Khát khao đi du lịch
Hồi giữa năm 2021, Booking.com đã tung ra kết quả từ một nghiên cứu toàn cầu với hơn 28.000 khách du lịch từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Kết quả người Việt khát khao đi du lịch hơn cả tìm kiếm tình yêu và thăng tiến trong công việc.
Cụ thể, khi được hỏi về điều họ muốn trải nghiệm, 69% khách du lịch Việt Nam thích đi nghỉ hơn là tìm kiếm tình yêu đích thực. Hoặc 57% du khách Việt Nam chọn kỳ nghỉ thay vì được thăng tiến trong công việc. Kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua phần nào minh chứng cho khát khao này của du khách Việt Nam.
Khi việc di chuyển trong nước thuận tiện, không còn các hạn chế về kiểm dịch, rất nhiều điểm đến đã đón lượng lớn khách du lịch tăng đột biến.
Theo ước tính từ ngày 8 đến 11-4, Đà Lạt đã đón khoảng 50.000 lượt khách. Với Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ (9-4) đã đón 21.000 lượt khách, đến hôm sau lượng khách đã tăng gấp đôi. Tại TPHCM dịp lễ vừa qua những điểm tham quan như Thảo Cầm Viên, Suối Tiên, Đầm Sen chật kín người với khoảng 250.000 lượt khách.
Các địa phương khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, hay miền Bắc như Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, cũng được xem là “thắng đậm” trong dịp lễ khi lượng khách tăng đột biến. Trong đó riêng Hà Nội đã đón và phục vụ khoảng 200.000 lượt khách với tổng thu từ du lịch ước đạt 560 tỷ đồng. Tổng cục Du lịch cho biết trong dịp lễ Giỗ Tổ, du lịch nội địa đã đón khoảng 3 triệu lượt khách.
Đây là cơ sở để các địa phương và các doanh nghiệp du lịch đặt kỳ vọng lớn vào dịp lễ 30-4, khi ngày nghỉ trùng vào cuối tuần nên kỳ nghỉ được kéo dài 4 ngày, rất thích hợp cho những chuyến du lịch, nghỉ dưỡng.
Đại diện của Saigontourist cho biết dịp lễ 30-4 đơn vị dự kiến đón 25.000-30.000 lượt khách. Các dịch vụ được đẩy mạnh là các tour trọn gói, dịch vụ Free & Easy cùng các gói combo. Phía Vietravel dự kiến đón khoảng 4.000 lượt khách trong dịp 30-4. Về các sản phẩm tour trong nước, chỉ tính riêng tại trụ sở chính Vietravel đã có khoảng 40 sản phẩm tour trọn gói.
Theo đánh giá của Vietravel, năm nay tình hình du lịch lễ khả quan hơn, vì ngoài du lịch trong nước là lựa chọn chính, khách có thể lựa chọn một số tour đi du lịch nước ngoài đã được các công ty chọn lọc và lên tour kỹ lưỡng.
Cùng với các doanh nghiệp lữ hành, các địa phương cũng sẵn sàng các chương trình đặc sắc cho kỳ nghỉ lễ này. Như Đà Lạt sẽ tổ chức Tuần lễ du lịch vàng Lâm Đồng 2022, dự kiến đón khoảng 180.000 lượt khách. Tại Khánh Hòa, lễ hội Tháp Bà dự kiến lượng khách đổ về sẽ đông. Với TPHCM dịp 30-4 sẽ mang đến sự trải nghiệm cho du khách qua tour trực thăng ngắm TP từ trên cao.
Nhiều khách sạn tại Đà Lạt, Phú Quốc, Đà Nẵng… hiện tỷ lệ lấp đầy phòng đã trên 80%, thậm chí có những nơi gần 100%. Với những diễn biến này, Saigontourist nhận định 2 dịp lễ trong tháng 4 được xem là tín hiệu tích cực của du lịch nội địa, hứa hẹn sự bùng nổ trong mùa hè năm nay.
Lo ngại bài toán chất lượng
Lượng khách tăng đột biến trong các dịp lễ đang mang đến niềm vui lớn cho ngành du lịch sau 2 năm bị tác động mạnh vì dịch. Thế nhưng, khi lượng khách đổ đi du lịch quá đông, nhiều địa phương rơi vào cảnh quá tải du khách, chất lượng dịch vụ cũng theo đó đi xuống.
Điều ngán ngại đầu tiên của du khách chính là phải hòa vào dòng giao thông tắc nghẽn tại nhiều điểm du lịch. Thêm vào đó là cảnh phải xếp hàng rồng rắn tại các quán ăn, giải khát, điểm tham quan, thậm chí còn phải chịu cảnh nhiều dịch vụ tăng giá bất hợp lý. Đặc biệt vào những ngày cao điểm tình trạng "cháy" phòng nghỉ, tăng giá phòng vẫn không phải hiếm.
Lý giải cho điều này, nhiều đơn vị kinh doanh cho biết do dịch kéo dài nên nhiều nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi phải thu hẹp thậm chí đóng cửa. Bên cạnh đó, nhân sự rơi rụng nhiều nên khi khách đột ngột trở lại với số lượng lớn, việc phục vụ sẽ không tránh khỏi thiếu sót, khi nhân viên phải làm việc với hơn 100% thậm chí đến 200% công suất.
Để phục vụ dịp lễ 30-4 tốt hơn, không ít đơn vị cho biết đang gấp rút tuyển nhân sự, đặc biệt là nhân sự bán thời gian. Song với những nhân sự mới, nhất là nhân sự bán thời gian, câu chuyện chất lượng phục vụ có lẽ cũng còn bỏ ngỏ.
Thực tế, việc khách đông, dịch vụ đi xuống, chặt chém du khách không phải mới ở nhiều địa phương, mà trước dịch gần như năm nào cũng diễn ra. Các địa phương luôn khẳng định sẽ chấn chỉnh nhưng rồi đâu lại vào đó. Đấy cũng là lý do không ít du khách Việt đã chọn đi du lịch nước ngoài, thay vì trong nước những dịp lễ, tết những năm trước đây.
Thời điểm này khi du lịch nội địa là lựa chọn đầu tiên của du khách và cũng là cứu cánh cho toàn ngành du lịch, nên chất lượng dịch vụ lại càng trở nên thách thức nhiều hơn. Điều này đòi hỏi các địa phương và doanh nghiệp phải làm việc bài bản và chuyên nghiệp hơn.
Dịp này các cơ quan quản lý du lịch tại nhiều địa phương đã đưa ra khuyến cáo với du khách nên chuẩn bị kỹ cho kỳ nghỉ đặc biệt, nên đặt phòng khách sạn trước khi khởi hành. Các điểm đến như Đà Lạt, Khánh Hòa… cũng cung cấp số điện thoại đường dây nóng để du khách liên hệ khi muốn phản ánh hoặc cần hỗ trợ.
Với TPHCM, Sở Du lịch TP đã có quy chế phối hợp với công an, lực lượng thanh niên xung phong, đội bảo vệ du khách; đồng thời có đường dây nóng để nhận phản ánh về tất cả thông tin liên quan. Thanh tra Sở Du lịch TP cũng luôn sẵn sàng và tiếp nhận thông tin, phối hợp với công an quận huyện, đội bảo vệ du khách và các cơ quan liên quan để bảo vệ du khách.
Kể từ ngày 15-3 khi du lịch Việt Nam đã chính thức mở cửa, 3 mảng là du lịch trong nước, du lịch nước ngoài và du lịch quốc tế đều được đặt kỳ vọng hồi sinh. Song cho đến thời điểm này và dự báo ít nhất hết năm nay, du lịch nội địa vẫn mang đến nguồn thu chính cho toàn ngành. Vì thế, làm du lịch nội địa bền vững sẽ là câu chuyện được đặt ra cho toàn ngành.
2 dịp lễ trong tháng 4 được xem là tín hiệu tích cực của du lịch nội địa, hứa hẹn sự bùng nổ trong mùa hè năm nay. |