Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 13/7 cho biết, hiện vẫn chưa chắc chắn liệu các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ đạt được thỏa thuận về Quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tuần này hay không, giữa bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia có xu hướng tiết kiệm bày tỏ sự phản đối với kế hoạch này.
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU vào ngày 17/7, Thủ tướng Merkel nêu rõ: “Con đường mà chúng ta phải bước đi vẫn còn nhiều rào cản và tôi không biết liệu chúng ta có đạt được thỏa thuận hay không, bởi nhiệm vụ này rất nặng nề và phản ứng của các nước cũng phải đặc biệt mạnh mẽ để thể hiện rõ ràng rằng châu Âu muốn bảo vệ nhau trong thời điểm khó khăn hiện nay."
Quỹ phục hồi từ đại dịch COVID-19 được Ủy ban châu Âu (EC) chính thức đưa ra với sự khởi xướng của Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Đại dịch COVID-19 đã đẩy EU rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, do đó đề xuất này Chủ tịch EC Ursula von der Leyen sẽ hỗ trợ các nước bị tác động mạnh nhất.
Nếu được thông qua, đây là sẽ là gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử EU và sẽ bao gồm các biện pháp đánh thuế sâu rộng đối với các mặt hàng nhựa, khí thải carbon và các hãng công nghệ lớn.
Tuy nhiên, các quốc gia thành viên Bắc Âu gồm Hà Lan, Áo, Đan Mạch và Thụy Điển lại có xu hướng hạn chế chi tiêu. Họ đề xuất đưa ra các khoản vay với các điều kiện chặt chẽ kèm theo, thay vì các khoản hỗ trợ.