Mở rộng thị trường, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc
Trong bức tranh kinh tế màu xám trước áp lực lạm phát gia tăng, số liệu xuất khẩu từ thống kê trong báo cáo của Bộ Công Thương về lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm, thủy sản mới đây có thể xem là điểm sáng của kinh tế. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu của nhóm ngành này ước đạt 13,08 tỷ USD, tăng tới 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 8,55% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành động lực trong xuất khẩu chung của cả nước. Trong đó, xuất khẩu thủy sản, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn có mức tăng trưởng cao, đạt 636 triệu USD, tăng 13,3% so với tháng trước và tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 47,7%). Riêng về xuất khẩu gạo, kim ngạch trong tháng 5 đạt 386 triệu USD, tăng 39,9% so với tháng trước, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ giảm 17,2%).
Theo bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), căng thẳng và xung đột Nga - Ukraine có thể là cơ hội để nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Anh. Đơn cử, Ukraine cung ứng lúa mì cho Anh, khi xung đột xảy ra Anh có thể chuyển hướng sang nhập nông sản từ một số thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để gạo Việt Nam thâm nhập sâu rộng vào thị trường Anh. Bên cạnh thị trường Anh, EU cũng là thị trường tiềm năng cho gạo Việt.
Hiện tại, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo Việt Nam, chiếm 44,7% trong tổng lượng và chiếm 42,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc, chiếm trên 11,9% trong tổng lượng và chiếm 12,4% trong tổng kim ngạch. Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam, chiếm 12,1% trong tổng lượng và chiếm 10,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước. Song theo ý kiến một số chuyên gia lương thực, cơ cấu xuất khẩu này sẽ có sự dịch chuyển và thay đổi trong thời gian tới. Đó là gạo Việt Nam sẽ lấn sân sang các thị trường khác như Anh, EU, Hoa Kỳ - vốn dĩ trước đây có những rào cản kỹ thuật ngặt nghèo gạo Việt chưa thể tiếp cận sâu. Điều này cũng đồng nghĩa một số thị trường lâu nay đang nhập khẩu số lượng lớn gạo Việt không còn là vị thế độc tôn (như Trung Quốc), từ đó sẽ giảm thiểu những rủi ro thị trường cho DN xuất khẩu gạo Việt Nam.
Tái cơ cấu theo chiều sâu
Theo ông Lương Phước Vinh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Tentamus, nhu cầu lương thực của châu Âu hiện đang rất lớn, là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Tiêu chuẩn thị trường này đưa ra cũng không quá gắt gao. Điều quan trọng là DN cần hiểu được bản chất và yêu cầu, tổ chức lại sản xuất để đáp ứng nhu cầu từ thị trường này. Các đối tác châu Âu cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu khi các tiêu chuẩn được đáp ứng nhất định, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu lương thực đang tăng cao hiện nay.
Thực tế, câu chuyện tái cơ cấu ngành lương thực (chủ yếu trồng lúa và xuất khẩu gạo) của Việt Nam không phải là mới, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã được triển khai từ năm 2016, với mục tiêu tổng quát nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh lúa gạo làm cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững và tham gia hiệu quả vào thị trường toàn cầu.
Khi đó, nhiều chỉ tiêu được đặt ra cho mốc năm 2020, như đảm bảo lợi nhuận người trồng lúa hàng hóa đạt từ 30% tổng thu trở lên; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm trên 75% diện tích tại vùng chuyên canh của ĐBSCL. Tại các vùng chuyên canh, diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn chiếm 20% trở lên. Diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt từ 50% diện tích gieo trồng trở lên, giảm 30% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật so với ban đầu, giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 8% và 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam...
Tuy nhiên, đến nay dù đã 6 năm trôi qua, nhiều chỉ tiêu quan trọng vẫn chưa đạt được. Đơn cử, trong khi một số chỉ tiêu như đảm bảo an ninh lương thực, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu có thể đạt được khá dễ dàng, một số chỉ tiêu như nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.
Một vấn đề nhức nhối nhất hiện nay trong đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, là việc quy hoạch sử dụng đất lúa của từng vùng đã quy hoạch nhưng thực thi không triệt để. Nhiều diện tích được quy hoạch trồng lúa đã lần lượt bị xâm lấn bởi các cơn sốt bất động sản. Thêm vào đó, tổ chức sản xuất thiếu tính bền vững, diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa theo mô hình cánh đồng lớn mới đạt khoảng 500.000ha. Phần lớn tiêu thụ lúa nguyên liệu dựa vào đội ngũ thương lái với giá cả bấp bênh, tiềm ẩn rủi ro cao. Chất lượng gạo không đồng đều, ảnh hưởng đến giá trị và uy tín khi xuất khẩu.
Theo PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, về cơ bản đến nay vấn đề an ninh lương thực Việt Nam đã được đảm bảo. Mục tiêu thời gian tới là nâng cao giá trị xuất khẩu bằng chất lượng và thương hiệu, không phải về sản lượng. Muốn tái cơ cấu ngành lúa gạo hiệu quả cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như thể chế và chính sách, phát triển khoa học công nghệ và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng… Những bất ổn của thị trường lương thực thế giới là điều không ai mong muốn, song có thể đây sẽ là cơ hội để Việt Nam nhìn rõ hơn vai trò của ngành lương thực và là động lực để tái cơ cấu theo hướng bền vững.
Những bất ổn của thị trường lương thực toàn cầu là điều không mong muốn. Song đây là cơ hội để ngành xuất khẩu gạo khẳng định lại vị thế trên thị trường thế giới, đồng thời tái cơ cấu toàn diện ngành lương thực hướng đến đa giá trị và bền vững. |