Tạm ngưng xuất đi Nga
Nằm trong top 10 công ty xuất khẩu thủy sản sang Nga năm 2021, nhưng thời điểm này CTCP Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường đang tạm ngưng xuất khẩu sang thị trường này. Ông Đoàn Hoàng Chiến, Giám đốc công ty cho biết, lo ngại những rủi ro từ xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng đến các khâu vận chuyển hàng hóa, chứng từ, thanh toán… nên Kiên Cường tạm ngưng xuất khẩu sang Nga.
Hiện thị trường Nga đang chiếm khoảng 30% tổng thị phần xuất khẩu của Kiên Cường, nếu trong thời gian tới tình hình chưa ổn định chắc phải chuyển hướng sang thị trường khác. Khi được hỏi việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT có ảnh hưởng tới việc thanh toán của đối tác cho các đơn hàng đã xuất trước đó, ông Chiến cho biết các đơn hàng cũ đều xuất trước tết nên việc thanh toán cũng đã hoàn tất.
Tương tự, CTCP Sài Gòn Tâm Tâm chuyên xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thủy sản chế biến sang Nga và Ukraine cũng đang phải tạm ngưng xuất khẩu.
Ông Phạm Quốc Bình, Phó Giám đốc công ty cho biết, hiện các hãng vận tải đang ngừng nhận hàng đi 2 quốc gia này nên hàng sản xuất rồi phải để vào kho. Đây là 2 thị trường chính của Sài Gòn Tâm Tâm nên việc chuyển hướng thị trường rất khó, chỉ biết chờ cuộc xung đột này nhanh kết thúc để mọi việc trở lại bình thường.
Nói về các nhóm ngành xuất khẩu chính sang thị trường Nga, thủy sản là một trong số đó. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường này còn khá khiêm tốn chỉ 164 triệu USD trong năm 2021, nhưng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) luôn đánh giá đây là thị trường đầy tiềm năng.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết tác động đến ngành chưa lớn vì thị phần 2 thị trường này còn nhỏ, nhưng với 50 DN được cấp phép sang 2 thị trường này đang chịu ảnh hưởng.
Trước hết về khâu thanh toán, với các đơn hàng cũ, DN Việt Nam và đối tác đang cùng tìm cách giải quyết. Song với những lô hàng đang trên đường tới Nga DN phải tính toán xem có thể đi tiếp hay không, nếu không thể buộc phải quay đầu tuy có thiệt hại nhưng vẫn giữ được hàng. Còn với những lô hàng đã sản xuất chưa thể xuất khẩu, DN phải tạm ngưng chờ diễn biến tình hình. Điều này ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Hiện nay một số DN cho biết việc gửi chứng từ sang Nga đang kẹt do ngân hàng trong nước không dám nhận, vì thế có những đơn hàng đang vận chuyển nhưng chứng từ chưa gửi được. Quay đầu hay chuyển hướng là bài toán nhiều DN phải cân nhắc.
Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã có khuyến cáo tới các hiệp hội và DN, lưu ý về khả năng hàng hóa bị chậm chễ trong việc giao nhận do phải chờ thông quan nhiều ngày, dẫn đến rủi ro trong khâu thanh toán, đặc biệt đối với các hợp đồng thanh toán T/T (chuyển tiền sau khi giao hàng).
Bộ khuyến nghị các DN xuất khẩu áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong thanh toán khi giao kết hợp đồng. Với đơn hàng trị giá nhỏ, DN có thể thanh toán qua kênh KFT do Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) xây dựng. Qua 5 năm triển khai, hệ thống KFT đã hoạt động ổn định, có khả năng phục vụ tốt hoạt động thanh toán song phương giữa 2 nước.
Lo những ảnh hưởng khác
Theo Bộ Công Thương, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,1 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2020, chỉ chiếm hơn 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Còn đối với Ukraine, thương mại 2 chiều giữa 2 nước trong năm 2021 đạt 720 triệu USD, tăng 50% so với năm 2020, nhưng chỉ chiếm 0,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Như vậy tác động đến xuất nhập khẩu của Việt Nam không quá lớn, nhưng điều DN, hiệp hội lo ngại lại không đơn thuần chỉ là việc xuất khẩu đến 2 quốc gia này.
Việc đầu tiên DN xuất khẩu lo ngại chính là giá dầu tăng đẩy giá cước vận tải biển tăng theo. Ông Đoàn Hoàng Chiến cho biết giá cước vận tải biển hiện nay tăng quá cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các DN xuất khẩu. Thực tế, từ năm ngoái giá cước vận tải tăng đã làm hầu hết DN xuất khẩu đứng ngồi không yên.
Hiện tại, trước tình hình xung đột Nga - Ukraine giá cước theo đó tăng tiếp chưa biết khi nào dừng. Cùng với giá cước vận chuyển tăng, nhiều nhóm nguyên vật liệu đầu vào cũng đang trong xu thế tăng giá, trong khi giá bán đầu ra không thể tăng ngay vì sức mua người tiêu dùng tại hầu hết quốc gia vẫn còn thấp. Điều này sẽ khiến DN càng phải gồng mình với gánh nặng chi phí.
Những tác động tiêu cực dây chuyền từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đang làm nhiều DN lo ngại. Không ít DN băn khoăn việc xuất khẩu sang châu Âu sẽ bị ảnh hưởng. Một phần vì nhiều đối tác châu Âu nhập hàng nông sản Việt sau đó xuất qua Nga, nhưng phần khác chính người tiêu dùng châu Âu cũng có thể vì lo ngại xung đột mà chi tiêu tiết kiệm hơn, lúc đó mức ảnh hưởng khó đong đếm hết được.
Chưa hết, việc cạnh tranh hàng hóa với các nước khác khi xuất khẩu cũng sẽ gay gắt hơn. Bởi lẽ, không chỉ DN Việt Nam gặp khó khi xuất sang Nga, Ukraine, nhiều DN thuộc các quốc gia khác cũng vậy, và khi ấy họ cũng phải chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác.
Cạnh tranh là khó tránh khỏi. “2022 sẽ tiếp tục là năm đầy khó khăn với các DN xuất khẩu khi tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, lại thêm xung đột giữa Nga và Ukraine chưa biết sẽ dẫn thêm những hệ quả gì. DN sẽ phải đi từng bước chậm, khó có kế hoạch dài hơi như những năm trước” - ông Đoàn Hoàng Chiến cho biết.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, xung đột Nga - Ukraine càng đẩy DN xuất khẩu Việt vào tình thế khó khăn hơn. |