Dow Jones lần đầu tiên vượt ngưỡng 45.000 điểm; Dầu quay đầu trượt giá

(ĐTTCO) - Chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng lên mức cao kỷ lục vào thứ Tư (4/12), với các cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà leo dốc sau báo cáo mạnh mẽ từ Salesforce và Marvell Technology. Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm giá, khi nhà đầu tư chờ đợi quyết định sắp tới của OPEC+ về nguồn cung. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Dow Jones lần đầu tiên vượt ngưỡng 45.000 điểm; Dầu quay đầu trượt giá

Thị trường nóng lòng chờ công bố việc làm

Khép phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tiến 0,61% lên 6,086.49 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite nhích 1,3% lên 19,735.12 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 308.51 điểm, tương đương 0,69%, lên 45,014.04 điểm. Cả 3 chỉ số chính đều đạt mức cao mọi thời đại trong phiên và khép phiên tại mức cao kỷ lục, với Dow Jones đóng cửa vượt ngưỡng 45,000 điểm lần đầu tiên.

Cổ phiếu Salesforce leo dốc gần 11% sau khi công bố doanh thu quý tài chính thứ 3 vượt kỳ vọng. Cổ phiếu nhà sản xuất con chip Marvell cũng báo cáo lợi nhuận vượt kỳ vọng và đưa ra triển vọng quý 4 mạnh mẽ, cổ phiếu Marvell bứt phá 23%, ghi nhận phiên tăng tốt nhất kể từ ngày 26/05/2023.

Những diễn biến này đã thúc đẩy chứng chỉ quỹ Technology Select Sector SPDR (XLK) tăng lên mức cao mọi thời đại lần đầu tiên kể từ tháng 7/2024, thêm 1,8%.

Động thái thị trường vào thứ Tư diễn ra khi nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu việc làm mới của Mỹ công bố vào ngày 6/12. Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones dự báo nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 214,000 việc làm trong tháng 11/2024.

Một báo cáo công bố vào thứ Tư từ ADP cho thấy khu vực tư nhân tại Mỹ đã tạo ra thêm việc làm ít hơn so với dự báo trong tháng 11, chỉ tăng 146,000 việc làm trong tháng, trong khi các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones dự báo tăng 163,000 việc làm.

Dữ liệu này có thể cung cấp cho nhà đầu tư cái nhìn sâu sắc về những động thái chính sách tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thị trường không phản ứng nhiều vào thứ Tư sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết nền kinh tế Mỹ đã đủ mạnh để ngân hàng trung ương tiến hành hạ lãi suất một cách thận trọng.

Dầu giảm gần 2%

Kết phiên, hợp đồng dầu Brent mất 1.18 USD, tương đương 1,6%, xuống 72.44 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI sụt 1.23 USD, tương đương 1,76%, còn 68.71 USD/thùng.

Hồi ngày 3/12, dầu Brent ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong 2 tuần, bật 2,5%.

Các chuyên gia phân tích cho biết thị trường đang trong tình trạng lo lắng, hồi hộp, khi nhà đầu tư tập trung vào cuộc họp sắp tới của OPEC+.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh trong OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 05/12, và có khả năng sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng cho đến hết quý 1/2025, các nguồn tin trong ngành cho biết với Reuters.

OPEC+ đã tìm cách nới lỏng dần việc cắt giảm nguồn cung trong năm tới.

Matt Smith, Chuyên gia phân tích dầu mỏ hàng đầu của Kpler tại châu Mỹ, cho biết: “Mặc dù dự kiến sẽ có sự trì hoãn trong việc tháo bỏ cắt giảm sản lượng, nhưng lời lẽ quan điểm trong cuộc họp sẽ có sức ảnh hưởng lớn nhất.”

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm mạnh hơn dự báo trong tuần trước khi các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động. Dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất tăng mạnh hơn dự báo trong tuần qua.

Tuy nhiên, động lực tăng giá từ thông tin này chỉ hỗ trợ phần nào cho giá dầu.

Ngoài ra, thoả thuận ngừng bắn không chắc chắn giữa Israel và Hezbollah, lệnh thiết quân luật bị đảo ngược trong vài giờ của Hàn Quốc và cuộc tấn công của phiến quân ở Syria đều hỗ trợ giá dầu.

Các tin khác