Nguyên nhân được cho do giá năng lượng tăng đột biến, như cú đánh bồi vào mức chi phí sinh hoạt hàng tháng của người dân, cũng như ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Trước đó, giá các nguyên liệu nông sản đã tăng mạnh do hiện tượng thời tiết tiêu cực La Nina.
Với Việt Nam, lạm phát dù vẫn chưa tăng nóng, nhưng người dân cũng đã phải bắt đầu tính toán tới mức chi tiêu hàng ngày, khi giá xăng tiệm cận mức 30.000 đồng/lít, và giá bình gas 12kg đã vượt trên 550.000 đồng/bình.
Giá khí gas nguyên liệu tăng phi mã
Sau thời gian đi ngang từ đầu năm, tới ngày 16-2 giá gas tại châu Âu bắt đầu xu hướng tăng khi Mỹ nhận định về khả năng Nga tấn công quân sự với Ukraine. Giá gas hợp đồng kỳ hạn tháng 5 trên sàn ENDEX tăng từ mức 63,8 EUR/MWh và đạt mức 141,6 EUR/MWh vào trước ngày Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt. Và sau đó, giá gas đã tăng một mạch lên mức đỉnh 326,3 EUR/MWh vào ngày 7-3, tương ứng tăng 412% so với lúc bắt đầu xu hướng, tức tăng gấp hơn 5 lần.
Giá khí gas nguyên liệu tăng phi mã
Sau thời gian đi ngang từ đầu năm, tới ngày 16-2 giá gas tại châu Âu bắt đầu xu hướng tăng khi Mỹ nhận định về khả năng Nga tấn công quân sự với Ukraine. Giá gas hợp đồng kỳ hạn tháng 5 trên sàn ENDEX tăng từ mức 63,8 EUR/MWh và đạt mức 141,6 EUR/MWh vào trước ngày Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt. Và sau đó, giá gas đã tăng một mạch lên mức đỉnh 326,3 EUR/MWh vào ngày 7-3, tương ứng tăng 412% so với lúc bắt đầu xu hướng, tức tăng gấp hơn 5 lần.
Trong cùng khoảng thời gian đó, giá gas ở Anh trên sàn ICE/EU cũng tăng từ mức 157,8 Pence/Therm lên 765 Pence/Therm, tương ứng tăng 385%. Tuy nhiên, giá khí gas tại thị trường Mỹ trên sàn Nymex chỉ tăng khoảng 20,8% trong những ngày đầu xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, do Mỹ có nguồn tài nguyên khí dồi dào và hiện đang chủ động được nguồn cung để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Tới giữa tháng 3, giá gas tại châu Âu bắt đầu hạ nhiệt khi Mỹ và EU ký kết thỏa thuận về năng lượng. Theo đó, Mỹ cam kết mỗi năm sẽ cung cấp cho EU 50 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ nay đến năm 2030. Đồng thời, Mỹ cũng sẽ bổ sung cho EU thêm 15 tỷ m3 LNG ngay trong năm nay.
Tuy nhiên, việc này đã làm cho giá gas tại Mỹ bắt đầu xu hướng tăng mạnh, do tạm thời nhu cầu vượt quá khả năng đáp ứng của nguồn cung tại thị trường nội địa. Kể từ đó, giá gas trên sàn Nymex tiếp tục tăng (trái ngược với diễn biến tại châu Âu). Tính đến ngày 18-4, giá gas kỳ hạn tháng 5 trên sàn Nymex đã đạt đỉnh ở mức 8,07 USD/mmBtu, tương ứng tăng 88% so với thời điểm ngày 16-2.
Cơ cấu cung cầu thế giới
Về mặt cán cân cung - cầu theo ước tính của Bộ Năng lượng Mỹ, có thể thấy cơ bản năng lực sản xuất của thế giới đủ đáp ứng nhu cầu trong năm nay, thậm chí thặng dư. Tuy nhiên, xung đột quân sự đã làm gián đoạn nguồn cung tại châu Âu, dẫn tới giá gas tăng sốc trong thời gian ngắn tại khu vực này. Các quốc gia ở châu Âu vốn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga trong nhiều năm nay.
Đơn cử, Đức (nền kinh tế lớn nhất châu Âu) có lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga chiếm 55% trên tổng nhập khẩu - theo số liệu của tổ chức nghiên cứu Agora Energiewende. Tổng quan hơn, năng lực sản xuất gas của EU năm nay khoảng 202 tỷ m3, chỉ đủ đáp ứng 38% nhu cầu tiêu thụ 534 tỷ m3, và Nga chiếm phần lớn trong lượng nhập khẩu của EU. Giá gas ở châu Âu đã hạ nhiệt sau khi lãnh đạo các quốc gia trong khối này tích cực đi tìm các nguồn cung cấp khác thay thế cho Nga như: Mỹ, Qatar, UAE, châu Phi…
Với Việt Nam, hiện tại cơ cấu nhập khẩu gas của nước ta khá đa dạng, không phụ thuộc quá lớn vào một nguồn cung cấp như châu Âu. Tuy nhiên, tổng nguồn cung từ 3 quốc gia là Mỹ, Trung Quốc và UAE chiếm 63% thị trường nhập khẩu của Việt Nam. Về mặt xu hướng giá nhập khẩu trong trung hạn, do châu Âu đang tích cực tìm kiếm năng lực thay thế từ Mỹ và UAE để bù đắp lượng thiếu hụt lớn, nên giá gas tại Mỹ và UAE sẽ cao.
Điều này sẽ dẫn tới mức giá Việt Nam nhập khẩu cũng tăng lên, sau đó khó giảm sớm trong thời gian ngắn. Nguồn cung gas từ Trung Quốc có khả năng sẽ ổn định về mặt giá cả, vì nước này có tiềm năng mua được nhiều khí đốt từ Nga, trong lúc Nga cũng đang có nhu cầu tìm kiếm thị trường tiêu thụ lớn và ổn định đối với hàng hóa năng lượng của mình để thay thế cho thị trường EU.
Tuy nhiên, để tránh nguy cơ phụ thuộc năng lượng vào một quốc gia, đảm bảo đa dạng nguồn cung ứng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam sẽ khó có khả năng tăng lượng nhập khẩu gas từ Trung Quốc, vì điều đó tạo nên rủi ro trong dài hạn. Để cân bằng về cơ cấu nguồn cung cấp, Việt Nam vẫn nên duy trì lượng nhập khẩu cân đối từ Mỹ và UAE, dù mức giá nhập khẩu từ các nguồn này dự kiến còn tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao. Vì vậy, viễn cảnh giá gas bán lẻ quay trở lại mức 300.000 đồng/bình 12 kg ở Việt Nam như trước đây có lẽ vẫn còn xa vời, ít nhất cũng phải 2-3 năm nữa.