Động thái cắt giảm sản lượng của Nga có thể do ảnh hưởng từ nhu cầu sụt giảm

Động thái cắt giảm sản lượng dầu sắp tới của Nga có thể liên quan tới nhu cầu sụt giảm mạnh.
Động thái cắt giảm sản lượng của Nga có thể do ảnh hưởng từ nhu cầu sụt giảm

Quyết định của Nga về việc cắt giảm sản lượng dầu thô 500.000 thùng/ngày đang làm dấy lên lo ngại rằng nước này đang vũ khí hóa nguồn cung cấp năng lượng để trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, theo các chiến lược gia hàng hóa của ING, cũng có khả năng Nga cắt giảm nguồn cung do nhu cầu thấp.

"Chúng tôi cảm thấy rằng nhiều khả năng Nga chỉ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người mua dầu, đặc biệt là sau khi lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm tinh chế của Nga có hiệu lực vào đầu tháng này", Warren Patterson, nhà phân tích của ING cho biết.

Xuất khẩu dầu thô của Nga đã chịu áp lực sau khi lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 5/12/2022 cùng với mức trần giá 60 USD/thùng.

Dữ liệu từ S&P Global cho thấy xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga thực sự đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm vào tháng 12/2022. Vào tháng 2/2023, EU đã áp đặt lệnh cấm và trần giá tương tự đối với việc nhập khẩu các sản phẩm nhiên liệu tinh chế của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích mức trần giá dầu này. Theo hãng tin TASS, Nga cũng đánh dấu các phương pháp trả đũa tiềm năng, bằng cách cấm bán dầu cho các quốc gia tham gia vào giá trần, trong khi Bloomberg đưa tin rằng Nga đang xem xét thiết lập mức giá tối thiểu và giảm giá tối đa cho các thùng dầu thô.

"Chúng tôi sẽ không bán dầu cho những người trực tiếp hoặc gián tiếp tuân thủ các nguyên tắc về giá trần. Về vấn đề này, Nga sẽ tự nguyện giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày vào tháng 3. Điều này sẽ giúp khôi phục quan hệ thị trường”, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết.

Các chiến lược gia của ING: “Sự yếu kém mà chúng ta đang thấy về giá có thể phản ánh thị trường đang nhận ra rằng những đợt cắt giảm này phần lớn đã được phản ánh vào giá”.

Bộ Tài chính Nga cho biết, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm gần 50% vào tháng 1/2023 so với một năm trước. Điều này cho thấy, bất chấp các biện pháp trả đũa của Nga, các biện pháp trừng phạt dường như đang phát huy tác dụng.

Theo S&P Global Platts, dầu thô Urals hàng đầu của Nga đang được giao dịch ở mức thấp hơn 38 USD/thùng so với dầu Brent vào ngày 8/2. Mức giảm giá này cao hơn ba lần so với mức 11 USD/thùng ​​vào ngày 24/2/2022 - thời điểm xung đột Nga-Ukraine leo thang.

Giá dầu của Nga đã giảm mặc dù quốc gia này đang chuyển hướng xuất khẩu bằng đường biển sang châu Á - đặc biệt là sang Ấn Độ và Trung Quốc - sau khi mất khách hàng năng lượng lớn nhất của nước này là EU. Tuy nhiên, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều yêu cầu mức chiết khấu rất lớn khi mua dầu từ Nga.

Các tin khác