Dòng tiền thế giới chảy về đâu trong năm 2022?

(ĐTTCO) - Trong công bố báo cáo triển vọng kinh tế và xu hướng thị trường 2022 của các định chế đầu tư lớn trên thế giới, đều có điểm nhấn chung là lạm phát, việc tăng lãi suất của các Ngân hàng Trung ương (NHTW), sự khác biệt đáng kể về kỳ vọng ở những thị trường đã phát triển (developed markets - DM) và thị trường mới nổi (emerging markets - EM). Đây là những yếu tố quan trọng sẽ dẫn dắt dòng tiền trong năm 2022.

Một trong những nguyên nhân làm giá cả tăng mạnh trong năm 2021 là do tắc nghẽn hệ thống logistics, do vậy 2022 cần được khơi thông. Ảnh: VIẾT CHUNG
Một trong những nguyên nhân làm giá cả tăng mạnh trong năm 2021 là do tắc nghẽn hệ thống logistics, do vậy 2022 cần được khơi thông. Ảnh: VIẾT CHUNG
Con voi giữa phòng: lạm phát
Trong khoảng 10 năm kể từ sau khủng khoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, lạm phát được duy trì ở mức thấp hay trong tầm kiểm soát của hầu hết nền kinh tế. Rồi đột nhiên Covid-19 xảy ra đầu năm 2020, khủng hoảng về y tế kéo theo kinh tế vào vòng xoáy. Cho đến giữa năm 2021, tình hình dịch bệnh có vẻ được kiểm soát, nhiều nước mở cửa nền kinh tế trở lại và đã sẵn sàng cho quá trình phục hồi.
Nhưng khi giãn cách xã hội được dỡ bỏ, chỉ số giá tiêu dùng tăng vọt, đặc biệt ở các nước phát triển như Mỹ, EU. Nguyên nhân ở nhu cầu tiêu dùng tăng vọt do bị kìm nén trong thời gian dài và khả năng chi tiêu vẫn đảm bảo do các chính sách hỗ trợ.
Nhưng quan trọng hơn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn nguồn cung. Đã có giai đoạn phí vận tải đường biển tăng chóng mặt, các đơn hàng đi từ châu Á, công xưởng của thế giới, bị trễ hoặc bị hủy. Thêm vào đó, giá năng lượng tăng cũng góp phần đáng kể đẩy lạm phát lên ở nhiều nước.
Tại Mỹ, lạm phát tháng 11-2021 tính theo CPI tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt kỷ lục trong 39 năm gần đây. Giá xăng dầu, năng lượng, thực phẩm, ô tô là những tác nhân chính của giá cả tăng khiến nhiều người dân Mỹ chóng mặt.
Ở giai đoạn đầu, NHTW Mỹ (Fed) còn trấn an khi cho rằng lạm phát chỉ là bộc phát tạm thời, sẽ nhanh chóng về lại bình thường. Nhưng đến giữa tháng 12-2021, Fed đã phải thừa nhận lạm phát là đe dọa thực sự, cần phải có các chính sách kịp thời.
Dòng tiền thế giới chảy về đâu trong năm 2022? ảnh 1
Nhiều nước châu Âu cũng rơi vào tình trạng giá cả leo thang, nhất là giá gaz, xăng dầu và thực phẩm. Người dân ở một số nước phải thắt lưng buộc bụng, hoặc phải tìm nơi có giá rẻ hơn dù phải mất nhiều thời gian hơn.
Thí dụ, nhiều người dân Pháp ở vùng giáp biên giới với Tây Ban Nha phải qua Tây Ban Nha để mua đồ rẻ hơn. Thậm chí, trong giai đoạn giá xăng tăng, một số người còn độ chế lại xe để dùng nhiên liệu rẻ hơn là khí hóa lỏng. Không những vậy, lạm phát còn là vấn đề làm phát sinh bất đồng giữa đại diện của một số nước tại NHTW châu Âu (ECB).
Khi lạm phát rục rịch tăng, danh mục đầu tư của các quỹ cũng như nhà đầu tư cá nhân phải tìm đến các lớp tài sản phòng thủ hoặc trú ẩn. Cho đến nay, giới đầu tư vẫn tin tưởng vào kim loại quý như vàng, thị trường hàng hóa (commodities), bất động sản, trái phiếu có bảo vệ lạm phát, hay cổ phiếu của những nhóm ngành không bị ảnh hưởng hoặc có lợi khi lạm phát như hàng hóa dịch vụ thiết yếu. Bên cạnh đó, tiền mã hóa như Bitcoin cũng được một số nhà đầu tư sử dụng như công cụ phòng ngừa lạm phát.

Dùng lãi suất như Paracetamol
Với những trường hợp bị cảm, sốt, loại thuốc các bác sĩ hầu như kê toa là Paracetamol. Cách các NHTW xử lý tình huống lạm phát cao cũng vậy. Dĩ nhiên họ còn một số công cụ khác chẳng hạn giảm chương trình mua trái phiếu, mua tài sản có đảm bảo như trường hợp của Fed.
Cụ thể, trong khi Fed tạm thời giữ nguyên lãi suất cho đến năm sau (dự kiến sẽ điều chỉnh tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022, nhiều khả năng bắt đầu vào tháng 3), NHTW Anh (BoE) là nơi đầu tiên nâng lãi suất, từ 0,1% lên 0,25%, và lộ trình nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tăng về mức trước khủng hoảng Covid-19.
Nếu so với mốc lãi suất quanh mức 5% giai đoạn 2007-2008, lãi suất hiện nay vẫn thấp hơn nhiều. Còn NHTW châu Âu (ECB) cho đến cuối năm 2021 vẫn chưa có động thái dừng hỗ trợ nền kinh tế, dù mối đe dọa của lạm phát ngày càng rõ. Khả năng tăng lãi suất là có dù chưa rõ ràng, nhưng dưới áp lực của Áo, Bỉ và Đức, các nhà hoạch định chính sách có thể thay đổi vào phút chót.
Việc điều chỉnh lãi suất tăng sau thời gian dài lãi suất được duy trì ở mức thấp, thậm chí quanh mức 0% (zero bound) đã khiến thị trường tài chính quen với tiền rẻ và sự thanh khoản dồi dào. Vì vậy trước sức ép của lạm phát kéo dài chứ không đột biến rồi giảm, các NHTW dùng chính sách lãi suất và điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường tài chính.
Trước hết là thị trường trái phiếu khổng lồ, của cả chính phủ và doanh nghiệp. Một thời gian dài lãi suất thấp là cơ hội tốt để các chính phủ, đặc biệt là doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường trái phiếu. Giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành mỗi năm tăng trung bình gấp đôi giai đoạn 2007-2008, nhưng chất lượng ngày càng giảm. Phần lớn trái phiếu doanh nghiệp phát hành ở nhóm BBB, tức chỉ vừa đủ để không bị xếp vào trái phiếu rác (non-investment grade bond).
Những trái phiếu có thời hạn (maturity) hay thời gian đáo hạn bình quân (duration) càng dài độ nhạy cảm với lãi suất càng cao. Trong khi lãi suất và giá trái phiếu có quan hệ nghịch chiều: lãi suất tăng giá trái phiếu giảm. Trong trường hợp áp lực giá trái phiếu giảm, giá trị danh mục bị ảnh hưởng nặng, các quỹ đầu tư lớn như các quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm phải tái cơ cấu, sẽ nguy hiểm hơn nếu xảy ra tình trạng bán tháo.
Khi đó, thị trường cổ phiếu sẽ bị ảnh hưởng nhiều với việc tăng lãi suất, vì giá nhiều loại cổ phiếu sẽ được định giá lại. Rất nhiều cổ phiếu của Mỹ trong nhóm công nghệ đã tăng nóng từ giữa năm 2020 đến đầu tháng 11-2021.
Khi lãi suất được xác nhận sẽ tăng, nhiều nhà đầu tư lớn sẽ chốt lời vì biết khả năng cổ phiếu tăng giá nữa không còn, và rất nhiều cổ phiếu đã vượt quá xa giá trị nội tại của nó. Khi nhóm cổ phiếu công nghệ giảm mạnh, hệ lụy kéo theo là các quỹ phải tái cân bằng danh mục của mình, và không ai dự đoán trước được các dòng tiền lớn sẽ phản ứng như thế nào.
Trung Quốc và các thị trường mới nổi
Thị trường tài chính Trung Quốc không có mối tương quan chặt chẽ với thế giới, nhưng những chính sách cải tổ gần đây nhắm vào thị trường bất động sản, công ty công nghệ, đã khiến thị trường Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn khi giá của nhiều loại tài sản, đặc biệt là cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp lớn nước này đã giảm mạnh thời gian qua, có thể xem đã chạm đáy.
Chỉ số Buffett, giữa vốn hóa của thị trường và GDP, của Trung Quốc đến cuối tháng 10-2021 chỉ 82%, thấp hơn so với châu Âu 108%, Nhật Bản 124% và Mỹ 254%. Tuy nhiên, đà tăng trưởng của Trung Quốc có phần chững lại, và đây là lúc dòng vốn quốc tế cân nhắc như nhìn vào Brazil, khi nền kinh tế mới nổi ở Nam Mỹ này có những chính sách tài chính thắt chặt hơn. Trong khi đó, cơ hội dường như mở ra nhiều hơn với 2 nền kinh tế mới nổi khác là Ấn Độ và Nga.
Tăng trưởng của các nền kinh tế đã phát triển sẽ không được như dự báo trước đây do biến thể mới của Covid-19 và sự đứt gãy chuỗi cung ứng nghiêm trọng hơn dự đoán. Vì vậy, việc tìm kiếm cơ hội ở các thị trường nước ngoài không thu hút các quỹ đầu tư quốc tế, ngoại trừ nhóm cổ phiếu của Trung Quốc.
Với nhiều khả năng các nền kinh tế sẽ hồi phục trong năm 2022, dù lãi suất có điều chỉnh tăng trong bối cảnh lạm phát, dòng tiền có lẽ vẫn sẽ ưu tiên cổ phiếu hơn là trái phiếu. Cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng tốt, mô hình kinh doanh có dòng tiền thực vẫn là lựa chọn an toàn và hiệu quả. 
Bao giờ chuỗi cung ứng trở lại bình thường, mức độ ảnh hưởng của việc Mỹ, EU tăng lãi suất lên các thị trường mới nổi, các thỏa thuận từ COP26 được thực hiện như thế nào… sẽ là ẩn số của các dòng tiền khôn trong năm 2022. 

Các tin khác