Dọn nợ xấu để giảm áp lực tương lai?

(ĐTTCO) - Nỗi lo nợ xấu trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến hàng loạt ngành nghề chủ chốt dần được hé lộ trên báo cáo tài chính (BCTC) quý IV-2021 của các NHTM. Nhiều NH cũng bắt đầu có hành động, xu hướng được ghi nhận là đang “dọn bớt” nợ nhóm 5, kéo giảm tỷ lệ nợ xấu xuống.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Kích hoạt xử lý nợ nhóm 5
Theo thống kê từ 27 NHTM đã niêm yết công bố BCTC, trong năm 2021 chỉ có 9 NH giảm được tỷ lệ nợ xấu so với cuối năm 2020. Trong đó, BIDV giảm từ 1,76% xuống còn 0,98%, SHB giảm từ 1,83% xuống 0,8%, Sacombank từ 1,7% xuống 1,47%, Eximbank từ 2,52% xuống 1,96%, OCB từ 1,69% xuống 1,32%, TPBank từ 1,18% xuống 0,82%, VietABank từ 2,3% xuống 1,86%, Kienlongbank từ 5,42% xuống 1,89%, PGBank giảm từ 2,44% xuống 2,24%.
Các NH còn lại đều có nợ xấu tăng. Trong đó đáng chú ý, VPBank với tỷ lệ nợ xấu lên đến 4,47%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của VietBank tăng mạnh từ 1,75% lên 3,65%. NCB từ 1,51% tăng lên 3%.
Nhưng trên BCTC quý IV-2021 cho thấy nợ nhóm 5 của rất nhiều NH đã “bốc hơi” mạnh. Cụ thể, BIDV với nợ nhóm 5 từ 9.546 tỷ đồng xuống còn 6.979 tỷ đồng. Các năm trước, NH này thường nằm trong nhóm có nợ nhóm 5 tăng mạnh. VIB cũng đã xử lý được hơn 861 tỷ đồng nợ nhóm 5, giảm 54%, chỉ còn 733 tỷ đồng. MSB, VietCapital Bank cũng ghi nhận nợ nhóm 5 cuối năm 2021 giảm xuống so với cuối năm 2020.
Tính chung, tổng nợ nhóm 5 của 27 NH trong năm 2021 đã giảm hơn 13.750 tỷ đồng so với đầu năm. Về tỷ trọng, nợ nhóm 5 giảm từ 0,87% hồi đầu năm xuống còn 0,58% vào cuối năm 2021.
Sự “bốc hơi” đáng kể của nợ nhóm 5 nêu trên không xuất phát từ việc xử lý được tài sản đảm bảo (TSĐB). Vì hiện các nhà băng vẫn đang trong tình trạng chật vật rao bán tài sản để thu hồi nợ. Nhưng kết quả này đến từ việc các nhà băng bắt đầu đẩy mạnh xử lý nợ xấu bằng trích lập dự phòng.
Số liệu cho thấy, trong quý IV-2021, BIDV sử dụng hơn 7.200 tỷ đồng từ quỹ dự phòng để xử lý nợ xấu. VIB sử dụng hơn 915 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu trong năm ngoái.

Nhà băng đang lo xa?
Có thể thấy, các NH đang có xu hướng xử lý nhanh nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn là nợ không thể thu hồi, NH chỉ còn TSĐB cho khoản nợ đó. Việc bung quỹ dự phòng được tích cóp lâu nay để xử lý những khoản nợ khó thu hồi cũng là điều hợp lý.
TSĐB còn đó sẽ được NH tiếp tục để thu hồi lại vốn về sau. Lúc này, kéo tỷ lệ nợ xấu xuống mới là điều cần thiết, vì nợ nhóm 3 và nhóm 4 đang bắt đầu dâng lên. Áp lực giữ nợ xấu dưới 3% ngày càng nặng nề. Như BIDV, nợ nhóm 4 đã tăng hơn 40% trong năm 2021, lên mức 3.450 tỷ đồng, nợ nhóm 3 cũng tăng thêm 18% lên 2.814 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm ngoái , nợ xấu nội bảng của các NHTM vẫn còn ở mức thấp. Theo số liệu từ NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2021 là 1,9%, cao hơn so với mức 1,69% tại thời điểm cuối năm 2020 nhưng vẫn dưới 3%. Song con số này sẽ đội lên khi tính gộp các khoản khác. Chẳng hạn, tính cả các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC), tỷ lệ nợ xấu lên tới 3,79%.
Và nếu tính đầy đủ cả những khoản nợ được giãn, hoãn nợ theo các Thông tư 01, 03, 14 có thể cũng trở thành nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu gộp có thể lên đến 8,2%, so với cuối năm 2020 chỉ ở mức 5,1%. Chính sách giãn, hoãn nợ theo quy định hiện hành sẽ chấm dứt vào cuối tháng 6 tới. Lúc đó, những khoản nợ xấu được phân loại ngầm sẽ lộ ra. 
Theo ông Trần Minh Đạt, Phó Tổng giám đốc MB, với dư nợ được cơ cấu đến cuối năm 2020, NH thu hồi đến 95%, tức chỉ 5% rơi vào nợ xấu. Nhưng năm 2021, dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề, MB cố gắng chỉ khoảng 10% dư nợ được cơ cấu trong giai đoạn dịch bệnh là nợ xấu. Chia sẻ này cho thấy, nợ xấu cao hơn sẽ là điều khó tránh khỏi.
Trong bối cảnh đó, nợ nhóm 5 đã được các NH trích lập 100%, dùng quỹ để xóa các khoản nợ này, kéo giảm tỷ lệ nợ xấu. Sắp tới, khi nợ xấu dâng lên cũng sẽ bị áp chế phần nào. 
Thực tế ghim nợ nhóm 5 trên bảng cân đối kế toán lúc này chỉ làm nợ xấu tăng, trong khi khả năng thu hồi nhờ vào bán TSĐB khá mờ mịt. Hoạt động đấu giá TSĐB hiện tại vẫn rất nhộn nhịp nhưng chủ yếu trên bản tin của các NH.
Còn thực tế, theo Phó Tổng giám đốc một NHTM, dịch bệnh bùng phát trong khoảng 2 năm trở lại đây đã ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến hoạt động xử lý thu hồi nợ của các NH. Một trong các tác nhân chính là kinh tế chịu thiệt hại nặng nề, dẫn tới suy giảm khả năng tài chính, giảm nhu cầu mua tài sản, mua khoản nợ của các đối tác, đồng thời nhiều nhà đầu tư có tâm lý e ngại, không dám mua tài sản vì sợ rủi ro do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh.
Thời gian qua, NHNN, Hiệp hội NH Việt Nam và các TCTD đã có nhiều văn bản báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành. Nhưng đến nay, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017 vẫn ách tắc ở các khâu chủ chốt như thu giữ TSBĐ, áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp, xác định thứ tự ưu tiên thanh toán từ tiền bán/phát mại TSBĐ, vướng mắc trong nguyên tắc áp dụng pháp luật về xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu…
Hiện tại, các NH vẫn đang nêu kiến nghị đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, luật hóa Nghị quyết 42, ban hành Luật Xử lý nợ xấu để giải quyết xung đột pháp luật và bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết. 
Kiến nghị và chờ cơ chế nhưng các nhà băng cũng phải hành động. Vì nếu ngồi yên, trường hợp nợ xấu tăng đột biến, họ sẽ là đối tượng chịu tác động mạnh nhất. Theo NHNN, bên cạnh khoảng 616.000 tỷ đồng dư nợ đã được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ, có khoảng 3 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do đó, NH lo xa là điều không thừa, vì hơn ai hết, chính NH là người nhìn rõ nhất khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
 Dịch bệnh bùng phát trong 2 năm qua đã tác động tiêu cực đến hoạt động xử lý thu hồi nợ của các NH.

Các tin khác