Tiếp diễn tình trạng năm 2013, năm nay tăng trưởng tín dụng ì ạch trong 6 tháng đầu năm nhưng lại liên tục nhảy vọt trong những tháng cuối năm, dù tình hình vay vốn của doanh nghiệp (DN) không mấy khả quan. Điều này không khỏi gây ra những nghi ngại về số liệu tăng trưởng tín dụng được công bố.
Những con số nhảy múa
Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, tính đến cuối tháng 11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt khoảng 10%. Trước đó, Vụ Tín dụng cũng cho biết đến cuối tháng 10, tín dụng toàn hệ thống đối với nền kinh tế tăng 8,63% so với cuối năm 2013. Nhìn lại quá trình tăng trưởng tín dụng, có thể thấy liên tiếp từ năm 2011 đến nay, tín dụng khá ì ạch để đạt được mục tiêu đề ra.
Nhưng trong các năm 2011, 2012, tín dụng tăng trưởng chậm có thể giải thích do tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát cùng một loạt giải pháp hạn chế tỷ lệ cấp tín dụng, siết tăng trưởng nóng. Để bơm vốn cho khu vực DN, hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khơi thông dòng vốn đã được triển khai nhưng khả năng hấp thụ vốn vẫn rất yếu ớt.
Mặc dù vậy, trong 2 năm 2013-2014, tín dụng của nền kinh tế vẫn diễn biến đột phá, nhảy vọt vào những tháng cuối năm để đạt được mục tiêu đề ra. Chẳng hạn, 6 tháng đầu năm 2013, tín dụng chỉ đạt 3,31% so với cuối năm 2012, 7 tháng 3,68%, 8 tháng 6,45%, 10 tháng tăng lên 7,18% và tính đến ngày 20-11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt hơn 7,21%.
Mặc dù còn cách khá xa so với mục tiêu 12% nhưng chỉ trong tháng cuối cùng của năm 2013, tín dụng đã đạt đến con số 12,5%. Đến năm 2014, diễn biến này tiếp tục lặp lại khi 5 tháng đầu năm chỉ đạt 1,31%, thấp hơn so với mức 2,98% cùng kỳ 2013.
Nhưng chỉ trong vài ngày của tháng 6, tín dụng tăng trưởng rất nhanh. Cụ thể, theo Vụ Chính sách tiền tệ tính đến ngày 25-6, tín dụng tăng trưởng 2,3%. Ngay sau đó, NHNN cho biết đến ngày 30-6, tín dụng đã đạt 3,52%, nghĩa là trong 5 ngày, tín dụng đã tăng 1,22%, gần bằng mức tăng của 5 tháng đầu năm.
Tiếp theo, tín dụng 7 tháng được thông báo chỉ đạt 3,68% nhưng trong 8 tháng đạt 5,82%, 9 tháng 7,26% và 10 tháng đạt 8,63%. Theo đó, NHNN tin tưởng tín dụng cả năm có thể đạt mức 13%, tăng gần 5% trong 2 tháng cuối năm.
DN vẫn khó tiếp cận vốn vay rẻ
Trên con số, tín dụng hàng năm vẫn tăng trưởng đều đặn đúng mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, thực tế 2 năm vừa qua nền kinh tế vẫn ở trong tình trạng thừa tiền thiếu vốn, DN cần vay không được vay, DN được mời gọi vay không muốn vay. Nếu so với năm 2011, hiện nay mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 50%, thậm chí nhiều DN còn được áp dụng lãi suất thấp hơn so với mặt bằng chung.
Nhưng theo Hiệp hội DN TPHCM, thời gian qua các NH chỉ cho vay lãi suất thấp trong 1-3 tháng đầu, sau đó tăng lên 10-12%/năm; lãi suất cho vay ngoại tệ công bố 5%/năm nhưng thực tế phải trả 6-7%/năm. Các chương trình khảo sát ý kiến DN về vấn đề tiếp cận vốn đều ghi nhận kết quả chung là DN than phiền rất khó hoặc phải tiếp cận vốn với lãi suất cao. Trong khi đó, các NH cho biết tín dụng đối với khách hàng DN thời gian qua rất hạn chế vì NHTM phải siết chất lượng tín dụng.
Với hiện trạng trên, việc tín dụng liên tục nhảy vọt trong những tháng cuối năm khó tránh khỏi sự nghi ngờ của dư luận. Sự tăng trưởng đột biến này luôn được giải thích do yếu tố mùa vụ cuối năm cộng với một số khoản vay lớn được giải ngân cùng thời điểm.
Một lý giải nữa là gần đây lãi suất huy động giảm thúc đẩy lãi suất cho vay giảm, tăng động lực vay vốn cho DN. Song theo một chuyên gia kinh tế, tín dụng tăng trưởng đột biến trong một khoảng thời gian ngắn ở một NH là điều bình thường, nhưng với cả hệ thống tình trạng tín dụng nhảy vọt những tháng cuối năm liên tiếp 2 năm, sẽ khó tránh được những thắc mắc như: vì sao tín dụng lại tăng trưởng nhanh như vậy? Con số đó có thật? Việc quản lý rủi ro tín dụng có được siết chặt? Chất lượng tín dụng như thế nào? Tín dụng đang đổ vào kênh nào, có vào được sản xuất kinh doanh?
![]() |
Ảnh minh họa: LONG THANH |
Năm ngoái, lãnh đạo NHNN cũng từng nói rằng tín dụng tăng trưởng tập trung những tháng cuối năm sẽ không đảm bảo hiệu quả về tăng trưởng, no dồn đói góp, phân bổ nguồn lực không đều. Trong các cuộc họp gần đây, NHNN cho biết năm 2015 sẽ tiếp tục khơi thông vốn, tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua các giải pháp hỗ trợ tín dụng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% và căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế để điều chỉnh phù hợp.
Mặc dù đồng tình với mục tiêu NHNN đặt ra, nhiều ý kiến cho rằng rút kinh nghiệm 2 năm qua NHNN cần có giải pháp hỗ trợ để tín dụng tăng trưởng đồng đều trong các tháng nhằm đạt hiệu quả cao nhất, tạo niềm tin về những thông tin được công bố.
Hiện nay, việc bơm vốn ra nền kinh tế không chỉ phụ thuộc vào NH mà cả DN nên NHNN phải thực hiện cụ thể, như yêu cầu NH sớm giảm lãi suất cho vay hoặc cho vay tái cấp vốn lãi suất thấp để khơi thông nguồn vốn rẻ, phát triển các chương trình kết nối NH-DN, tạo điều kiện để dòng vốn thật sự đi vào kênh sản xuất kinh doanh, giúp DN mở rộng đầu tư mới nâng cao sức cạnh tranh khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế Asean trong năm 2015.