Đón đọc ĐTTC bộ mới số 126 phát hành thứ hai ngày 22-11-2021

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC bộ mới số 126 phát hành ngày 22-11-2021 với nhiều chuyên mục:
- Cảnh báo lạm phát quá mơ hồ, coi chừng triệt tiêu động lực tăng trưởng: Hiện tại, lạm phát toàn cầu đang trở thành chương trình nghị sự hàng đầu ở các nước phát triển. Đến mức đã hình thành 2 trường phái: “đội tạm thời” và “đội thường xuyên”. Ẩn dụ cuộc đấu giữa 2 “đội thường xuyên” và “đội tạm thời” ở sân chơi quốc tế như thể chúng đang diễn ra ở Việt Nam bằng việc cảnh báo thiếu rõ ràng về khả năng thắt chặt tiền tệ, có thể khiến các đại biểu Quốc hội, các bộ ngành ngại trách nhiệm, chùn tay và do đó cắt giảm đáng kể quy mô gói kích thích tài khóa tiền tệ đang được bàn thảo. (GS.TS Trần Ngọc Thơ)

- Để tiền vào đâu trong môi trường lạm phát cao: Báo cáo của Economist Intelligence Unit (EIU), kinh tế thế giới có thể mất hàng ngàn tỷ USD do quá trình tiêm chủng kéo dài, trong đó các nền kinh tế đang phát triển chịu phần lớn thiệt hại. Nền kinh tế khó khăn khi giá cả tăng vọt bởi chuỗi cung ứng gián đoạn đã buộc kinh tế thế giới đang gặp cú sốc lạm phát. (Phan Dũng Khánh)

- Để tăng trưởng đột phá, gói hỗ trợ phải đột phá: Cho đến nay, quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế vẫn chưa được quyết định. Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh khó khăn, tổng cầu yếu, giới quan sát đặt câu hỏi “tiền đâu” để dành cho gói hỗ trợ. Để tăng trưởng GDP năm 2022 lên 6-6,5% là bước nhảy vọt cỡ 4%, kể cả trên mức “nền” thấp của năm 2021. Nói cách khác, để tăng trưởng đột phá, gói hỗ trợ cũng phải ở mức đột phá. Nhìn ra thế giới, các nước, đặc biệt là các nước phát triển đã chi ra mức hỗ trợ lên tới 20-40% GDP. Họ không chỉ tăng chi tiêu cho y tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, còn hỗ trợ cả thu nhập của người dân và doanh nghiệp. (TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ)

- Huy động nguồn lực từ đâu phục hồi kinh tế: Việc huy động nguồn lực để xây dựng gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 là cần thiết, song quan trọng là cách thực hiện, huy động từ đâu cho hiệu quả. Trong đó, gói hỗ trợ phải đảm bảo được 3 yếu tố: trúng (nhu cầu nền kinh tế), đúng (đối tượng hỗ trợ) và hiệu quả (cách thực hiện). (PGS.TS Phạm Thế Anh, Chuyên gia Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách  - VEPR)

- Khai thác nguồn lực từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Chính phủ đã đề xuất ra Quốc hội các gói hỗ trợ kinh tế nhằm khôi phục lại nền kinh tế sau ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Đây là điều cần thiết. Nhưng quy mô bao nhiêu là vừa và huy động nguồn lực từ đâu, là vấn đề cần phải được xem xét thấu đáo, cẩn trọng.  Khi nguồn lực nhà nước đang sẵn có, không đem ra dùng phải đi vay nước ngoài. Và CPH DNNN mang ý nghĩa rất quan trọng để giải quyết nghịch lý này. (Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế)

- Cân đo tiềm lực tài chính mới huy động: Việc huy động các nguồn lực vốn cho hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 về thực chất là giải bài toán cân đối tài chính, trong đó việc xác định quy mô gói hỗ trợ bao nhiêu sẽ xác định được kênh huy động nào phù hợp. Đây là bài toán về tài chính nên cần tính toán cụ thể và tỉ mỉ để xác định nên xuất phát từ đâu. Thí dụ, nợ nước ngoài là khoảng 40%, Quốc hội cho phép khung tối đa 50% chẳng hạn. Vậy còn dư địa khoảng 10% GDP nữa, tương đương 900.000 tỷ đồng. Vì theo cách tính mới năm 2021 GDP của Việt Nam xấp xỉ 9 triệu tỷ đồng. Như vậy, về lý thuyết vay nợ không vấn đề gì. (TS. VŨ ĐÌNH ÁNH, chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính)

- Tận dụng nguồn lực DNNN, nhìn từ Trung Quốc: Tính đến năm 2015, tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trung ương và địa phương Trung Quốc đã đạt khoảng 16.330 tỷ USD. Nhưng làm thế nào để tận dụng được nguồn lực khổng lồ này là điều không hề dễ dàng. (Vĩnh Cẩm)

- Nhà ở công nhân, cần cơ chế chung tay: Việc xây dựng nhà ở cho công nhân là cần thiết nhằm giữ chân và ổn định nguồn lực lao động tại các địa phương kinh tế trọng điểm. Song không thể sử dụng cơ chế bao cấp bằng ngân sách nhà nước (NSNN), thay vào đó là cơ chế chung tay từ nhiều bên.  Đối với Việt Nam, NS quá hạn hẹp không thể thực hiện theo chính sách bao cấp được mãi, mà bao cấp cũng chỉ giải quyết được trong phạm vi rất hạn hẹp, trong khi đó hàng triệu công nhân vẫn không có nhà ở. (GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường)

- Đưa công nghiệp về nông thôn giải bài toán nhà ở công nhân: Việc dòng người hồi hương cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua cho thấy cơ cấu kinh tế của chúng ta dễ bất ổn khi vấn đề nhà ở dành cho người lao động (NLĐ). Giải bài toán nhà ở cho công nhân cũng chính là góp phần ổn định chuỗi sản xuất sau cơn bão dịch Covid-19 cũng như về lâu dài.  Phải hình thành các đô thị vệ tinh, đưa công nghiệp về nông thôn, thúc đẩy phát triển nông thôn, tích hợp giữa công nghiệp và nông nghiệp, mang lại hạnh phúc cho NLĐ cũng như sự phát triển bền vững cho DN. (TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội)

- Các cơ sở sản xuất vừa, nhỏ và siêu nhỏ: Di dời, tiếp tục di dời hay đổi mới: TPHCM tiếp tục di dời các cơ sở sản xuất vừa, nhỏ và siêu nhỏ khỏi khu dân cư ra ngoại thành hay lựa chọn giải pháp nào khác, trong khi nay mai các huyện ngoại thành sẽ lên quận? Thực tế trên cho thấy, với TPHCM việc di chuyển các cơ sở sản xuất ra bên ngoài khó nhiều thứ: đất đai, vốn, giao thông, nhân lực. Vậy tại sao thay vì di chuyển, cần tính đến cách làm sao để các cơ sở này thay đổi công nghệ và kỹ thuật sản xuất. (PGS.TS Nguyễn Minh Hòa)

- Tăng lãi suất để hút vốn, nhưng vốn sẽ chảy về đâu?: Như ĐTTC đã có nhiều bài phân tích tăng trưởng tín dụng của các NHTM bất ngờ tăng mạnh nhưng dòng vốn có dấu hiệu không đi vào sản xuất kinh doanh mà chảy vào thị trường tài sản. Gần đây, các NH có động thái khuyến mại để hút tiền gửi trở lại khi tín dụng tăng mạnh, liệu nguồn huy động này có đi vào sản xuất kinh doanh hỗ trợ nền kinh tế phục hồi? (Đỗ Linh)

- Công ty chứng khoán “rắc thóc” dụ F0?: Với các nhà đầu tư (NĐT) F0, báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán (CTCK) là kênh thông tin tham khảo quan trọng trước khi họ đưa ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, nhiều NĐT F0 thua lỗ nặng khi nghe theo khuyến cáo của các CTCK.Rất khó để đưa ra bằng chứng khẳng định các CTCK khuyến nghị NĐT mua vào những mã CP mà bộ phận tự doanh đang nắm giữ để trục lợi, bởi những mã CP này trên thực tế đều là hàng CP tốt. Tuy nhiên, sẽ không thể tránh khỏi những nghi ngờ của giới đầu tư về hiện tượng giá CP giảm dù CTCK khuyến nghị mua vào. Thậm chí, nhiều NĐT còn nghi ngờ các CTCK cố tình tạo nên tình trạng quá tải trong những phiên giao dịch có biến động, để ưu tiên bán CP mình đang nắm giữ ở mức giá xanh trước khi thị trường lao dốc.   (Kim Giang)

- Giá cổ phiếu tăng ai được lợi?: Tính từ thời điểm dịch bệnh bùng phát đợt 4 vào ngày 27-4, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có sự tăng trưởng đáng kể với 20%. Nghĩa là giá cổ phiếu (CP) của nhiều công ty niêm yết tăng trưởng chóng mặt mà nhiều vị chủ tịch phải thốt lên cảnh báo rủi ro cho nhà đầu tư. Liệu TTCK sôi động như vậy có giúp cho doanh nghiệp huy động vốn đúng nghĩa cho đầu tư phát triển, tránh sự lệ thuộc kênh tín dụng ngân hàng mà lâu nay chính sách vĩ mô vẫn muốn hướng đến? (TS. Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính - UEH)

- Người mua nhà vẫn mòn mỏi chờ cấp giấy chứng nhận: Hàng loạt dự án nhà ở trên địa bàn TPHCM với gần 40.000 căn hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà (GCN). Chủ đầu tư nóng lòng, các cơ quan chức năng kiến nghị nhiều giải pháp đưa ra tháo gỡ, và Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cho biết sẽ giải quyết cấp GCN các căn hộ nói trên trong 2 năm tới. (Bình Minh)

- EVFTA: Đã tận dụng cơ hội nhưng hoang phí ưu đãi: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là một trong số FTA thế hệ mới có tầm ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam, vì EU là một trong các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, là gạch nối giữa quá khứ với hiện tại giữa 2 bên, được đặt nền móng từ nhiều thế kỷ trước bởi các đoàn tàu buôn của châu Âu tới các thương cảng Vân Đồn, Phố Hiến, Hội An, Bến Nghé. Có lẽ vậy, dù mới khởi động, EVFTA đã tạo nhiều dấu ấn. (Nguyễn Duy Nghĩa)

- Xuất khẩu gỗ sóng chưa yên, biển chưa lặng: Xuất khẩu (XK) gỗ và sản phẩm gỗ là một trong số các mặt hàng XK “qua mặt” Covid khi tăng trưởng 10 tháng 2021 đạt 11,89 tỷ USD, tăng 21,4%, so với cùng kỳ 2020, trong khi XK chung chỉ tăng 16,4%. Quả là phi thường. Tuy nhiên vẫn cần phải chuẩn bị cho bước nhảy để 2025 đạt 20 tỷ USD, vững vàng là một trong những trung tâm sản xuất đồ gỗ thế giới. Nghĩa là phải tiếp tục chăm lo cho DN bằng cơ chế, chính sách về tài chính, tiền tệ, lao động. Tỉnh táo đối phó với phòng vệ thương mại, kiểm soát chặt gian lận thương mại, tận dụng ưu đãi của EVFTA chuyển sang NK gỗ nguyên liệu từ các vùng ảnh hưởng của EU.  (Nguyễn Duy Nghĩa)

- Đón đêm Giáng sinh diệu kỳ và Dạ tiệc chào năm mới 2022 (Phương Hằng)

- Chân dung điện thoại thông minh trong thập niên tới (Phúc Hà)

- Chảy máu công nghệ từ Trung sang Ấn: Ngày 3-11 năm ngoái, Bắc Kinh đã nổ phát súng khai hỏa nhằm siết lại thị trường công nghệ trong nước, bằng cách đình chỉ hoạt động ra mắt thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới của Ant Group, một “đế chế” của tỷ phú Jack Ma. Chỉ trong 1 năm, chiến dịch này của Bắc Kinh đã làm xuất hiện hiện tượng “chảy máu” công nghệ sang các nước trong khu vực, điển hình là Ấn Độ. (Vinh Trang)

- Giá nhôm trong thời gian tới phụ thuộc vào giá than và gas: Giá nhôm tương lai trên sàn Thượng Hải ngày 17-11-2021 đóng cửa ở mức 2.905USD/tấn, giảm hơn 25% so với mức đỉnh thiết lập ngày 18-10-2021. Trong khi đó, giá nhôm trên sàn LME cũng có mức sụt giảm hơn 18% so với mức đỉnh trong tháng 10-2021 khi giá đóng cửa ngày 17-11-2021 ở mức 2.611USD/tấn. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới các mức biến động giá mạnh của thị trường nhôm trong thời gian qua? Và các yếu tố nào sẽ ảnh hưởng tới giá nhôm trong thời gian tới? (Phạm Tuấn)

Và nhiều chuyên mục khác…

MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác