(ĐTTCO)-Đổi mới quản lý nhà nước (QLNN) để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân là một trong những nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa qua. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, xung quanh vấn đề này.
* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, nói về năng lực và kỹ thuật QLNN, một vài năm gần đây, Grab đã trở thành một từ khóa “nóng”. Sau nhiều lần dự thảo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Song, dư luận vẫn cho rằng văn bản này chưa giải quyết triệt để những vấn đề phát sinh từ kinh tế chia sẻ. Quan điểm của ông như thế nào?
- TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Tôi đồng ý với nhận định đó và cho rằng nhiều nội dung trong Nghị định số 10 cũng có thể coi là chưa rõ ràng về bản chất, mục đích. Ở đây, bản chất của bài toán về cạnh tranh lành mạnh không phải là giữa các thành phần kinh tế, mà là ứng xử của cơ quan QLNN đối với các nhóm doanh nghiệp hoạt động trên những nền tảng công nghệ và theo mô hình kinh doanh khác nhau.
Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều mô hình kinh doanh tương tự như Grab cần được có khung pháp lý rõ ràng hơn như cho vay trực tuyến…
Tương tự với câu chuyện đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), chúng ta cần củng cố và hoàn thiện hơn khung khổ tiếp cận và hành lang pháp lý đối với lĩnh vực này, tháo gỡ nhiều vướng mắc rất không đáng có hiện nay.
* Thưa ông, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện QLNN trong phát triển kinh tế tư nhân. Ông có nhận xét thế nào về hiệu quả QLNN đối với kinh tế tư nhân hiện nay?
- Thực tế hơn 30 năm đổi mới vừa qua cho thấy, vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại, góp phần quan trọng giúp đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp vai trò của Nhà nước, thị trường và mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường còn nhiều bất cập do chưa phân định rõ chức năng Nhà nước - thị trường.
Cụ thể là, Nhà nước vẫn “ôm giữ” nhiều chức năng mà thị trường đảm nhiệm hiệu quả hơn (như: phân bổ vốn; quản trị doanh nghiệp), trong khi chưa chú ý đúng mức đến những chức năng xây dựng và thực thi khung khổ QLNN, cung cấp hàng hóa và dịch vụ công, hỗ trợ phát triển… Trong khi, đó mới chính là chức năng của Nhà nước.
Theo dữ liệu Chỉ số quản trị toàn cầu của Ngân hàng Thế giới, năm 2019, chỉ số hiệu lực hoạt động của chính quyền ở mức khá thấp, đạt 53,85 điểm, chỉ tăng nhẹ so với mức điểm 53,37 của năm 2017. Nhìn chung, thứ hạng của Việt Nam trong những năm qua thấp hơn nhiều so với các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Brunei.
Chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện, song thứ hạng liên tục giảm trong 2 năm 2018-2019, mỗi năm giảm 1 bậc. Trong ASEAN, Việt Nam vẫn chỉ đứng ở vị trí thứ 5, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei.
Chúng ta có tiến, nhưng chậm hơn các nền kinh tế khác thì có nghĩa là bị thụt lùi!
* Trong những năm qua, tư duy coi Nhà nước là một chủ thể đứng trên, quản lý và bao trùm thị trường và xã hội đã dần được đổi mới theo phương châm “doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm”. Vậy thời gian tới, sự đổi mới căn bản và toàn diện được thực hiện thế nào?
- Quả thực “doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm” là một bước tiến lớn trong quy định pháp luật ở nước ta. Thế nhưng, kết quả triển khai chưa được như chúng ta mong muốn.
Một ví dụ điển hình là các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) không cần thiết, bất hợp lý vẫn là một trở ngại lớn. Chỉ có 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng vẫn đang có tới gần 6.200 ĐKKD.
Trong khi đó, chính lĩnh vực này thể hiện rất rõ sự khác biệt giữa một nhà nước quản lý bằng mệnh lệnh hành chính với nhà nước kiến tạo phát triển mà chúng ta đang hướng đến. Rõ ràng có nhiều vấn đề, từ tư duy cho đến năng lực và kỹ thuật QLNN cần tiếp tục thay đổi.
* Vâng, ông vừa nhắc đến tháo gỡ rào cản kinh doanh, một khía cạnh của xây dựng nhà nước kiến tạo. Còn khía cạnh thứ 2, thúc đẩy đổi mới sáng tạo?
- Tôi cho rằng, trước hết và quan trọng nhất hiện nay là phải khắc phục những hạn chế đã được chỉ rõ, đó là chuyển từ quản lý sang quản trị, từ kiểm soát sang đồng hành. Các cơ quan QLNN, cho đến nay, vẫn rất cồng kềnh và thường ban hành những quy định mà chưa làm rõ được bản chất, mục đích.
Ví dụ, tại sao ở tất cả địa phương cần có chi nhánh ngân hàng nhà nước, trong khi ngành thuế và hải quan đã gộp vào để quản lý theo vùng mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ? Khi tín dụng đen diễn ra trong các khu vực nông thôn, khu tập trung công nhân gây bức xúc thì chi nhánh ngân hàng nhà nước ở đâu? Điều kiện không gian tối thiểu cho văn phòng là 8m2/người, phải thuê ổn định trong 2 năm là để làm gì, có thực sự cần thiết hay không?...
Nói rộng ra một chút, ngoài khu vực tư nhân thì việc quản lý doanh nghiệp nhà nước cũng có nhiều bất cập đang “bó chân, bó tay” các nhà quản lý, điều hành, khiến họ không dám đưa ra những quyết định táo bạo và sáng tạo.
Là kinh doanh, phải có lúc thắng, lúc thua, nhưng dường như chúng ta cho rằng doanh nghiệp nhà nước luôn luôn chỉ được phép “thắng”. Đó là điều bất hợp lý và là một phần nguyên nhân quan trọng của việc khó thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp nhà nước.