Đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp là trung tâm

(ĐTTCO)- Lời giải cho bài toán này rõ ràng là phải bắt đầu từ nhận thức và thay đổi tư duy, cần sự chung tay nhà nước - doanh nghiệp - người dân, để tạo một động lực mới cho phát triển đất nước.
Khi mà các lợi thế nguyên liệu, thị trường dành cho các doanh nghiệp như nhau, không còn con đường nào khác là đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Khi mà các lợi thế nguyên liệu, thị trường dành cho các doanh nghiệp như nhau, không còn con đường nào khác là đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong dự thảo Phương hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025 và Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 đều nhấn mạnh nội dung tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam.

Nếu như thể chế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực tiếp tục là ba khâu đột phá được xác định, thì khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mang tính bao trùm trong mọi lĩnh vực, được xác định sẽ tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho đất nước ta thời gian tới. Chắc chắn đây là chủ trương đúng đắn, bởi không chỉ nước ta mà các nước trên thế giới đều đang hướng đến. Nhưng, câu hỏi lớn lại là- làm sao để đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực mới cho tăng trưởng và phát triển đất nước nhanh và bền vững?

Câu chuyện thực tế tại Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung ương- Vinaseed, từ doanh thu chưa đến 100 triệu đồng- hơn 10 năm trước, đã tăng lên đạt hơn 1.600 tỷ đồng vào thời điểm hiện nay, một bước có thể nói là “đại nhạy vọt”.

Điều gì đã giúp họ làm nên thành công này? Câu trả lời là liên tục trong 10 năm vừa qua, Vinaseed đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho công tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật. Chính đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp thương hiệu Vinaseed được khẳng định ở cả trong và ngoài nước.

Theo bà Trần Kim Liên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinaseed, khi mà các lợi thế nguyên liệu, thị trường dành cho các doanh nghiệp như nhau, không còn con đường nào khác là đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia hội nhập toàn cầu, nâng cao chất lượng hoạt động thì chúng tôi tập trung cho KHCN. Chính nhờ thế thì hiệu quả và quy mô của công ty tăng lên rất nhanh. Đặc biệt trong đổi mới sáng tạo, chúng tôi tập trung vào nghiên cứu, chọn tạo các loại giống cây trồng có khả năng thích ứng, dự báo trước thị trường. Hiện chúng tôi đã có các giống chịu hạn, giống chịu mặn, chống chịu với các điều kiện bất lợi của thời tiết…” - bà Trần Kim Liên nói.

Vinaseed chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp rất thành công nhờ sớm nhìn ra con đường phát triển bằng đổi mới sáng tạo, đầu tư cho khoa học công nghệ. Các chuyên gia và doanh nghiệp khẳng định, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ chính là giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nhiều năm qua, trong Nghị quyết của TƯ và trên thực tế, Đảng, Nhà nước luôn xác định doanh nghiệp là “tế bào” của nền kinh tế. Nếu như tế bào khỏe mạnh, phát triển thì cơ thể của toàn nền kinh tế khỏe mạnh. Nếu doanh nghiệp bứt phá thì nền kinh tế bứt phá.

Người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh, khi tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt thì tài nguyên “đổi mới sáng tạo” phải là động lực để phát triển: “Các doanh nghiệp cũng cần hiểu rằng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển là con đường “ngắn nhất” để đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn. Chúng ta cần tìm ra điểm kích hoạt khuyến khích doanh nghiệp hăng hái đầu tư cho nghiên cứu phát triển chứ không chỉ kêu gọi bằng lời nói. Cho nên cùng chính sách pháp luật và ngân sách, kể cả tín dụng cho công nghệ và con người của Nhà nước, cần khẳng định, trung tâm đổi mới sáng tạo phải từ doanh nghiệp, phải lấy các loại hình doanh nghiệp làm trung tâm trong đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ”.

Những năm gần đây, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đã liên tục tăng và năm ngoái đứng ở vị trí thứ 45/126 nền kinh tế, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Nếu như trước đây, 70% đầu tư cho khoa học công nghệ là từ ngân sách nhà nước, 30% từ doanh nghiệp, thì nay là 50/50. Thế nhưng, tỷ lệ này còn thấp. Cái khó là hiện nay ở nước ta, trên 90% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhận thức về việc đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn hạn chế.

“Doanh nghiệp nhỏ và vừa thì để tồn tại được trong cơ chế thị trường hiện nay đã là khó khăn lắm rồi, chứ chưa nói đến việc phát triển, mà muốn phát triển buộc phải ứng dụng KHCN, đặc biệt là những công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp khi còn là doanh nghiệp nhỏ, chưa có điều kiện thì người ta cũng chưa quan tâm đến việc ứng dụng KHCN. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp đã tích lũy được nguồn lực, về vốn, con người thì họ bắt đầu nghĩ đến việc phải ứng dụng KHCN, đổi mới công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm mới thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế” - TS. Nguyễn Quân-, Chủ tịch Hội tự động hoá Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định. 

Để giải bài toán này cho doanh nghiệp, chia sẻ câu chuyện thành công của Hàn Quốc trong phát triển công nghệ, từ đó giúp kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng rất nhanh, nhất là giai đoạn đầu những năm 90 của thế kỷ trước, TS. Kym Dongwha - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KIST) cho rằng: “Tôi nghĩ có thể có nhiều cách. Thông thường thì chúng ta phải đi từng bước một, hoặc cũng có thể nhảy vọt. Tuy nhiên tại Việt Nam, hiện nay xuất phát điểm của Việt Nam còn thấp, nên tôi nghĩ có thể đi tắt đón đầu, nhảy vọt bằng cách chúng ta mua công nghệ về, sau đó từng bước từng bước bù đắp và làm chủ công nghệ, để từ đó đi đến cái đích đã định”.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 xác định, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo của nước ta đạt 40%. Như vậy, cần một hệ thống chính sách, một không gian thuận lợi cho việc “nảy mầm” đổi mới sáng tạo.

“Lực lượng doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là thành tố quan trọng cho thành công của nền kinh tế Australia, cũng như là của Việt Nam. Do đó, điều quan trọng ở đây là làm thế nào để tạo điều kiện cho họ phát triển, làm thế nào để các doanh nghiệp trẻ có những tương tác với Chính phủ” - bà Sarah Pearson, đại diện Liên minh Sáng tạo và Phát triển Quốc tế đề nghị.

Đi tắt, đón đầu ứng dụng khoa học công nghệ mới, đổi mới sáng tạo trong định hướng phát triển gắn với thị trường, tạo không gian rộng mở phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, song, như vậy là chưa đủ để tạo sự phát triển bứt phát cho đất nước. Bởi nói như các chuyên gia, nhà khoa học thì, cùng với Doanh nghiệp sáng tạo, Việt Nam phải có Chính phủ sáng tạo và Nhân dân sáng tạo.

Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua đã khẳng định: chuyển mạnh mẽ từ tư duy “quản lý” sang tư duy “kiến tạo phát triển” và theo đó, kiến tạo cho đổi mới sáng tạo rất được chú trọng trên nền tảng chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số… Dù vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong nhiều cuộc họp đã đề cập đến một thực tế là chi cho khoa học công nghệ của Việt Nam hiện chỉ khoảng 0,44% GDP- khá thấp so với bình quân của thể giới là 2,23% GDP. Do đó, nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam sẽ bị “mắc kẹt” trong chính hố sâu năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bình.  

Lời giải cho bài toán này rõ ràng là phải bắt đầu từ nhận thức và thay đổi tư duy, cần sự chung tay nhà nước - doanh nghiệp - và người dân, để tạo một động lực mới cho phát triển đất nước trong dài hạn.

Các tin khác