Lo thiếu lao động, ngưng sản xuất
Gỗ và các sản phẩm gỗ là nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Cụ thể 6 tháng nhóm ngành này mang về 8,1 tỷ USD, tăng hơn 61% so với cùng kỳ 2020. Với tình hình đơn hàng dồi dào như hiện nay, ngành gỗ được dự báo mang về 16 tỷ USD trong năm nay.
Thế nhưng trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn khó kiểm soát tại TPHCM và nhiều tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An…, đã buộc các địa phương phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, khiến DN ngành gỗ khu vực này đối mặt nhiều thách thức. Quan trọng nhất là vấn đề thiếu lao động và lo ngại dịch có thể bùng phát ngay tại nhà máy buộc phải đóng cửa, dẫn đến chậm trễ đơn hàng.
Chia sẻ với ĐTTC, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho biết hầu hết DN đã nhanh chóng chủ động thích nghi với tình hình mới. Thiếu lao động DN cố gắng tăng ca. Để tránh dịch có thể bùng phát một số DN đã tổ chức cho công nhân ăn ngủ tại nhà máy để đảm bảo sản xuất. Không chỉ ngành gỗ, các ngành xuất khẩu sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày… cũng cố gắng tăng ca nhưng vẫn khó đảm bảo đơn hàng đúng thời hạn. Thậm chí nhiều DN thấy đơn hàng nhưng không dám nhận vì không đủ công nhân.
Trước bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, TPHCM và một số tỉnh/thành đã kích hoạt 3 tại chỗ với các DN sản xuất. Một số DN xuất khẩu trước đó có phương án cho công nhân ăn nghỉ tại chỗ đã nhanh chóng thích nghi với yêu cầu mới. Theo khảo sát nhanh của Hiệp hội DN TPHCM, một số DN (nhất là nhóm ngành xuất khẩu và sản xuất hàng thiết yếu) đã chuẩn bị cho phương án này từ trước, nay chỉ củng cố thêm là có thể đáp ứng 3 tại chỗ.
Song cũng còn khá nhiều DN không kịp trở tay với phương án 3 tại chỗ này nên phải tạm ngưng. Nguyên nhân nhà máy vốn để sản xuất nay khó bổ sung thêm các công năng ăn, ngủ, vệ sinh… Tìm chỗ ở bên ngoài cho hàng ngàn công nhân không dễ chưa tính chi phí đội lên. Ngoài ra, không ít nhà máy phải tạm ngưng hoạt động do các đối tác trong chuỗi cung ứng không đáp ứng được yêu cầu nguyên vật liệu sản xuất.
Giám đốc một DN dệt may tại TPHCM cho biết, thiếu lao động dẫn đến trễ đơn hàng đã khiến DN lo lắng không yên. Nhưng nếu không may DN có F0 hoặc không đủ đáp ứng 3 tại chỗ phải ngưng sản xuất còn tệ hơn rất nhiều. Mặc dù có lý do bất khả kháng là dịch bệnh nhưng với nhiều đơn hàng của các thương hiệu lớn, họ không thể chờ quá lâu vì các kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã lên theo chuỗi. Khả năng phải đền hợp đồng hoặc bị cắt đơn hàng khó tránh khỏi.
Trong khi các DN TPHCM, Bình Dương, Long An đang nhanh chóng kích hoạt 3 tại chỗ, các DN xuất khẩu một số tỉnh ĐBSCL cũng không chậm trễ. Họ đang lên phương án cho kịch bản này. Trao đổi với ĐTTC, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Thực phẩm Sao Ta, cho biết các DN tôm ở Sóc Trăng hiện vẫn ổn định, phương án 3 tại chỗ đã được DN chuẩn bị để tránh bị động. “Thực tế khi thực hiện 3 tại chỗ số nhân công sẽ giảm, chỉ khoảng 1/5 hoặc 1/3 người lao động có thể đến nhà máy bởi nhà máy không đủ chỗ cho toàn bộ người lao động ăn, ngủ, sản xuất” - ông Lực chia sẻ.
Thiếu contairner, giá thuê tăng
Dịch bệnh, giãn cách xã hội không chỉ khiến DN đau đầu với bài toán lao động, đảm bảo an toàn sản xuất, còn khiến họ đứng trước nhiều khó khăn khác. Ông Nguyễn Chánh Phương cho biết việc lưu thông vật tư sản xuất giữa các tỉnh/thành gặp khó khăn do phải thực hiện test Covid-19. Trước đó, theo phản ánh của DN thủy sản, sáng 8-7 toàn bộ xe container và xe tải di chuyển từ TPHCM đi ĐBSCL bị ách tắc tại các điểm chốt chặn vào tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, do yêu cầu tài xế phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Chưa hết khó, thời gian này hầu hết DN xuất khẩu phải đối mặt với việc giá container và cước vận tải biển tăng chóng mặt. Ông Hồ Quốc Lực cho biết hiện chi phí thuê container tăng liên tục. Không những thế DN còn có thể bị hủy hợp đồng thuê container vào giờ chót.
Mới đây nhất, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã có công văn gửi các bộ Công Thương, Giao thông-Vận tải, Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan và Hiệp hội DN dịch vụ logistics, để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét tháo gỡ vấn nạn thiếu container, thiếu chỗ và đưa giá cước trở lại như trước đây.
VPA cho biết, hiện Mỹ và EU là 2 thị trường chính của hồ tiêu Việt Nam, nhưng đây là 2 tuyến vận chuyển đường biển có mức tăng giá cước phi mã và bất thường nhất, với mức tăng khoảng 1.500-2.000USD cho container 40 feet sau mỗi 2 tuần. Với tình hình cước tăng liên tục và không có chiều hướng giảm như hiện nay, ngành hàng hồ tiêu Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh ở các thị trường Mỹ. VPA khẳng định nguy cơ đánh mất thị trường trọng điểm vào tay đối thủ cạnh tranh rất lớn.
Trước VPA, VASEP cũng gửi công văn tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tổng hợp, báo cáo và kiến nghị 8 khó khăn, bất cập và vướng mắc chính đang tác động tiêu cực rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của DN thủy sản. Trong đó có vấn đề mang tính thời sự nóng bỏng là các hãng tàu vận tải tăng giá cước tàu biển và tình trạng thiếu container cho xuất nhập khẩu từ tháng 11-2020 đến nay.
Theo VASEP, do dịch Covid-19 các DN đã rất khó khăn mới ký được các đơn hàng nhưng ngay cả khi có đơn hàng, với việc cước phí thuê container tăng quá cao và DN rất khó khăn trong việc thuê được container để xuất nhập hàng hóa, khiến nhiều DN đang đứng trước tình trạng thua lỗ trầm trọng và đình đốn sản xuất do giá thành tăng cao và không xuất khẩu được hàng hóa.
Lo thiếu lao động phải ngưng sản xuất, thực hiện phương án 3 tại chỗ, bị ách tắc tại các điểm chốt chặn do phải thực hiện test Covid-19, thiếu và phải thuê container giá cao… đang đẩy DN xuất khẩu vào thế khó. |