Dòng tiền vẫn “lệch”

Dù được đề cập và tìm cách tháo gỡ từ nhiều năm nay, tín dụng cho thị trường BĐS vẫn luôn là đề tài “nóng”. Đã gần hết quý III-2012, các nhà đầu tư tiếp tục sốt ruột mong chờ những tín hiệu mới.

Trên thực tế, không phải nguồn tiền từ ngân hàng mà hàng tồn kho - nguồn vốn “chết - mới là vấn đề đau đầu nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp. Theo thống kê sơ bộ của hơn 60 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội và TPHCM, hiện lượng hàng tồn kho trị giá hơn 84.000 tỷ đồng, chiếm tới xấp xỉ 46% tổng tài sản của các doanh nghiệp này.

Điển hình CTCP Nhà Việt Nam, tỷ lệ hàng tồn kho đang chiếm tới 90% tổng tài sản, tương đương 636 tỷ đồng. Điều này dẫn DN vào một vòng luẩn quẩn: không bán được hàng - không có tiền trả nợ cũ ngân hàng - không vay được vốn mới. Theo TS. Vũ Đình Ánh, tồn kho BĐS vẫn không ngừng gia tăng với khối trị giá tài sản hàng chục ngàn tỷ đồng nằm bất động mà chưa được đánh giá đầy đủ và ước lượng đúng quy mô cũng như tầm mức thiệt hại cho nền kinh tế mà nó đã và sẽ gây ra.

Thực trạng này nguy ngập đến mức mới đây Bộ Xây dựng đã phải yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát báo cáo tình trạng tồn kho BĐS để tìm cách tháo gỡ.

Theo nhiều chuyên gia, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến dòng tiền dù đã được khơi thông nhưng vẫn chảy “lệch”, chưa vào thị trường BĐS để giúp thị trường “ấm” lên. Mặt khác, theo TS. Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hệ thống ngân hàng đang tái cấu trúc, chưa thể có nhiều nguồn lực cho BĐS và “độ trễ” của chính sách cũng là những nguyên nhân căn bản khiến tác động của việc hạ lãi suất, gỡ bỏ hạn chế đối với thị trường BĐS vẫn chưa được vận hành.

Tình trạng này được dự báo chưa thể cải thiện trong thời gian ngắn trước mắt và do đó, cơn “ngủ đông” của thị trường được dự báo sẽ tiếp diễn cho đến tận năm 2013. Một tín hiệu vui cho thị trường BĐS là từ ngày 15-9 tới, quỹ đầu tư tín thác BĐS sẽ chính thức đi vào hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường BĐS bắt đầu bước sang giai đoạn tài chính hóa.

Đây được xem là nguồn tiền tiềm năng, dài hơi nhất cho thị trường BĐS trong tương lai. Tuy nhiên, các chuyên gia BĐS cho rằng để thị trường chấp nhận mô hình này cũng cần phải có thời gian. Do đó, để có nguồn tiền ứng cứu ngay cho thị trường BĐS trong thời gian ngắn là chưa thể.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, thị trường BĐS đã có dấu hiệu ấm dần nhưng tốc độ hồi phục sẽ rất chậm và phụ thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế chung.

Trong tình cảnh đó, các doanh nghiệp gần như vẫn phải tự xoay xở để cứu mình. Tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp BĐS đã phải chấp nhận lỗ tới 50% để tồn tại, giảm giá bán giải quyết triệt để tình trạng tồn kho. Tại Hà Nội, phân khúc căn hộ vẫn đang tiếp tục đà giảm giá với mức giảm khoảng 30% so với hồi đầu năm 2012.

Thời kỳ căn hộ trên 70m2 thống lĩnh thị trường cũng gần như đã chấm dứt, nhường chỗ cho các căn hộ 50-60m2. Đây được xem là một tín hiệu vui, bởi dù nhiều nhà đầu tư quay lưng do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế và sự mất niềm tin vào thị trường, về lâu dài nhu cầu mua nhà của người dân, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM vẫn lớn.

Nhiều chuyên gia tin rằng giá nhà vẫn sẽ tiếp tục hạ cho đến khi “chạm” được vào những người có thu nhập trung bình khá - đối tượng “khát” nhà bậc nhất ở đô thị hiện nay. Khi nguồn cung đáp ứng được nhu cầu và được khách hàng đón nhận, thị trường BĐS mới thực sự lành bệnh, dòng vốn “chảy” vào thị trường mới phát huy được tác dụng.

Các tin khác