Cần cơ chế thông thoáng, nâng cao vai trò “nhạc trưởng” TP.HCM
Phát biểu tại hội thảo “Thúc đẩy dự án Vành đai 3 - Động lực mới cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức mới đây tại TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đánh giá, Vành đai 3 là dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong liên kết vùng. Dự án sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông trong khu vực, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã đề xuất một số vấn đề về cơ chế, chính sách cần tháo gỡ để thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ. Theo ông Dũng, ngoài việc bảo đảm nguồn lực tài chính và năng lực kỹ thuật, một cơ chế thông thoáng; cần phải nâng cao vai trò của Hội đồng vùng, thử nghiệm điều phối cấp vùng…
Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng phân tích, dự án Vành đai 3 có 8 dự án thành phần, tức là phải phê duyệt 8 lần, có nhiều việc trùng lặp nên không thể nhanh. Do đó nếu có cơ chế TP.HCM đảm nhận thủ tục thẩm định, phê duyệt toàn bộ dự án rồi ký hợp đồng với các địa phương thì sẽ đẩy nhanh. Ngoài ra, đền bù giải phóng mặt bằng là vấn đề lớn nên cần phải rút kinh nghiệm từ Vành đai 2 (kéo dài đến hàng chục năm)…nên tính toán cho người dân được tái định cư tại chỗ.
Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng: "Nếu chúng ta có cơ chế để điều chỉnh quy hoạch và chuyển đổi mục đích dễ dàng thì sẽ làm được điều này. Tôi nghĩ là trừ những trường hợp bất khả kháng thì những trường hợp khác có thể điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích để tái định cư tại chỗ".
Đưa lợi ích của giao thông lên trên lợi ích bất động sản
Đại diện Sở Giao thông vận tải, Ban Giao thông...các tỉnh Đồng Nai, Long An và TP.HCM đều cam kết sẽ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo tính đồng bộ giữa các địa phương…Hiện nay, thách thức lớn là mỏ vật liệu nên cần phải tính toán, cụ thể hóa; chọn ra nhà thầu đủ năng lực để triển khai dự án. Ngoài ra, cần phải làm sao để giá đền bù tiệm cận với giá thị trường, phù hợp với Luật Đất đai đang sửa đổi…
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp, trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright đánh giá, Vành đai 3 có tính khả thi kinh tế cao với suất sinh lợi kinh tế lớn, vấn đề hiện tại là triển khai. Lãnh đạo TP.HCM và các địa phương cần phải xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong nhiệm kỳ này chính là có làm được đường Vành đai 3 hay không, bởi “nếu không làm được là do năng lực chứ không còn lí do nào khác”.
Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, Vành đai 3 chỉ phát huy hiệu quả khi được kết nối với các cao tốc xuyên tâm và cần ưu tiên lợi ích về giao thông trước lợi ích bất động sản, tức là phải đảm bảo thông thoáng, giảm chi phí, thời gian.
"Nếu như Vành đai 3 trong thực thi triển khai đến khi hình thành bộ mặt nhưng vẫn là con đường truyền thống, tức là đường đến đâu, nhà sát mặt tiền để tận dụng từng mét vuông đất, khai thác lợi ích nhà mặt tiền thì lợi ích giao thông của đường Vành đai 3 sẽ không có", ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.
Dự án Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 76km, đi qua địa phận TP.HCM và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An; được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập. Tổng mức đầu tư là 75.378 tỷ đồng. Dự án sẽ khởi công vào tháng 6/2023 và hoàn thành, thông xe một phần vào năm 2025.