Đổi mới vĩ mô cần song hành đổi mới vi mô

(ĐTTCO) - Lâu nay, chúng ta nghe nói nhiều đến “đổi mới vĩ mô” liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, thể chế và xem đó là những đổi mới căn bản, mang tính quyết định của tiến trình đổi mới.
Đổi mới vĩ mô cần song hành đổi mới vi mô

Điều đó đúng nhưng có thể chưa đủ, bởi các “đổi mới vi mô” cũng có ý nghĩa không nhỏ.

Đổi mới vi mô có thể hiểu là đổi mới của các cá nhân, chủ thể mang tính nhỏ lẻ trong xã hội, là các đổi mới cụ thể, có tính ngắn hạn, có tác động ở phạm vi hẹp… Dù tính chất và quy mô của đổi mới vi mô không lớn, nhưng có khả năng thực hiện ở số chủ thể đông đảo, thuộc nhiều lĩnh vực, khía cạnh và không giới hạn không gian, thời gian, nên nếu được thực hiện rộng rãi vẫn có thể tạo ra ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội.

Trên thực tế, có rất nhiều vấn đề cần thúc đẩy sự đổi mới vi mô. Chẳng hạn, ở doanh nghiệp, những sự thay đổi trong ứng xử với khách hàng, trong thực hiện tiết kiệm giờ làm, tiết kiệm nguyên vật liệu, cải tiến kỹ thuật, phối hợp lao động, chăm lo người lao động… có thể tạo ra những giá trị lớn cho họ về lợi ích vật chất và giá trị thương hiệu, tính nhân văn; có nghĩa tạo ra những “giá trị mềm” có tính lan tỏa cao của doanh nghiệp.

Để có những đổi mới vi mô ở từng cá thể nhỏ lẻ, cần có sự tác động về nhiều mặt. Trước hết, về nhận thức, cần có các cách thức tác động nhằm nâng cao kiến thức, từ đó thay đổi ý thức dẫn đến tạo thành nhận thức mới, thông qua việc tạo ra lợi ích hoặc chia sẻ lợi ích. Người công nhân hẳn sẽ nỗ lực cải tiến sản phẩm nhiều hơn, hoặc có các sáng kiến kỹ thuật, nếu họ thấy việc cải tiến đó đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và cho bản thân họ.

Có động lực rồi cần có điều kiện để đổi mới. Tức nhà quản lý cần tạo ra các cơ sở vật chất kỹ thuật để các cá thể có thể đổi mới, mạnh dạn đổi mới và đổi mới thành công. Trong doanh nghiệp, người quản lý hô hào đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật, nhưng các đề xuất của công nhân đưa ra không được hỗ trợ mà để họ tự mày mò, tự chịu trách nhiệm, sẽ chẳng mấy người thực hiện. Do đó, nhà quản lý phải thực sự đồng hành, thậm chí đóng vai trò “bà đỡ” cho các đổi mới, các cải tiến.

Đồng thời, nhà quản lý cần có sự định hướng và có khả năng nhìn thấy trước xu thế vận động để tác động phù hợp, nhằm thúc đẩy sự đổi mới liên tục và có hiệu quả. Đây thực sự là bài toán khó. Hiện nay, người dân và doanh nghiệp được khuyến khích sản xuất điện mặt trời, không chỉ góp phần giảm áp lực tiêu thụ điện cho các doanh nghiệp sản xuất điện, còn ở tính thân thiện với môi trường của loại năng lượng này.

Tuy nhiên, nếu nhà nhà, người người làm điện mặt trời áp mái, vấn đề bức xạ nhiệt, ô nhiễm ánh sáng, ô nhiễm kim loại nặng sau khi các tấm pin này được thải ra… phải được nhà quản lý nhìn nhận và giải quyết thấu đáo. Đó không chỉ nhìn sự việc ở trước mắt hoặc đôi ba năm nữa, mà cần có tầm nhìn dài hạn, mươi hoặc đôi ba mươi năm để có những định hướng, những giải pháp mang tính căn cơ, bền vững.

Đổi mới vĩ mô và đổi mới vi mô thực ra có liên quan chặt chẽ với nhau, tác động qua lại với nhau. Đổi mới vĩ mô có thể làm nền tảng, dẫn dắt, định hướng cho đổi mới vi mô, nhưng đổi mới vi mô cũng có sức tác động ngược trở lại đối với đổi mới vĩ mô; trong nhiều trường hợp có thể bổ sung cho nhau một cách đắc lực.

Nếu các giải pháp mang tính đổi mới vĩ mô thực sự phù hợp, sát thực tế sẽ thúc đẩy và tạo điều kiện cho các cá thể thực hiện đổi mới vi mô phù hợp, dễ dàng. Trái lại, nếu các giải pháp được cho là đổi mới vĩ mô nhưng có đổi mà không mới, hoặc tính chất vĩ mô không thể hiện rõ, cũng khó tạo ra sự đổi mới ở tầm vi mô.

“Đổi mới để phát triển” hoặc “đổi mới và phát triển”, 2 yếu tố có sự liên hệ chặt chẽ với nhau, có đổi mới mới có phát triển. Trong đó, đổi mới vĩ mô phải cùng song hành với đổi mới vi mô.

Các tin khác