Đột phá cho khu kinh tế?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hôm nay 15-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phiên giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu (KKT, KKTCK).

Thời gian qua, các KKT, KKTCK đã có một số đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế địa phương, kinh tế vùng miền, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Thực trạng dễ thấy nhất hiện nay là các KKT, KKTCK được đầu tư lớn cả về cơ chế và ngân sách, nhưng hiệu quả đạt được rất thấp. Vì thế, việc xây dựng các KKT đang trở thành gánh nặng cho ngân sách.

Sau 15 năm thành lập đến nay cả nước có 18 KKT ven biển với tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt khoảng 20%, trong khi cự ly giữa các KKT ven biển chỉ khoảng 200km, diện tích bình quân 45.000-50.000ha/khu. Quy mô diện tích các KKT lớn gấp 10 lần khu công nghiệp nhưng đóng góp nguồn thu ngân sách chưa nhiều, hàng năm chỉ đạt khoảng 600 triệu USD.

Bên cạnh đó, cả nước hiện có 28 KKTCK nhưng chỉ có các khu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai hoạt động nhộn nhịp cả về thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xuất nhập khẩu. Các KKTCK còn lại đều trong tình trạng hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí lớn.

Mục tiêu quan trọng nhất của việc xây dựng các KKT, KKTCK là thử nghiệm các mô hình, thể chế và chính sách mới nhằm tạo động lực phát triển có tính đột phá, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu cho nền kinh tế và các địa phương.

Dù đã có một số bước tiến quan trọng về nhận thức phát triển KKT, KKTCK nhưng cho đến nay việc thực hiện mục tiêu trên còn rất hạn chế. Hầu hết KKT, KKTCK được thành lập ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thậm chí đặc biệt khó khăn, nên chi phí cho việc nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu rất lớn.

Điều này mâu thuẫn gay gắt với nguồn vốn hạn hẹp của địa phương, cũng như hỗ trợ ngân sách từ Trung ương. Hạn chế nữa của các KKT, KKTCK là chưa đặt ở vị trí có lợi thế so sánh toàn diện trong quá trình phát triển.

Việc đầu tư dàn trải nhưng thiếu kết nối giữa các KKT, KKTCK với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã dẫn đến tình trạng các địa phương phải cạnh tranh nhau trong thu hút vốn.

Nhận xét về mô hình KKT, KKTCK, một chuyên gia kinh tế nêu lên một vấn đề đáng suy nghĩ: “Bí quyết thành công của các KKT là thể chế hiện đại. Tuy nhiên, theo thể chế hiện hành của nước ta, các KKT đang được ưu đãi bằng các xã khó khăn nhất”.

Ban quản lý các KKT, KKTCK không có quyền tự chủ và đề xuất thể chế mới, trong khi thể chế hiện hành có nhiều bất cập. Bởi vậy, nếu không có đột phá về phương cách phát triển KKT, KKTCK, trong 10 năm nữa, đây vẫn là những địa chỉ gây lãng phí lớn về đất đai và hiệu quả đầu tư.

Giống như khi phát triển khu công nghiệp, mô hình KKT, KKTCK chưa thành công cũng do tư duy phát triển dàn hàng ngang, địa phương nào cũng có dẫn đến hệ quả nguồn lực hữu hạn bị phân tán.

Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đặt ra yêu cầu khắc phục tình trạng phát triển quá nhiều KKT, gắn trong nhiệm vụ tái cấu trúc đầu tư. Mới đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các giải pháp chấn chỉnh quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các KKT và khu công nghiệp.

Trong đó, sẽ tạm dừng việc bổ sung quy hoạch, thành lập và mở rộng các KKT và khu công nghiệp trong cả nước. Đây là bước đi cần thiết để có thể rà soát, đánh giá toàn diện hoạt động KKT, KKTCK. Từ đó, khắc phục những hạn chế trong cơ chế quản lý, xu hướng phát triển, hoạt động... của mô hình này.

Tự thực tế hoạt động èo uột của các KKT, KKTCK, nhiều chuyên gia kinh tế và nhà quản lý đã nêu nhiều kiến nghị đáng lưu ý: Cần tập trung nguồn lực hạn hẹp của Nhà nước để đầu tư phát triển khu vực ven biển trước. Khi có hiệu quả và lợi nhuận mới đầu tư ngược lại vùng núi, biên giới để nâng dần đời sống nhân dân, hạn chế khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm ổn định xã hội.

Chính phủ nên chọn 2-3 KKT ven biển để đầu tư dứt điểm trong giai đoạn 2012-2015 với tiêu chí lựa chọn chặt chẽ, gắn với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là cần thay đổi quan niệm về KKT từ mở rộng khu vực khép kín, sang quan điểm là một không gian kinh tế - xã hội hoàn chỉnh. Đó sẽ là tiền đề để có được những giải pháp đột phá trong xây dựng mô hình KKT, KKTCK trong tương lai.

Các tin khác