Vốn nội bùng nổ
Tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng tổ chức ngày 14-4, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho biết tín dụng lĩnh vực CK trong 2 tháng cuối năm 2020 tăng trưởng nóng, sau đó giảm 10% trong tháng 1 vừa qua.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 đến nay, tín dụng trong lĩnh vực CK bất ngờ tăng trở lại với 45.350 tỷ đồng, tương đương với thời điểm cuối năm 2020.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê từ Trung tâm Lưu ký CK Việt Nam (VSD), trong tháng 3, NĐT trong nước đã mở mới 113.340 tài khoản. Đây là con số kỷ lục chưa từng có từ trước tới nay, tương đương 29% tổng tài khoản được mở mới trong cả năm 2020.
Tính bình quân mỗi ngày trong tháng 3, số tài khoản mở mới của NĐT trong nước lên tới 4.928 tài khoản. Như vậy, tính đến hết quý I, số lượng tài khoản NĐT trong nước mở mới là 256.695 tài khoản (tương đương 65% cả năm 2020).
Những thông tin trên phần nào lý giải về sự xuất hiện của những phiên giao dịch bùng nổ một khi hiện tượng nghẽn mạng của HoSE được giải quyết. Theo HoSE, công tác khắc phục hiện tượng nghẽn lệnh vẫn tiếp tục được các đơn vị liên quan nỗ lực triển khai và cho kết quả bước đầu.
Gần đây, HoSE đã có thêm một số giải pháp cải tiến về mặt kỹ thuật, giúp hệ thống giao dịch cải thiện về năng lực xử lý lệnh. Nhờ đó, từ phiên giao dịch ngày 12-4, tình trạng nghẽn lệnh giao dịch phần nào được giảm tải, hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản.
Thông báo của HoSE được giới đầu tư không chỉ tạo niềm tin mà còn là nút bấm “kích hoạt” dòng tiền ồ ạt chảy vào thị trường. Thực tế, thanh khoản của thị trường liên tục xác lập những kỷ lục mới sau phiên giao dịch ngày 12-4.
Đơn cử phiên giao dịch ngày 13-4 với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 29.000 tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 26.000 tỷ đồng. Cũng trong phiên giao dịch này, NĐTNN bất ngờ mua ròng 183 tỷ đồng.
Vốn ngoại sẵn sàng
Vốn ngoại sẵn sàng
Thị trường trong nước đã bước vào sóng tăng điểm, NĐT đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi xu hướng tăng của thị trường và mạnh tay xuống tiền. Thanh khoản đã ở mức bùng nổ khi đạt tới gần 20.000 tỷ đồng khớp lệnh cho thấy dòng tiền đã được “kích hoạt” và NĐT đã chờ đợi thị trường tạo sóng rõ ràng để mua vào mạnh mẽ. |
Theo giới phân tích, xu hướng này được thúc đẩy bởi việc chốt lời và cơ cấu danh mục, tổ chức này ngụ ý dòng tiền có thể quay trở lại trong trung hạn. Hầu hết rút ròng xảy ra ở các CP hàng đầu, thay vì bán đồng loạt nhiều CP. Cụ thể, 10 mã CP hàng đầu chiếm đến 740 triệu USD giá trị bán ròng của khối ngoại.
Theo phân tích của một chuyên gia CK, NĐTNN vẫn giữ tiền tại thị trường Việt Nam, tích lũy 2,7 tỷ USD tiền mặt tính đến hết tháng 12-2020 (tăng gấp đôi so với cùng kỳ) và chờ đợi cơ hội để mua vào.
“Chờ đợi” là câu động từ được giới phân tích lý giải về động thái của NĐTNN ở thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, vẫn có nhiều quỹ ngoại đã chính thức khởi động việc giải ngân vào TTCK Việt Nam, thay vì chờ đợi như phần lớn “đồng nghiệp” ngoại khác.
Đơn cử là quỹ ETF đến từ Đài Loan (Trung Quốc) Fubon FTSE Viet Nam ETF vừa công bố huy động được 5,28 tỷ Đài tệ (TWD), tương đương 4.279 tỷ đồng, trong đợt IPO diễn ra vào cuối tháng 3.
Với thông tin trên và xu hướng bán ròng của khối ngoại giảm nhanh, thậm chí chuyển hẳn sang trạng thái mua ròng, không loại trừ lực mua này đến từ Fubon FTSE Vietnam ETF. Khả năng này tăng cao hơn khi Fubon FTSE Vietnam ETF cho rằng đây là thời điểm rất tốt để đầu tư.
“Việt Nam bây giờ giống như Đài Loan của những năm 1980. Bạn không thể tham gia đầu tư vào Đài Loan cách đây 40 năm, nhưng bạn có thể kiếm được lợi nhuận nhờ những cải cách kinh tế Việt Nam thông qua việc đầu tư vào Fubon Vietnam ETF" - Yang Yining, Giám đốc đầu tư Fubon Vietnam ETF chia sẻ.
Mặc dù vẫn tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng bởi FTSE Russell trong kỳ đánh giá vừa qua, nhưng trong phân tích mới đây, CTCK Bảo Việt (BVSC) vẫn giữ quan điểm lạc quan về triển vọng Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 tại kỳ đánh giá nâng hạng năm 2022, trong bối cảnh các dự thảo nghị định và thông tư mới đi kèm Luật CK sửa đổi (đã có hiệu lực từ đầu năm 2021).
Theo BVSC, từ thực tiễn quan sát diễn biến thị trường quốc tế trong quá khứ, thông thường trong khoảng ít nhất từ 9-12 tháng trước khi TTCK một quốc gia được FTSE Russell công bố chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi, TTCK quốc gia đó thường sẽ đón nhận dòng vốn đầu tư từ nước ngoài đón đầu xu hướng nâng hạng, chảy vào khá mạnh mẽ và có đà tăng điểm khá ấn tượng.
Với kỳ vọng TTCK Việt Nam có thể sẽ được nâng hạng trong 2 kỳ đánh giá của năm 2022, có thể sẽ xuất hiện dòng tiền ngoại đón đầu xu hướng này chảy vào từ nửa cuối năm 2021.
Cụ thể, theo ước tính của BVSC, trong trường hợp được FTSE chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2, TTCK Việt Nam sẽ thu hút dòng tiền lên tới 1,4 tỷ USD đến từ các quỹ đầu tư dựa theo chỉ số FTSE Global All-Cap, FTSE All-World và FTSE Emerging Markets.
Dựa theo bộ tiêu chí của FTSE Russell đưa ra, nhiều khả năng các mã được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này sẽ là các mã có vốn hóa lớn, thỏa mãn các điều kiện về thanh khoản, room ngoại và CP tự do chuyển nhượng (freefloat) mà FTSE Russell đề ra như: VIC (Vingroup), VNM (Vinamilk), VHM (Vinhomes), HPG (Hòa Phát), VCB (Vietcombank), MSN (Masan), VRE (Vincom Retail).
Hướng tới mốc 1.400 điểm?
Hướng tới mốc 1.400 điểm?
Dòng tiền từ NĐT nội chính là lực đẩy giúp VN Index không chỉ tái lập mà còn bỏ xa mốc 1.200 điểm. Thậm chí, nhiều tổ chức lớn nâng mức dự báo VN Index lên cao hơn.
Đơn cử JP Morgan vừa ra báo cáo cập nhật mục tiêu VN Index từ mức 1.200 điểm lên 1.400 điểm, trong khi MSCI Vietnam dự báo từ 1.000 điểm lên 1.100 điểm vào thời điểm kết thúc năm 2021. Ở mức này, VN Index sẽ giao dịch ở mức P/E ước tính 17,5x cho năm 2021.
Trong bản tin nhận định thị trường, hầu hết các CTCK đều có cái nhìn lạc quan về triển vọng thị trường khi dự báo VN Index sẽ tiếp tục đi lên với mục tiêu tiếp theo là 1.300 điểm.
Theo CTCK MB (MBS), tín hiệu tích cực từ hệ thống giao dịch đã kích hoạt dòng tiền lớn đổ vào thị trường bất chấp ảnh hưởng từ các thị trường trong khu vực. Thị trường trong nước đã bước vào sóng tăng điểm, NĐT đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi xu hướng tăng của thị trường và mạnh tay xuống tiền.
Thanh khoản đã ở mức bùng nổ khi đạt tới gần 20.000 tỷ đồng khớp lệnh cho thấy dòng tiền đã được “kích hoạt” và NĐT đã chờ đợi thị trường tạo sóng rõ ràng để mua vào mạnh mẽ.
Theo BVSC, dòng tiền nội vẫn là động lực chính hỗ trợ cho diễn biến thị trường trong giai đoạn này. Dòng CP vốn hóa lớn, đặc biệt là các CP dẫn dắt sẽ luân phiên tăng điểm để hỗ trợ thị trường.