Ngày 25-11, TTCP thông báo Kết luận thanh tra theo đơn tố cáo một số nội dung của Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, trong đó xác định nội dung đơn tố cáo của công dân là có cơ sở.
Lý do kéo dài dự án, tăng chi phí
Theo TTCP, dự án có quy mô lớn và phức tạp đầu tiên áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn mới của nước ngoài vào Việt Nam, nhưng hợp đồng chỉ xác định thời gian 25 tháng, với tổng giá trị hơn 10,6 triệu euro là không khả thi, khó đáp ứng và chưa lường hết được các yêu cầu trong việc thực hiện dự án đặc biệt này. Hợp đồng trọn gói về dịch vụ tư vấn thực hiện dự án, ngay khi được triển khai đã nảy sinh các tồn tại, bất cập, bất hợp lý làm phát sinh những vướng mắc giữa các bên (Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, Tư vấn Systra, các cơ quan thẩm quyền phía Việt Nam và các đơn vị liên quan khác), trong nội dung của hợp đồng trọn gói đã có sự bất cập, thiếu sót, nhiều nội dung không rõ ràng, dẫn đên việc hiểu khác nhau giữa các bên; bên cạnh đó việc hiểu nghĩa nội dung giữa bản tiếng Việt và bản tiếng Anh của các bên cũng có những điểm khác nhau nhất định.
Một số nội dung điều chỉnh tăng giá trị hợp đồng, nhưng không tăng nhiệm vụ, mà chủ yếu do quá trình thực hiện các nhiệm vụ của Systra bị chậm trễ kéo dài so với tiến độ của hợp đồng trọn gói ban đầu, vì các nguyên nhân khách quan và chủ quan, nên tư vấn Systra phải huy động nhân sự và chi phí cho thời gian kéo dài, dẫn đến phát sinh tăng chi phí.
TTCP cho rằng, qua rà soát thấy việc điều chỉnh tăng giá hợp đồng tư vấn (hợp đồng trọn gói) bao gồm phần chi phí ngoài phạm vi nhiệm vụ; phần chi phí thuộc các trường hợp bất khả kháng theo quy định và phần chi phí trong phạm vi nhiệm vụ, nhưng khi lập, thẩm định và phê duyệt dự toán điều chỉnh bổ sung chủ đầu tư và các cơ quan chức năng đã không xác định cụ thể các khoản chi phí này.
Mặt khác, quá trình thương thảo điều chỉnh hợp đồng tư vấn (họp đồng trọn gói) chủ đâu tư không làm rõ trách nhiệm của Tư vấn Systra trong việc chậm chễ để xác định chi phí và giảm trừ khi lập dự toán bổ sung.
TTCP cho rằng, trách nhiệm thuộc Lãnh đạo của Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội qua các thời kỳ, các cá nhân có liên quan. Các cơ quan, tổ chức và các đơn vị tư vấn có liên quan; Các sở: Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư. Để xảy ra việc chậm trễ kéo dài trong quá trình thực hiện các công việc của dự án, dẫn đến làm tăng chi phí.
Có dấu hiệu vi phạm nhiều gói thầu
TTCP cho rằng, trong quá trình thanh tra theo đơn tố cáo, cụ thể theo đơn của ông Lương Xuân Bình đối với các gói thầu: Gói thầu số 1 (đoạn tuyến trên cao); Gói thầu số 3 (hầm và các ga ngầm); Gói thầu số 6 (hệ thống đường sắt) đều có dấu hiệu vi phạm.
Cụ thể, tại gói thầu số 1, theo Văn bản số 629/BC-KHĐT ngày 28-6-2013 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thì việc đánh giá giữa tư vấn Systra và Chủ đầu tư không thống nhất, có sự không minh bạch, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu.
Việc sai phạm trong công tác đấu thầu đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu trong Văn bản 629/BC-KHĐT là vi phạm Điều 29 Luật Đấu thầu; Điều 18 Nghị định số 85/2009/N Đ-CP của Chính phủ về Hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn Nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng. TTCP xác định trách nhiệm thuộc lãnh đạo của Ban Quản lỷ Đường sắt đô thị Hà Nội qua các thời kỳ, các đơn vị thuộc MRB và tập thể, cá nhân có liên quan.
Đối với nội dung tố cáo việc lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu số 3. Nhà thầu JV và MRB đã ký hợp đồng thi công gói thầu số 3 khi chưa có mặt bằng sạch bàn giao cho nhà thầu để thi công. Nhà thầu JV đề nghị bổ sung chi phí vào giá hợp đồng dựa trên “Kế hoạch thi công sơ bộ” đã được xây dựng trên các mốc thời gian bàn giao mặt bằng công trình và đã được chứng thực.
Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra vẫn chưa bàn giao đầy đủ mặt bằng của gói thầu số 3. Hiện tại mặt bằng các ga 9, 10, 11 đang điều chỉnh quy hoạch, chưa thể giải phóng mặt bằng, dẫn tới chưa có mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu trong thời gian này. Việc chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công theo hợp đồng, dẫn đến nhà thầu phải điều chỉnh kế hoạch triển khai theo hợp đồng đã ký, do đó nhà thầu đã yêu cầu bổ sung khoản kinh phí cho việc này khoảng 40 triệu USD, nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, tại gói thầu số 6, do đây là gói thầu có phát sinh tình huống phức tạp, giá dự thầu vượt giá gói thầu được duyệt, hơn nữa theo Nghị định thư chỉ những nhà thầu có xuất xứ Pháp mới được tham gia đấu thầu, dẫn đến chỉ có một liên danh nhà thầu tham dự và trúng sơ tuyển là Liên danh nhà thầu Alstom-Colas-Thales. Khi phát sinh tình huống đấu thầu, chủ đầu tư đã có văn bản xin ý kiến của các cấp, ngành.
Trong quá trình xử lý các tình huống phức tạp, UBND TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất biện pháp giải quyết bằng hai phương án gồm: Đề nghị cho phép chào lại giá gói thầu và phê duyệt lại giá gói thầu để đàm phán; Hủy thầu và tổ chức đấu thầu lại. Cả hai phương án đều có những ưu, nhược điểm nhất định, nhưng dù chọn phương án nào cũng chỉ duy nhất có một nhà thầu tham gia, vì gói thầu này bị hạn chế bởi các điều kiện ràng buộc (chỉ những nhà thầu của Pháp mới được tham dự). Việc này Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi UBND TP Hà Nội về thẩm quyền quyết định là của chủ đầu tư dự án, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
UBND TP Hà Nội đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đã có đề xuất cho phép tách gói thầu số 6 thành hai gói thầu nhỏ hoặc giảm tiêu chí ràng buộc trong lựa chọn nhà thầu theo điều kiện vay vốn của Chính phủ Pháp để tổ chức đấu thầu lại, nhằm tạo điều kiện cho nhiều nhà thầu đủ năng lực tham gia và tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu. Đến thời điểm thanh tra, MRB báo cáo việc đề xuất của UBND TP Hà Nội chưa nhận được ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ.
Đầu năm 2017, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội phê duyệt dự toán gói thầu số 6 giá gói thầu là hơn 265 triệu euro. Sau đó, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, theo đó Liên danh Alstom-Colas-Thales đã trúng thầu, giá trúng thầu là hơn 265 triệu euro và hơn 943 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện việc lựa chọn nhà thầu, khi phát sinh tình huống phức tạp, chủ đầu tư đã có văn bản báo cáo và xin ý kiến các cấp. Tuy nhiên, có một số nội dung trong báo cáo của chủ đầu tư chưa nhất quán, chưa rõ ràng như: Hình thức đấu thầu rộng rãi hay hạn chế, số lần xử lý tình huống, số lần chào giá, số lần đề xuất tài chính... dẫn đến nảy sinh nhiều ý kiến.
TTCP kiến nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là Chủ đầu tư dự án cần xác định rõ từng khoản chi phí cụ thể để phân loại (nguyên nhân làm phát sinh công việc ngoài phạm vi nhiệm vụ tư vấn trong hợp đồng đã ký kết ban đầu và các nguyên nhân thuộc các trường hợp bất khả kháng…); Rà soát lại trách nhiệm của Tư vấn Systra.
TTCP đề nghị Thành ủy Hà Nội xem xét lại quá trình công tác, đảm bảo quyền lợi cho ông Lương Xuân Bình, nguyên Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ có liên quan đến các vi phạm nêu trên; có biện pháp xử lý đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.