ đang xây dựng phương án triển khai gói hỗ trợ 6.600 tỉ đồng, một phần trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Gói hỗ trợ này tập trung hỗ trợ tiền mặt cho người lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm trong 3 tháng. Công nhân lao động đang ở tại chỗ được hỗ trợ 3 tháng trong khi người trở lại thị trường lao động được hỗ trợ 3 tháng nhưng với mức cao gấp đôi. Bên cạnh đó, người lao động sẽ được vay vốn để phát triển sản xuất với mức có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra ngân sách nhà nước sẽ trích một khoản cho công nhân vay lãi suất thấp mua nhà với giá rẻ. Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ doanh nghiệp vay để xây dựng nhà ở cho công nhân mua hoặc thuê với mức lãi suất rất thấp. Doanh nghiệp còn được hỗ trợ vay vốn không lãi suất để trả lương cho người lao động đến hết ngày 31-3 và hỗ trợ đào tạo nghề cho công nhân lao động theo gói hỗ trợ 7.500 tỉ đồng. Theo ông Lê Quang Long - trưởng ban quản lý Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, tỉ lệ người lao động bỏ việc sau Tết rất ít. Công đoàn và ban quản lý Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội có các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đời sống công nhân lao động khó khăn. Nhiều doanh nghiệp chuyển tiền hoặc hỗ trợ vé xe cho người lao động trở lại làm việc để đảm bảo guồng máy sản xuất. Tại Bắc Giang, có khoảng 180/383 doanh nghiệp và khoảng 81.000/188.000 công nhân trở lại sản xuất. Ở Bắc Ninh, khoảng 92% doanh nghiệp và người lao động trở lại trên tổng số 1.170 doanh nghiệp và 339.000 công nhân. Dự kiến hết tuần này số doanh nghiệp và công nhân trở lại làm việc tại 2 tỉnh này sẽ đạt gần 100%. Lao động miền Tây lại rời quê Sau Tết, hàng chục ngàn lao động các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trở lại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Cũng vội vã như lúc kéo nhau về quê lánh dịch COVID-19, nhiều người từ các tỉnh miền Tây đã trở lại tìm việc ở các tỉnh thành có nhiều nhà máy, khu công nghiệp. Đến nơi lương cao, ở nhà khó xin việc Anh Thái Hữu Hoàng Nam (phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên, An Giang) cho hay vợ chồng anh đã nghỉ làm ở công ty giày tại huyện Thoại Sơn, An Giang để trở lại Bình Dương. "Công ty ở quê khá xa nhà nên việc đi lại khó khăn, thêm nữa lương hơi thấp, chỉ bằng một nửa ở ngoại tỉnh nên không đủ chi phí sinh hoạt và lo cho con nhỏ. Hiện tại mức lương ở công ty chuyên về điện tử tôi đang làm khá ổn, tính cả tăng ca mỗi tháng vợ chồng tôi thu nhập trên 20 triệu đồng", anh Nam nói. Chị Nguyễn Thị Út (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cho biết gần 4 tháng nay chị thất nghiệp, cả nhà 4 miệng ăn chỉ trông vào tiền làm công phụ hồ của chồng. "Không phải lúc nào chồng tui cũng có việc làm tại quê nhà. Mùa này khô hạn, nông nhàn nên cũng chẳng ai mướn làm việc đồng áng. Tui tính vài ngày nữa sẽ lên Bình Dương, xin vào làm tại công ty cũ. Họ hứa nhận rồi. Vợ chồng tôi gửi hai đứa con cho bà ngoại chăm sóc", chị Út cho biết. Vợ chồng chị Út lên Bình Dương làm công nhân đã gần 6 năm. Thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, đầu tháng 10-2021 vợ chồng chị về quê lánh dịch. "Tại quê nhà khó xin một công việc phù hợp, ổn định. Dẫu biết xa nhà, xa con còn lắm gian truân nhưng vì mưu sinh đành chịu. Bây giờ vợ chồng tui đã tiêm 3 mũi, rất an tâm trở lại làm việc", chị Út nói. Anh Thái Hữu Tín Thiện, ngụ phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên (An Giang), nộp đơn xin việc sáng 8-2 - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT Người nhiều, việc ít Ông Võ Thanh Quang - giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng - cho biết đợt dịch COVID-19 vừa qua có khoảng 100.000 người dân Sóc Trăng từ các tỉnh thành trở về quê. Hiện có khoảng 30.000 người đã trở lại các tỉnh thành tìm việc làm. "Địa phương đã tạo điều kiện, giới thiệu và hỗ trợ nhiều lao động tìm được việc làm tại quê nhà. Tuy nhiên do nhu cầu tìm việc làm quá lớn, tôi nghĩ sau Tết số công nhân chưa có việc làm sẽ quay trở lại các tỉnh thành làm việc. Dịch bệnh giờ đã ổn, mọi thứ đã dần trở lại bình thường, người lao động không còn lo lắng như trước đây nữa", ông Quang nói. Theo ông Từ Hoàng Ân - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, trong số hơn 54.800 người trở về quê lánh dịch COVID-19 năm 2021, có hơn 45.600 người cần phải giải quyết việc làm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng chỉ trên 4.400 lao động. Vì vậy, sau Tết rất nhiều người dân trong tỉnh đã trở lại Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Long An... tìm việc làm. "Bên cạnh người dân tự đi tìm việc làm thì sở sẽ tăng cường hỗ trợ lao động tìm kiếm việc làm, giải quyết việc làm cho người lao động bằng nhiều hình thức. Dự kiến, tuần sau tỉnh sẽ tổ chức phiên giao dịch việc làm kết nối với nhiều doanh nghiệp truyển dụng lớn ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM... để tạo điều kiện cho lao động tìm việc làm ngoài tỉnh. Các doanh nghiệp sẵn sàng đưa xe xuống trực tiếp đón người lao động", ông Ân nói. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Châu Văn Ly - giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang - khẳng định An Giang có hơn 90.000 lao động từ các tỉnh thành đổ về quê trong đợt dịch vừa qua. Đến nay đã có gần 50.000 lao động đã quay lại các tỉnh thành. Tỉnh An Giang đã giới thiệu gần 40.000 lao động cho các doanh nghiệp mới vào đầu tư và các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. |