Dự báo kinh tế năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn

(ĐTTCO) - Đó là nhận định của ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI tại tọa đàm: Dự báo Kinh tế - Vượt “cơn gió ngược” 2023 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 27-12.
Quang cảnh tọa đàm: Dự báo Kinh tế - Vượt “cơn gió ngược”.
Quang cảnh tọa đàm: Dự báo Kinh tế - Vượt “cơn gió ngược”.

Ông Thành đánh giá và dự báo tình hình khó khăn của năm 2023, và cho biết hiện VCCI đã có kiến nghị các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, mới nhất, trong văn bản góp ý Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, VCCI đã nhất trí với việc cần phải có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ.

Song song đó, ông cho rằng để nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong 2023 từ các trụ cột đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng, thực hiện đạt các chỉ tiêu Quốc hội đã giao cho Chính phủ trong năm 2023 là tăng trưởng GDP 6,5%, lạm phát 4,5%, GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD; bên cạnh các chỉ đạo sát sao và chủ trương, chính sách kiến tạo môi trường kinh doanh của Chính phủ, rất cần sự nỗ lực tiếp tục của cộng đồng doanh nghiệp để “vượt cơn gió ngược”, với nhận diện đúng, trúng các yếu tố thách thức, khó khăn ở năm tới để có các kịch bản ứng phó, chủ động linh hoạt ngay từ bây giờ.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, bên cạnh những khó khăn từ vĩ mô toàn cầu và sự ảnh hưởng tới Việt Nam, thuận lợi và cơ hội của Việt Nam trong 2022 là đã kiểm soát và ổn định được hệ thống tài chính; kiểm soát tỷ giá và lạm phát, kinh tế tài chính vĩ mô ổn định giúp doanh nghiệp phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài.

Việt Nam tiếp tục thu hút FDI và lợi thế xuất khẩu do xu thế chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khu vực; và các lợi thế nội tại về cải tiến cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và ổn định kinh tế. Từng bước đưa Thị trường BĐS về sự thiết thực và ổn định.

Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm.

Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm.

Năm 2023, triển vọng kinh tế toàn cầu được dự báo có nhiều biến động, phức tạp khó lường. Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) vào tháng 9/2022 đã cảnh báo nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái có thể kéo dài ở năm 2023 và lâu hơn nữa.

WB dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm xuống 0,5% vào năm 2023 - tức là giảm 0,4% tăng trưởng tính theo đầu người, đồng nghĩa với việc kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.

Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cũng dự báo Việt Nam sẽ ghi nhận tăng trưởng điều chỉnh vào 2023. Những thách thức của kinh tế Việt Nam sẽ bị chi phối bởi suy thoái đình lạm của các thị trường toàn cầu, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc vào các thị trường lớn và tương ứng là tác động của các biến động lãi suất từ các nước lớn, biến động ngoại hối.

Đồng thời, tác động của thị trường vốn do bất ổn, mất niềm tin trên thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu xáo động đang khiến doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn thanh khoản và bế tắc vốn đầu tư kinh doanh, áp lực trả nợ trái phiếu 2023 tiếp tục nặng gánh…

Các tin khác