Dự trữ ngoại hối: “Tấm đệm” điều hành tỷ giá

(ĐTTCO) - Các năm qua, dự trữ ngoại hối (DTNH) liên tiếp đạt mức kỷ lục mới và nguồn này đang trở thành “tấm đệm” tốt để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành linh hoạt tỷ giá trong 2 năm qua.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Dư địa cho gói hỗ trợ 
Tại hội thảo diễn ra mới đây, đề cập đến DTNH, TS. Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định so với các nước trong khu vực có thu nhập trung bình cao như Thái Lan, Philippines, Indonesia, trong 2 năm bị dịch Covid-19 Việt Nam chưa phải dùng đến DTNH để hỗ trợ kinh tế hay chống dịch.
Đây là dư địa chính sách để có gói hỗ trợ cho năm 2022 không làm xói mòn ổn định kinh tế vĩ mô. Không những vậy, trong thời gian này NHNN còn bổ sung lượng ngoại tệ rất lớn vào DTNH. 
Năm 2019 khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, lượng ngoại hối NHNN mua vào khoảng 20 tỷ USD, đưa DTNH lên gần 80 tỷ USD, tương đương 3,8 tháng nhập khẩu và khoảng 6% GDP. Đến năm 2020, tốc độ này vẫn được giữ vững. DTNH đã tăng thêm 21 tỷ USD và chạm mốc 100 tỷ USD, tương đương 4 tháng nhập khẩu. 
Bước sang năm 2021, do phải chứng minh với Mỹ, Việt Nam không thao túng tiền tệ, NHNN đã bất ngờ thay đổi chính sách trong ngày giao dịch cuối cùng của năm, từ mua giao ngay USD sang mua giao kỳ hạn 6 tháng có hủy ngang. Điều này làm chậm lại việc tăng DTNH nói chung, đặc biệt là USD. 
Đến tháng 4, Mỹ khẳng định Việt Nam không thao túng tỷ giá theo Đạo luật 1988. Sau đó, NHNN đã điều chỉnh chính sách, trở lại mua ngoại tệ giao ngay từ sau tháng 6. Diễn biến này khiến DTNH của Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục mới. Báo cáo vĩ mô tháng 11 của CTCK BIDV (BSC) cho biết, giá trị DTNH Việt Nam đã đạt 107 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và tăng 2 tỷ USD so với mức 105 tỷ USD của tháng 10.
Việc mua lượng ngoại tệ lớn đồng nghĩa NHNN phải bơm ra lượng tiền lớn vào nền kinh tế. Thống kê của CTCK SSI cho thấy, hồi tháng 8 NHNN đã bơm gần 120.000 tỷ đồng qua kênh đáo hạn ngoại tệ của các giao dịch kỳ hạn thực hiện trước đó. Và sau khi trở lại mua ngoại tệ giao ngay, trong 3 tuần đầu tháng 11, lượng VNĐ được bơm ra thị trường thông qua kênh mua ngoại tệ từ NHTM lên tới hơn 60.000 tỷ đồng. 
Trong điều kiện bình thường, khi mua nhiều ngoại tệ bơm nhiều tiền đồng ra thị trường, nếu không điều hòa dòng tiền ra vào hợp lý sẽ tạo áp lực cung tiền, tiềm ẩn nguy cơ về lạm phát. Nhưng lạm phát năm 2021 ở mức thấp đã ủng hộ chính sách của NHNN.
Đồng thời, động thái của NHNN không gây áp lực cho nền kinh tế. Thanh khoản hệ thống được đảm bảo trong bối cảnh tiền gửi từ khu vực dân cư nối dài xu hướng sụt giảm. Mặt bằng lãi suất liên NH các kỳ hạn chủ chốt qua đêm, 1 tuần, 2 tuần luôn duy trì ở mức dưới 1%/năm, kể cả ở thời điểm tín dụng đang bật tăng mạnh hiện nay.

Tấm đệm điều hành tỷ giá
DTNH trong đại dịch tăng mạnh phải kể tới những yếu tố thuận lợi, như cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng thặng dư 225 triệu USD; vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện 11 tháng ước đạt 17,1 tỷ USD; lượng kiều hối đổ về Việt Nam cũng cao kỷ lục (riêng TPHCM, lượng kiều hối chuyển về trong 11 tháng ước đạt 6,2 tỷ USD).
DTNH tăng mạnh giúp Việt Nam cải thiện vị thế trên thế giới, đáp ứng khả năng trả nợ, củng cố mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia, thu hút đầu tư nước ngoài. Trong nước, sau khi đạt được mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế, DTNH tăng mạnh giúp làm tăng niềm tin của người dân vào VNĐ, khai mở nguồn lực vốn mới từ việc chuyển đổi từ đồng USD sang VNĐ để đầu tư sản xuất kinh doanh. 
Bên cạnh đó, NHNN có thể chủ động trong điều hành tỷ giá, chủ động ứng phó với những biến động trên thị trường. Đơn cử, tỷ giá USD/VNĐ đã nối dài chuỗi trượt giảm từ đầu năm đến giữa tháng 11, sau đó bất ngờ biến động mạnh trong khoảng 1 tháng qua.
Nếu ngày 12-11 tỷ giá tại NHTM xuống mức 22.645 đồng/USD, thấp nhất kể từ năm 2017, thì hiện tại giao dịch ở mức 23.145 đồng/USD, tương đương tăng 2,2%. Đáng chú ý, trong phiên 7-12, tỷ giá tại các NHTM đã tăng đến 270 đồng, tái lập lại mốc 23.000 đồng/USD. 
Dù vậy, biến động này đã nhanh chóng được áp đảo. Đến ngày 8-12, giá bán USD các NHTM đã hạ nhiệt, giảm xuống 23.185-23.200 đồng/USD, do sự can thiệp của NHNN. Cụ thể, giá bán USD tại Sở Giao dịch NHNN ngày 8-12 được điều chỉnh giảm 706 đồng, từ 23.856 đồng/USD xuống 23.150 đồng/USD, trong khi giá mua vẫn ở mức 22.650 đồng/USD. Điều này phản ánh thông điệp sẵn sàng tạo cung với giá thấp cho thị trường. 
So với những năm trước, lần này NHNN can thiệp rất nhanh chóng nhờ vào tấm đệm DTNH vững chắc. Tỷ giá tại các NHTM vẫn tiếp tục bám chắc mốc trên 23.000 đồng cho đến nay, do nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa gia tăng dịp cuối năm. NHNN vẫn tiếp tục duy trì giá bán 23.150 đồng/USD để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Như vậy, VNĐ là một trong số ít đồng tiền tăng giá so với USD trong năm nay. Tính tới ngày 3-12, VNĐ đang tăng giá 1,32% so với cuối năm 2020, trong khi chỉ số Dollar Index tăng 6,78%.
Dẫu vậy, lợi thế này có thể sẽ đối mặt thách thức khi xu hướng của các nền kinh tế là thu hẹp chính sách tiền tệ và điều chỉnh lãi suất. Cụ thể, trong năm 2022 với khả năng đồng USD tiếp tục tăng do Fed dừng bơm tiền và bắt đầu tăng lãi suất điều hành, sẽ tạo áp lực khiến VNĐ giảm giá trở lại. Khi đó, dù DTNH cao nhưng để không mất giá VNĐ, các NH sẽ phải điều chỉnh lãi suất. 
 DTNH tăng mạnh giúp NHNN chủ động trong điều hành tỷ giá, ứng phó với những biến động trên thị trường.

Các tin khác