Từ xung đột ủy nhiệm đến thực chất
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga hôm 23-1 cho biết, cuộc xung đột ở Ukraine không còn cuộc xung đột hỗn hợp mà là cuộc chiến "thực chất" giữa Nga và phương Tây. “Khi nói về những gì đang xảy ra ở Ukraine, chúng tôi cho rằng thực tế đây không còn là cuộc chiến hỗn hợp mà là cuộc chiến thực chất phương Tây đã chuẩn bị từ lâu để chống lại Nga. Phương Tây đang cố gắng phá hủy mọi thứ của Nga, từ ngôn ngữ đến văn hóa, vốn đã tồn tại ở Ukraine trong nhiều thế kỷ…” - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói trong chuyến thăm Nam Phi, quốc gia từng là đồng minh của Liên Xô và là đối tác kinh tế đương thời của Nga.
Một đồng minh hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, 2 tuần trước đó từng nói Nga đã mở rộng cuộc chiến ở Ukraine sang cả NATO, không chỉ các lực lượng trung thành với chính phủ ở Kiev. Diễn biến mới nhất cũng theo sau những khẳng định khác, bao gồm cả từ Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin, người gần đây đã lặp lại những lời về việc sử dụng vũ khí hạt nhân với phương Tây. Các nhà phân tích tin rằng các động thái này nhằm cảnh cáo việc các nước NATO xem xét gia tăng viện trở vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất.
Bình luận của ông Lavrov được đưa ra chỉ vài giờ sau khi có dấu hiệu cho thấy một số quốc gia NATO, bao gồm cả Ba Lan, dường như đã xóa bỏ các rào cản ngoại giao để cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine, giới phân tích tin rằng sẽ có tác dụng thay đổi cuộc chơi ở Ukraine, có thế giúp Kiev tiến hành các cuộc tấn công vào quân đội Nga vốn vượt trội hơn. Hãng truyền thông nhà nước của Nga đã công bố một phân tích cảnh báo sự xuất hiện của xe tăng Leopard 2 ở Ukraine sẽ làm đảo lộn sự cân bằng giữa Nga và NATO vốn đã “trên bờ vực”. Cho đến nay, cả 2 cường quốc quân sự của NATO là Mỹ và Đức đều đã đồng ý gửi xe tăng cho Ukraine, trong đó Mỹ sẽ gửi 31 chiếc M1 Abrams và Đức gửi 14 chiếc Leopard 2A6s.
Phương Tây được gì?
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao phương Tây lại phải gồng mình chịu phí tổn lớn như vậy để hỗ trợ Ukraine? Làm như vậy họ được lợi gì? Song thực tế, các nước phương Tây có thể gặt hái được nhiều lợi ích rõ ràng trong cuộc xung đột này.
Đầu tiên, cuộc chiến ở Ukraine đang dần hủy hoại tiềm năng quân sự của Nga. Điều này làm giảm đáng kể mối đe dọa đối với sườn phía Đông của NATO. Thất bại ở Ukraine sẽ khiến Nga bị loại khỏi hàng ngũ các siêu cường quân sự thế giới, khiến Moscow phải đối mặt với nhiều năm củng cố lại mới mong đạt được vị thế vốn có. Điều quan trọng, bằng cách hỗ trợ Ukraine, phương Tây có thể làm giảm đáng kể tiềm năng quân sự của Nga mà không phải tốn bất kỳ binh lính nào.
“Cách để tránh đối đầu với Nga trong tương lai là giúp Ukraine đẩy lùi Moscow ngay bây giờ. Đây là bài học lịch sử chúng ta phải tiếp thu, trước khi quá muộn” - cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert M. Gates, đã viết gần đây trên The Washington Post. 2 nhân vật tiếng tăm này cho rằng nếu bỏ qua bài học này và Ukraine bị đánh bại, Nga gần như chắc chắn sẽ tiến xa hơn và tấn công các nước thành viên NATO như các quốc gia vùng Baltic, Phần Lan hay Ba Lan. Khi đó, các nước NATO sẽ không thể tránh được thương vong đáng kể.
Thứ hai, việc hỗ trợ Ukraine kể từ tháng 2-2022 đã hồi sinh phương Tây như một lực lượng chính trị. Cuộc chiến đã mang lại cho NATO mục đích đổi mới và mang lại sự mở rộng hơn nữa của liên minh quân sự ở Scandinavia, với các đơn xin gia nhập gần đây của Thụy Điển và Phần Lan. EU cũng đoàn kết hơn bao giờ hết và hiện đã vượt qua cuộc khủng hoảng niềm tin kéo dài do sự trỗi dậy của các phong trào dân tộc chủ nghĩa mang lại.
Thứ ba, trong lĩnh vực năng lượng, cuộc chiến ở Ukraine đã buộc châu Âu phải rũ bỏ sự phụ thuộc của mình vào dầu mỏ và khí đốt của Nga. Điều này đã cải thiện đáng kể an ninh châu Âu và làm mất đi một quân bài tẩy của Moscow.
Ai sẽ chiến thắng?
Nếu xung đột leo thang và cuộc xung đột lớn hơn giữa NATO-Nga diễn ra, bên nào sẽ thắng? Nguyên tắc cốt lõi của liên minh quân sự NATO là hệ thống phòng thủ tập thể. Nghĩa là, nếu bất kỳ quốc gia thành viên nào bị bên thứ 3 tấn công, mọi quốc gia thành viên đều phải can thiệp để bảo vệ quốc gia đó. Một cam kết của NATO yêu cầu các thành viên chi 2% tổng GDP cho quốc phòng. Và dù không phải tất cả thành viên đều đạt được mục tiêu này, nhưng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết mức 2% này “ngày càng được coi là mức sàn, không phải mức trần”.
Mỹ chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn cả 9 quốc gia chi tiêu lớn tiếp theo trên thế giới cộng lại, với khoảng 801 tỷ USD vào năm 2021, theo Statista. Ở vị trí thứ 2 là Trung Quốc với mức chi tiêu ước tính 293 tỷ USD, Ấn Độ 76,6 tỷ USD, Vương quốc Anh 68,4 tỷ USD và sau đó là Nga 65,9 tỷ USD. Ngoài việc là quốc gia chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới, Mỹ có kho vũ khí mạnh mẽ và nguồn nhân lực khổng lồ, với 1,39 triệu quân thường trực, chỉ kém Ấn Độ và Trung Quốc. Theo Statista, tổng số nhân viên quân sự của NATO hiện vượt quá 5,4 triệu người, gấp khoảng 4 lần so với Nga. Liên minh có số lượng máy bay chiến đấu gấp khoảng 5 lần, số lượng xe bọc thép gấp 4 lần và số lượng tàu quân sự nhiều gấp 3 lần. Trong khi 2 bên có số lượng đầu đạn hạt nhân tương đương nhau, đều hơn 6.000.
Vì vậy, theo nghiên cứu của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (Rusi) công bố vào năm 2019, giả sử tránh được sự hủy diệt trong một cuộc xung đột hạt nhân, Nga dù vượt trội so với hầu hết các nước NATO, bao gồm cả cường quốc quân sự Anh, nhưng vẫn không thể so sánh với cả liên minh.
Dù lo ngại rủi ro xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO, nhưng đa số giới quan sát cũng tin tưởng mỗi bên sẽ không để tình hình leo thang đến mức xung đột trực tiếp.