Thâm nhập sâu thị trường Trung Quốc
Được thiên nhiên ưu đãi về nguồn nguyên liệu, sản xuất xi măng ở Việt Nam đã tăng nhanh về sản lượng cũng như số công ty gia nhập ngành. Theo thống kê của CTCK Rồng Việt (VDSC), Việt Nam có tổng cộng 74 nhà máy sản xuất và hầu hết đều do nhà nước trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát hoặc sở hữu.
Mặc dù thực tế các nhà máy không hoạt động hết công suất lắp đặt, nhưng sản lượng sản xuất xi măng ở Việt Nam vẫn ở mức khá cao, và tình trạng dư thừa nguồn cung đã xuất hiện trong vòng vài năm trở lại đây. Xét về tổng sản lượng thực tế, Việt Nam sản xuất được 78 triệu tấn trong năm 2017, con số này tăng lên 83 triệu tấn vào năm 2018, và dự kiến tổng sản lượng sản xuất của các nhà máy năm 2019 sẽ đạt gần 90 triệu tấn.
Sản lượng sản xuất tăng cao trong khi cầu không hấp thu được, đã đẩy ngành vào tình trạng dư cung. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), cả nước phải đối mặt với thặng dư 26 triệu tấn xi măng trong năm 2017. Lời giải cho bài toán dư cung chính là xuất khẩu và thị trường lớn nhất chính là Trung Quốc.
Theo thống kê của VNCA, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu xi măng Việt Nam đạt mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây với 1,1 tỷ USD, và sẽ còn tiếp tục tăng trong tháng cuối năm 2018. Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines là đối tác quan trọng nhất khi nhập khẩu 5,5 triệu tấn xi măng trong 10 tháng đầu năm 2018. Giá bán trung bình của Việt Nam thay đổi theo từng quốc gia đối tác.
Theo đó, các quốc gia Đông Nam Á đang nhập khẩu xi măng với giá cao nhất như: Campuchia đang nhập khẩu xi măng từ Việt Nam với giá 51,6USD/tấn, Philippines phải trả 46,4USD/tấn, trong khi đó Trung Quốc với sức mạnh đàm phán chỉ bỏ ra khoảng 36,3USD/tấn xi măng nhập khẩu từ Việt Nam.
Giá trị xuất khẩu xi măng Việt Nam đạt mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây.
Dù bán không được giá, nhưng Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường đầy tiềm năng của các doanh nghiệp xi măng của Việt Nam nhờ khối lượng nhập khẩu lớn. Theo thống kê, trong 10 tháng đầu năm, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 7,6 triệu tấn từ Việt Nam với giá trị đạt hơn 276 triệu USD.
Đặc biệt, với chính sách cắt giảm 10% sản lượng than, thép và xi măng để kiểm soát ô nhiễm không khí vừa được quốc gia này ban hành, đây là cơ hội hiếm hoi cho các doanh nghiệp xi măng thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc.
Theo Global Cement, đến cuối năm 2018, Trung Quốc sẽ trở thành nhà sản xuất xi măng lớn nhất thế giới với công suất lắp đặt 1,48 tỷ tấn/năm. Xếp ở các vị trí tiếp theo là Ấn Độ và Việt Nam với lần lượt 437 triệu tấn và 148 triệu tấn. Mặc dù ngành xi măng Trung Quốc đang phải đối mặt với việc cắt giảm sản lượng, nhưng công suất dự kiến của quốc gia đông dân nhất thế giới này vẫn cao hơn tổng công suất của 9 quốc gia còn lại là 200 triệu tấn/năm.
Từ lỗ thành lãi
Từ lỗ thành lãi
Thực tế, các doanh nghiệp xi măng niêm yết ghi nhận được những kết quả hết sức tích cực nhờ thị trường tiêu thụ rộng mở. Đơn cử là CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1), trong quý I sản lượng bán ra giảm 5% khiến cho nhiều cổ đông lo ngại, nhưng bước qua quý II và III, sản lượng tiêu thụ tăng trở lại trong bối cảnh ngành xi măng tăng cường xuất khẩu, qua đó giảm cạnh tranh trong nước. Sản lượng tiêu thụ tăng giúp cho HT1 ghi nhận những con số ấn tượng về lợi nhuận.
Cụ thể, lũy kế 9 tháng đầu năm, HT1 ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 442 tỷ đồng (tăng 40%). Dự báo, sản lượng xi măng bán ra cả năm 2018 của HT1 đạt 6,8 triệu tấn và ước đạt 6,9 triệu tấn trong năm 2019.
CTCP Xi măng Vicem Hoàng Mai (HOM) với lợi nhuận sau thuế 9 tháng tăng 24% so với cùng kỳ. Tương tự, lợi nhuận sau thuế 9 tháng của CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS) đạt 17,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2017 lãi vỏn vẹn 422 triệu đồng.
Đặc biệt, có doanh nghiệp đã biến lỗ thành lãi nhờ thị trường tiêu thụ thuận lợi như trường hợp của CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC). Cụ thể, lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2018 của BCC đạt 38,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 60 tỷ đồng. Tương tự, CTCP Xi măng Sài Sơn (SCJ) lãi 4,1 tỷ đồng sau 9 tháng năm 2018, trong khi cùng kỳ lỗ 38 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh chính là yếu tố giúp cho nhóm CP xi măng giao dịch tích cực trong khoảng 3-5 tháng trở lại đây. Theo thống kê, tính từ đầu tháng 7 đến nay, HT1 ghi nhận mức tăng hơn 50%, BST tăng gần 50% nếu tính từ giữa tháng 9, BCC tăng 13%, SCJ tăng gần 30%. Tuy nhiên, mặt trái của phần lớn mã CP trong nhóm CP xi măng là thanh khoản kém. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều mã CP xi măng chưa thể phục hồi về mệnh giá.
Dù thị trường xuất khẩu thuận lợi, nhưng việc giá điện và than dự kiến sẽ tăng trong năm 2019, nên biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp xi măng sẽ chịu áp lực. |