Nhưng tăng trưởng kinh tế (GDP) lại không tỷ lệ thuận với tăng trưởng tín dụng, đang tạo những lo ngại về khả năng hấp thụ vốn thực sự của nền kinh tế và nguy cơ nợ xấu phình to.
Tăng trưởng tín dụng đi vào đâu?
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 5-1, với tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 13,71%, tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế đạt gần 13,56 triệu tỷ đồng. Theo đó, đã có 1,5 triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế trong năm 2023. Đại diện NHNN cũng cho biết, trong năm 2024 với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, ước tính 2 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế.
Lý giải về việc tín dụng tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm 2023, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết đây là điều thường thấy vào cuối năm, cầu của nền kinh tế tăng mạnh dẫn đến cầu vốn tăng, cùng với đó thanh khoản hệ thống hiện dồi dào, tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng vốn cho nền kinh tế với lãi suất hợp lý.
Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2023 tăng trưởng GDP chỉ ở mức 5,05%, tín dụng tăng tới 13,71% là điều đáng quan tâm. Bởi con số tăng trưởng tín dụng 13,71% trong năm 2023 có thể xem là tin tích cực hiếm hoi của bức tranh lợi nhuận ngành NH hiện nay. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để phủ mờ những lo ngại về rủi ro và nợ xấu, dù tín dụng tăng trưởng nhanh trong tháng cuối năm 2023.
Thực tế, lo ngại nợ xấu có thể phình to không phải không có cơ sở, khi chính sách hoãn, giãn nợ - thực chất là “che” nợ xấu - đã sắp hết hiệu lực. Trước đó, việc triển khai áp dụng Thông tư 02 tạo điều kiện cho các NHTM giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng, đã góp phần kìm hãm sự gia tăng và tạm “đóng băng” các khoản nợ xấu trước đó.
Hiện tại, các NHTM chưa công bố con số cụ thể về nợ xấu chung cho cả năm 2023, tuy nhiên theo những báo cáo trước đó từ các dữ liệu phân tích vào cuối quý III-2023, đều cho thấy dư nợ tái cơ cấu theo Thông thư 02 của các NHTM đều không nhỏ. Tổng dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 lên đến 140.000 tỷ đồng (chiếm 1,09% tổng tín dụng toàn hệ thống).
Khả năng hấp thụ vốn vẫn bỏ ngỏ?
Cũng tại cuộc họp báo mới đây, trước câu hỏi về khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế, đại diện NHNN đã thừa nhận năng lực hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế hiện nay xuống thấp, và đây là nỗi lo chung của ngành NH.
“Nhưng ngành NH không thể một mình kích thích chính sách giúp hấp thụ vốn được, mà cần có sự chung tay của nhiều bộ, ban, ngành. NH kích thích tăng trưởng tín dụng để đẩy vốn vào nền kinh tế, song các cơ quan khác cũng cần chung tay để giúp thúc đẩy đầu tư và tổng cầu nền kinh tế tăng trưởng theo” - vị đại diện NHNN nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ lo ngại: “Nợ xấu nội bảng tăng cao. Nợ nguy cơ thành nợ xấu cũng cao. Những yếu tố này đặt ra thử thách với năm 2024”.
Bình luận về vấn đề này, TS. Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, cho rằng tăng trưởng tín dụng là cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Song mức tăng trưởng tín dụng với vai trò của một yếu tố đầu vào nên ở liều lượng phù hợp, đủ để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng về tín dụng cũng chỉ nên ở mức tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong những năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng luôn ở mức gấp 2 lần, thậm chí gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP. Điều này cho thấy hiệu quả đóng góp của 1 đồng tín dụng tăng thêm vào tăng trưởng GDP chưa cao.
Thực tế này đặt ra yêu cầu, thay vì chỉ tập trung vào con số tăng trưởng về số lượng, các ưu tiên chính sách hiện nay cần chuyển hướng sang chú trọng nâng cao hiệu quả, chất lượng của tín dụng và hiệu quả đóng góp của tăng trưởng về tín dụng cho tăng trưởng GDP, từ đó nâng cao hiệu quả tổng thể trong sử dụng nguồn lực của nền kinh tế.
Do vậy, tăng trưởng tín dụng nên chỉ ở liều lượng phù hợp để hỗ trợ, kích thích tăng trưởng kinh tế, phù hợp với năng lực hấp thụ của nền kinh tế. Vốn tín dụng quá nhiều, vượt quá năng lực hấp thụ của nền kinh tế sẽ gây rủi ro về nợ xấu, rủi ro bong bóng tài sản, tình trạng đầu cơ.
“Từ góc độ này, tốc độ tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng về số lượng không nên coi là mục tiêu, hay chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của ngành NH và nền kinh tế. Nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn, năng suất hơn nếu các nguồn lực như tín dụng được sử dụng ít hơn, nhưng mang lại tốc độ tăng trưởng cao hơn. Thay vì sử dụng chỉ tiêu về số lượng hay tốc độ tăng trưởng tín dụng, cần sử dụng các chỉ tiêu về chất lượng của tăng trưởng tín dụng, đặc biệt về mức độ đóng góp của tăng trưởng tín dụng cho tăng trưởng GDP” - TS. Lê Duy Bình nhận xét.
Theo thống kê, quy mô tín dụng NH hiện nay chiếm khoảng 125% GDP. NH Thế giới (WB) cảnh báo Việt Nam là quốc gia đang sử dụng đòn bẩy tín dụng cao nhất so với nhiều quốc gia cùng chung nhóm xếp hạng (thu nhập trung bình và trung bình thấp).
Điều này cho thấy những rủi ro tiềm tàng cho cả hệ thống tín dụng lẫn nền kinh tế. Bởi tăng trưởng kinh tế bền vững phải có sự đa dạng hóa nguồn vốn và từ tích lũy vốn, chứ không thể chỉ dựa vào… nợ.
Tăng trưởng tín dụng nên chỉ ở liều lượng phù hợp để hỗ trợ, kích thích tăng trưởng kinh tế, phù hợp với năng lực hấp thụ của nền kinh tế. Vốn tín dụng quá nhiều, vượt quá năng lực hấp thụ của nền kinh tế sẽ gây rủi ro về nợ xấu, rủi ro bong bóng tài sản, tình trạng đầu cơ.