Đổi mới tư duy trong mời gọi, xúc tiến đầu tư

(ĐTTCO) - Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu sẽ hướng vào đâu? Việt Nam có cơ hội nào trong việc thu hút FDI trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp? ĐTTC đã trao đổi với GS.TSKH NGUYỄN MẠI, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI (VAFIE) xung quanh vấn đề này.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
 PHÓNG VIÊN: - Ông dự báo về triển vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam  năm 2022 như thế nào?
GS.TSKH NGUYỄN MẠI: - Tổ chức đưa ra dự báo FDI tín nhiệm nhất là UNCTAD (Diễn đàn Thương mại và Phát triển của Liên hiệp quốc), dòng FDI toàn cầu năm 2022 phục hồi, năm 2023 về mức của năm 2019, và chắc chắn giai đoạn 2024-2025 sẽ cao hơn.
Báo cáo riêng của UNCTAD về ASEAN công bố cuối năm 2021 đã đưa ra những dự báo lạc quan, trong đó dự báo Việt Nam vẫn là quốc gia tương đối thành công, điểm đến hứa hẹn với nhà đầu tư nước ngoài.
Các cuộc điều tra của Amcham, Eurocham, Kocham… công bố trong những tháng gần đây, cho thấy 60-65% DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có ý định mở rộng hoạt động trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Đấy là tỷ lệ khá cao so với rất nhiều nước. 
Gần đây, các lãnh đạo cấp cao nước ta như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ… đi thăm Mỹ, châu Âu, một số nước ASEAN, Hàn Quốc, Ấn Độ… Tại hội đàm cấp cao hoặc hội nghị xúc tiến đầu tư, các tập đoàn của Mỹ, EU đã cam kết đầu tư rất lớn vào Việt Nam, trong đó có những dự án điện gió ngoài khơi, điện khí giá trị tới vài tỷ USD.
Những tín hiệu như vậy khẳng định năm 2022 vốn đăng ký vào Việt Nam tăng trưởng khoảng 10-15%, tương đương từ 31 tỷ USD lên 35-36 tỷ USD. Đạt được mức này là đạt chỉ tiêu Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đặt ra. 
- Như vậy với các dự báo việc đạt chỉ tiêu về số lượng vốn FDI trong tầm tay. Còn việc chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc hướng tới những dự án chất lượng, có công nghệ mới, công nghệ cao, có tác động lan tỏa… như Nghị quyết 50-NQ/TW đặt ra sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông? 
Phải đổi mới tư duy và hành động và cần có cuộc đổi mới đồng bộ nền hành chính quốc gia. Từ đó xúc tiến đầu tư có hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi cho DN nước ngoài đang thực hiện đầu tư ở Việt Nam.
- Nghị quyết 50 đặt ra các chỉ tiêu về chất lượng như tỷ lệ DN sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018; tỷ lệ nội địa hóa tăng 20-25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Tôi cho rằng, nếu không có các giải pháp căn cơ sẽ khó đạt được các chỉ tiêu này. 
Do vậy để thu hút được luồng vốn FDI chất lượng cao, đòi hỏi chúng ta phải thu hút được các tập đoàn lớn có chuyển giao công nghệ; có chi phí đào tạo cán bộ để nâng cao tay nghề và bảo đảm theo các tiêu chí mới về tăng trưởng xanh bền vững. Đây là vấn đề lớn đòi hỏi giải pháp căn cơ.
Thứ nhất, như Nghị quyết 50-NQ/TW đã nêu, đó là xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế.
Khi chúng ta thực hiện một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, các nước đòi hỏi không chỉ về quan hệ kinh tế thương mại đầu tư, còn đòi hỏi rất cao về kinh doanh có trách nhiệm, trong đó có những yêu cầu bảo đảm quyền lợi của người lao động, bình đẳng giới… EU đòi hỏi rất cao không chỉ về xuất xứ còn là bảo đảm về an toàn thực phẩm, về môi trường… 
Có câu hỏi, chúng ta luôn quan tâm hoàn thiện thể chế nhưng vì sao đến bây giờ thể chế vẫn chưa hoàn thiện? Đúng là sau 35 năm chuyển sang kinh tế thị trường mà đất nước vẫn chưa hoàn thiện thể chế, tôi cho rằng một phần trong những vấn đề liên quan đến thể chế là việc thực thi.
Thực thi phải rất nghiêm chỉnh để từ Trung ương đến bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX). Để thu hút FDI chất lượng cao, chúng ta phải chuyển các KCN thành KCN sinh thái; chuyển đô thị thành đô thị sinh thái.
Chúng ta phải dứt khoát không cho xây dựng KCN theo mô hình cũ, mà KCN phải có nhà ở cho công nhân, có nhà trẻ, trường học, bệnh viện…  Vấn đề này hoàn toàn thuộc thể chế.
Thứ hai, tập trung thu hút các dự án lớn của EU, Mỹ cùng với tiếp tục tận dụng lợi thế trong quan hệ với Hàn Quốc,  Nhật Bản và cộng đồng ASEAN. Để làm được việc đó cần nhìn lại đến nay, tại sao các nước đó chưa đầu tư nhiều vào Việt Nam như họ đã đầu tư vào Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia. Tôi cho rằng có 3 nguyên nhân cơ bản họ đòi hỏi chúng ta chưa đáp ứng.
Đầu tiên, đó là quyền sở hữu trí tuệ, dù luật pháp của chúng ta đầy đủ nhưng do thực thi còn hạn chế nên vẫn còn những vụ vi phạm bản quyền, thương hiệu, còn hàng giả hàng nhái…
Tiếp đến là yêu cầu về công khai, ổn định, không phân biệt đối xử và những chi phí không chính thức. Cuối cùng là yêu cầu về thời gian và thủ tục hành chính, vẫn còn tình trạng thủ tục mới đẻ ra, vẫn rườm rà sách nhiễu, phiền hà khiến mỗi dự án mới vẫn đi lại 6 tháng đến 1 năm mới được cấp phép, sau đó là mất hàng năm cho các thủ tục phòng cháy chữa cháy, giải phóng mặt bằng…
Thứ ba, phải đổi mới tư duy và hành động và cần có cuộc đổi mới đồng bộ nền hành chính quốc gia. Bên cạnh đó cần tiến hành những cuộc xúc tiến đầu tư có địa chỉ. Thí dụ Hà Nội cần làm dự án về IT hoặc về trí tuệ nhân tạo hay Big data nên chủ động tìm đến tập đoàn của Mỹ,  EU… 
Việc cuối cùng và rất quan trọng là cách xúc tiến đầu tư có hiệu quả nhất, chính là tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đang thực hiện đầu tư ở Việt Nam. Họ chính là những người tuyên truyền thuyết phục nhất. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác