Nỗ lực tạo ra sản phẩm mới, nhưng…
Những năm gần đây nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách, ngành du lịch TPHCM đã phối hợp cùng các quận, huyện nỗ lực tung ra nhiều sản phẩm mới, như hình thành các con phố chuyên doanh như phố đông y, phố vàng bạc, phố hoa và ẩm thực Hồ Thị Kỷ.
Những con phố này đều xuất phát từ tiềm năng vốn có như phố hoa Hồ Thị Kỷ, vốn là nơi cung cấp hoa lớn nhất về số lượng và chủng loại cho TP. Hay phố đông y là nơi tập trung rất nhiều cửa hàng thuốc bắc nổi tiếng.
Đặc biệt, năm 2017 TP cho ra mắt phố đi bộ Bùi Viện. Như vậy sau Nguyễn Huệ, TPHCM có thêm 1 phố đi bộ phục vụ du khách. Ở đây du khách có thể thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc và hòa mình vào không gian sôi động của con phố nhộn nhịp hàng quán.
Du lịch đường thủy cũng được TP chú ý nhờ lợi thế của các tuyến sông, kênh, rạch. Điển hình như bến đường thủy Bình Đông tại chùa Long Hoa (quận 8), bến Lò Gốm (quận 6), bến chùa Hội Sơn (quận 9), bến đò Phú Xuân, Tắc Xuất, bến Khu di tích Giồng Chùa (huyện Cần Giờ), bến Khu dân cư Bình Hòa (quận Bình Thạnh)…
Theo quy hoạch, TP sẽ có nhiều tuyến du lịch đường thủy, như tuyến công viên Bạch Đằng (quận 1) đi kênh Bến Nghé, kênh Tàu Hủ, kênh Lò Gốm đến chùa Long Hoa (quận 8); tuyến công viên Bến Bạch Đằng đi trên sông Sài Gòn đến khu vực Thanh Đa, khu du lịch Bình Quới (quận Bình Thạnh); tuyến Bạch Đằng đi trên sông Sài Gòn đến khu di tích Địa đạo Bến Dược (huyện Củ Chi); tuyến công viên Bến Bạch Đằng đi trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai đến chùa Hội Sơn (quận 9)…
Hàng năm TP còn nỗ lực tổ chức nhiều sự kiện du lịch như hội chợ du lịch quốc tế TPHCM, lễ hội áo dài, lễ hội ẩm thực và trái cây Nam bộ, liên hoan ẩm thực món ngon các nước…
Có thể thấy, sản phẩm du lịch của TPHCM rất đa dạng, nhiều về số lượng so với các TP du lịch khác trong cả nước. Tuy nhiên, thật đáng buồn khi nhiều sản phẩm cái cũ nhạt nhòa còn cái mới không có dấu ấn để du khách lưu trú lâu hơn.
Đơn cử, phố đi bộ Bùi Viện được kỳ vọng tạo thêm không gian cho khách du lịch, nhưng rốt cục chỉ là con phố ăn nhậu, ồn ào, thậm chí gây gổ nhau làm mất đi hình ảnh của một TP du lịch thân thiện và hiếu khách. Hay những con phố chuyên doanh đông y hay phố vàng bạc từng ồn ào lúc hình thành, nay vắng bóng khách du lịch.
Tuyến đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng vắng hoe. Các lễ hội ẩm thực năm nào cũng vậy, thiếu sáng tạo và mới mẻ…
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, cho rằng: “TPHCM phải có chợ đêm và phố đi bộ du lịch đúng nghĩa, phải là trung tâm quà tặng và ẩm thực đặc thù của Việt Nam. TP phải tiên phong đoạn tuyệt những lễ hội hào nhoáng, những tổng kết hả hê với lượng khách khổng lồ nhưng doanh thu cò con. Những ngày hội du lịch phải dành giới thiệu sản phẩm du lịch của TP không phải giới thiệu sản phẩm cho địa phương và các nước khác”.
Chưa thể “móc”hầu bao du khách
Chưa thể “móc”hầu bao du khách
Nếu TPHCM vẫn làm du lịch theo kiểu “bình mới rượu cũ”, sẽ rất khó kéo chân du khách. |
Tìm lại những con số thống kê, năm 2017 số tiền khách quốc tế chi tiêu khi đến TPHCM vào khoảng 145USD/người, so với 133USD/ngày của năm 2013. Như vậy sau khoảng 4 năm chi tiêu, bình quân của khách quốc tế đến TP chỉ tăng 12USD, một con số hết sức khiêm tốn và đáng lưu tâm. Thực tế này cũng chỉ ra rằng, TPHCM đang thiếu các điểm mua sắm, vui chơi cho du khách.
Đơn cử chợ Bến Thành, điểm tham quan mua sắm nổi tiếng bất cứ du khách trong và ngoài nước khi đến TPHCM cũng muốn đến. Thế nhưng, hàng hóa nơi đây ngày càng thiếu đặc sắc, hàng giả, nhái tràn lan, tiểu thương vô tư hét giá, chặt chém du khách.
Là khu chợ điển hình nhưng vẫn thiếu quy hoạch cần thiết để hình thành nên bộ mặt du lịch cho TP. Một trung tâm mua sắm cũng thường được khách du lịch ghé tới là Saigon Square cũng trong tình trạng tương tự, hàng nhái, hàng giả chặt chém không thương tiếc du khách. Còn các trung tâm mua sắm cao cấp chủ yếu là người Việt đến, còn du khách nước ngoài không mặn mà do sản phẩm nghèo nàn.
Mua sắm nghèo nàn, chỗ vui chơi giải trí cũng thiếu trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp du lịch trong các hội thảo, hội nghị bàn về việc phát triển du lịch TPHCM, đã nhấn mạnh đến việc phải phát triển kinh tế đêm để du khách có nơi vui chơi và chi tiêu.
Nhưng nay mọi thứ vẫn đang dậm chân tại chỗ. Ngoài phố đi bộ Bùi Viện chủ yếu là ăn nhậu, khách Việt đông hơn khách Tây, TPHCM chưa có hoạt động đêm nào đáng chú ý. Cũng có những quán bar sang trọng trên những tòa nhà, khách sạn 5 sao nhưng không phải du khách nào cũng có thể vào đó.
Chợ đêm được xem là mỏ vàng của nhiều quốc gia trong khai thác du lịch, còn TP không có khu chợ đêm đúng nghĩa nào. Du lịch ẩm thực tưởng như là thế mạnh vì TP quy tụ rất nhiều nét ẩm thực đặc sắc cũng không thể phát huy, nhất là vào ban đêm. Buộc khách đi ngủ sớm là điều đáng tiếc trong khi nhu cầu của khách là trải nghiệm và vui chơi.
Theo một nghiên cứu của Ernst & Young (E&Y), ngành công nghiệp về đêm đóng góp khoảng 6% GDP của nước Anh với quy mô xấp xỉ 66 tỷ bảng Anh, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm. Hay như chỉ 3 tháng sau khi chính quyền TP Bắc Kinh (Trung Quốc) triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ hoạt động kinh doanh của 16 chợ đêm và các cửa hàng tiện lợi 24/7 ban đêm tại 10 con phố, doanh số tại các cửa hàng trên những con phố đi bộ như Wangfujing, Qianmen, Xidan... đã tăng trên 50%.
Việc phát triển kinh tế đêm đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quan tâm, yêu cầu các bộ, ngành địa phương nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển. Nhất là với TPHCM thu hút đến 50% lượng khách du lịch quốc tế so với cả nước càng phải nhanh chóng tính đến bài toán kinh tế đêm.
Về những lo ngại tính hai mặt khi phát triển kinh tế đêm, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng tròn Việt, cho rằng: “Việc phát triển kinh tế ban đêm sẽ khó tránh khỏi phát sinh những vấn đề về an ninh trật tự hay tệ nạn không mong muốn khác. Song theo tôi cần đặt lên bàn cân để thấy rằng lợi ích thu được từ phát triển kinh tế đêm không nhỏ, từ đó chính quyền các TP du lịch phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn”.
Cần cú bật cho du lịch TP
Cần cú bật cho du lịch TP
TPHCM phải chuyển hướng mạnh mẽ, thực sự quan tâm đến hiệu quả doanh thu trên mỗi đầu khách, trên mỗi ngày lưu trú, đặc biệt là số lần khách quay trở lại. |
Bởi xu hướng du lịch của du khách, nhất là du khách quốc tế đang có nhiều thay đổi, họ thích du lịch trải nghiệm. Nếu điểm đến đó có nhiều trải nghiệm hấp dẫn họ sẽ lưu trú lâu hơn, sẽ quay trở lại và giới thiệu cho nhiều du khách khác thông qua web đánh giá điểm đến.
Song hành với các sản phẩm du lịch, môi trường an toàn và thân thiện hết sức quan trọng với du khách. Tuy nhiên, cho đến nay tình trạng chèo kéo, chặt chém du khách của những người bán hàng, các hãng taxi dù vẫn diễn ra hết sức ngang nhiên.
Theo báo cáo của Sở Du lịch TP, trong 9 tháng năm 2019, lực lượng trật tự du lịch TP đã tiếp nhận và giải quyết 3.661 vụ taxi, xích lô, hàng rong, ăn xin chèo kéo, đeo bám du khách, dù giảm 3.173 vụ so với cùng kỳ năm 2018, nhưng mức độ ngày càng tăng.
Những vụ việc này ngành du lịch không thể tự giải quyết nhưng nếu thiếu sự tham mưu và phối hợp với các sở ngành, quận huyện, đây có thể trở thành lý do không nhỏ để khách du lịch ngán ngại khi chọn điểm đến là TPHCM.
Hy vọng trong chiến lược phát triển du lịch tầm nhìn đến năm 2030, ngành du lịch TP sẽ có những bước đột phá thực sự về sản phẩm, để điểm đến TPHCM hấp dẫn trong mắt du khách trong và ngoài nước, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Chúng ta cũng cần học hỏi những kinh nghiệm thành công trong du lịch của nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới nhằm hoàn thiện mình và xứng đáng là một trong những điểm đến hấp dẫn khu vực châu Á.