Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng tháng 9-2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước vẫn đạt kết quả khá khả quan là 27 tỷ USD, giảm nhẹ 0,8% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2020. Ngay khi TPHCM từng bước mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tăng tốc xuất khẩu.
Phục hồi sản xuất từng bước
Ghi nhận tình hình tại Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban Quản lý SHTP, cho biết gần như toàn bộ DN trong SHTP đã tái sản xuất. Trong đó, 50% DN sản xuất mức 50% công suất, số còn lại phục hồi ở mức 75%.
Theo lộ trình các DN báo cáo ban quản lý, dự kiến đến hết tháng 11, họ sẽ phục hồi 100% công suất sản xuất.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: Cao Thăng.
Cũng theo bà Lê Bích Loan, các DN cho rằng việc phục hồi sản xuất 100% vào tháng 11 rất quan trọng. Một mặt DN muốn cho đối tác thấy sự hoạt động ổn định, quan trọng hơn, DN phải giải quyết lượng đơn hàng tồn đọng nhiều tháng qua. Đồng thời, tự tin nhận thêm đơn hàng mới để tăng tốc xuất khẩu cuối năm cũng như quý I-2022.
Trước đó, cao điểm dịch bệnh vào tháng 7 và 8, nhiều DN đã mất khoảng 20% đơn hàng xuất khẩu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện các tập đoàn lớn tại SHTP như Samsung, Intel, Nidec Sankyo… đang kết nối chặt chẽ với ban quản lý cũng như các đơn vị liên quan, gấp rút hoàn thiện phương án phòng chống dịch trong nhà máy để nhanh chóng phục hồi hoàn toàn sản xuất. Dự kiến cuối tháng 11, các đơn vị sẽ nâng công suất sản xuất lên 100%.
Về nguồn nhân lực, đại diện Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), cho biết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, công ty đã áp dụng nhiều chính sách chi trả lương và phúc lợi đầy đủ, hỗ trợ tăng cường điều kiện làm việc, sinh hoạt với các đơn vị “3 tại chỗ”, chủ động hỗ trợ người lao động toàn công ty trong xét nghiệm, tiêm vaccine Covid-19…
Nhờ vậy mà lực lượng lao động tại các nhà máy luôn duy trì ổn định. Đây cũng là bức tranh chung nhiều DN đã chăm lo tốt cho công nhân ở nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất của TPHCM
Thị trường mở lại với nhiều doanh nghiệp
Ở góc độ khác, nhiều DN chia sẻ cùng với sự phục hồi sản xuất, cơ hội thị trường cũng đã mở cửa lại với nhiều DN.
Theo ông Lê Thành Liêm, Giám đốc điều hành Tài chính Vinamilk, thời gian qua, công ty đã nhanh chóng chào hàng tại các khu vực thị trường bị đứt gãy chuỗi cung ứng, vì thế mà doanh số xuất khẩu và các đơn hàng mới của Vinamilk liên tục tăng ngay tại những vùng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
6 tháng đầu năm 2021, hoạt động xuất khẩu của Vinamilk ghi nhận tăng trưởng 2 con số về doanh thu, đạt 2.772 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Cá biệt, đầu tháng 8, trong lúc cao điểm giãn cách xã hội, Vinamilk đã hoàn thành xuất khẩu lô hàng lớn cho công ty liên doanh tại Philippines là Del Monte Vinamilk Dairy Philippines Inc.
Hiện công ty đang tăng cường sản xuất để đáp ứng nhiều đơn đặt hàng tại thị trường Nhật Bản, Singapore, Philippines, các nước khu vực Trung Đông, châu Phi và đặc biệt là Trung Quốc.
Theo giới phân tích, dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng kim ngạch xuất khẩu nhiều nhóm hàng hóa nước ta vẫn tăng.
Đơn cử, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,66 tỷ USD, tăng 9% so cùng kỳ. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 214 tỷ USD, tăng 19,5%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 17,7 tỷ USD, tăng 17,6% và nhóm hàng thủy sản đạt 6,17 tỷ USD, tăng 2,4%. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 69,8 tỷ USD, tăng 27,6% so cùng kỳ.
Tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… có mức tăng mạnh 5,1%-18,3%. Do vậy, theo bà Lê Bích Loan, hoạt động thông thương hàng hóa thuận lợi, tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cảng biển được tháo gỡ nhanh chóng như hiện nay và Việt Nam đang có nhiều lợi thế từ các FTA thì đà tăng trưởng xuất khẩu hứa hẹn bùng nổ vào quý IV-2021.
Đại diện tham tán thương mại khu vực châu Âu, Anh, Hoa Kỳ và Ấn Độ… trong nhiều phiên họp xúc tiến cho biết, rất nhiều nhóm sản phẩm các nước đang cần nhập khẩu từ Việt Nam.
Đơn cử, thị trường Chile cần nhập khẩu sản phẩm đóng hộp, hoa quả khô, mì gói, quần áo, giày dép thể thao, thép mạ kẽm, đinh ốc xây dựng. Hay như thị trường Ấn Độ cần nhập khẩu sản phẩm gia vị và hương liệu. Thị trường Anh cần nhập khẩu nông, thủy hải sản các loại nhưng phải đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP…