“Ác mộng”
Khách quan mà nói, ngay sau khi đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất được tạm thời kiểm soát, việc kích cầu du lịch nội địa để đưa đời sống người dân và nhịp sống kinh tế - xã hội vào trạng thái bình thường mới là cần thiết. Điều này cũng đã phát huy được những hiệu ứng tích cực bước đầu.
Dòng du khách nội địa đông dần, nối bước nhau đến các điểm vui chơi giải trí. Các phố phường đông đúc, dù chưa được “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, nhưng theo phản ứng dây chuyền “đắt hàng tôi, trôi hàng bà”, những cánh bay xuôi ngược; những chuyến xe được chở đủ người; đường phố nhộn nhịp; hàng quán kín chỗ; trẻ nhỏ hớn hở sau khi mãn khóa được cùng cha mẹ vào Nam ra Bắc đã cho thấy phần lớn bộ mặt xã hội dần tươi tắn trở lại.
3 trụ cột của nền kinh tế cũng đã phát đi tín hiệu lạc quan. Nông nghiệp xuất siêu, thương mại thặng dư và giải ngân vốn đầu tư tăng cao nhất trong 5 năm qua. Chớp thời cơ mới, chương trình “kích cầu du lịch” với sự chung tay của chính quyền, địa phương và các doanh nghiệp (DN) đã tạo sức hút riêng biệt cho các điểm đến hàng đầu, đã chứng tỏ tính năng động của đội quân tác chiến chủ lực - cộng đồng các DN du lịch trong nước.
Nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác. Đại dịch Covid-19 tái phát, ẩn chứa nhiều yếu tố khó lường cả về phạm vi ảnh hưởng, tốc độ lây lan và thời gian hoành hành, tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ còn lại 5 tháng cuối năm. Ngành du lịch chẳng những không ngoài vòng cương tỏa mà còn bị chịu tác động nặng nề có tính dây chuyền.
Có thể nói, dịch Covid-19 quay trở lại là ác mộng đối với ngành du lịch. Những hợp đồng bị hủy. Những chuyến đi bị bỏ dở. Tiền đặt cọc không hoàn trả đầy đủ, khách thiệt mà DN du lịch cũng chịu trận.
Các cơ sở lưu trú, nhà hàng lại đóng cửa. Các bãi biển cũng lại vắng. Những tụ điểm thu hút du lịch quốc tế ở Hà Nội, TPHCM đang hy vọng thì lại phòng lạnh, rèm buông, tắt ánh đèn.
Tình hình ở Đà Nẵng, Quảng Nam còn bi đát hơn. Ngoài những thiệt thòi vật chất, phát sinh nhiều chi phí bất thường còn bị tai tiếng vì những tốp khách “không mời mà đến”. Các ngành dịch vụ nương theo hoạt động du lịch cũng bị vạ lây. Tàu xe thừa chỗ. Khách lưu trú vạ vật, chen chúc nhanh thoát khỏi ổ dịch và sau đó còn chịu tầm soát bệnh tật, cách ly bắt buộc.
Chỉ riêng tại Hà Nội, tính từ ngày 27-7 đến 4-8 (thời điểm dịch tái phát), đã có hơn 30.000 du khách của 33 DN lữ hành tại Hà Nội hủy tour du lịch nội địa. Tại một số điểm du lịch, lượng khách giảm từ 20-60% so với trước khi dịch tái phát ở Đà Nẵng. Hội chợ Du lịch quốc tế (VTTM Hà Nội 2020) đã tạm dừng, nhiều chương trình kích cầu du lịch sắp tung ra cũng chung số phận.
Giữ nội lực nền kinh tế
Giữ nội lực nền kinh tế
Tái phát Covid-19 ngành kinh tế nào cũng khó, hoạt động nào cũng bị hứng bão tiêu cực, song có lẽ lu lịch bị va đập nhiều nhất, khó xoay sở nhất khi mà hoạt động vui chơi, giải trí, thăm thú cảnh quan, giao lưu nghệ thuật, thưởng ngoạn ẩm thực… đều cần có nhiều người, tiếp xúc gần, không gian rộng, tần suất cao. |
Nhưng cũng cần phải quán triệt phương châm phát triển du lịch theo hướng bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trước mắt, phải khắc phục được những khó khăn từ dịch bệnh, đồng thời chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, nghiệp vụ kỹ thuật, nguồn nhân lực để bứt tốc khi có điều kiện. Mỗi địa phương, đơn vị cần đầu tư chuyên sâu để khai thác những giá trị khác biệt, tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, sản phẩm mới.
Trong hoàn cảnh phải buộc đình hoãn các hoạt động du lịch, cần chỉnh trang bảo dưỡng cơ sở vật chất, kỹ thuật, “giữ chân” đội ngũ nhân lực nghiệp vụ, những tay nghề nòng cốt. Tăng cường tuyên truyền kết hợp các biện pháp y tế, phòng dịch để trấn an tâm lý cho du khách sẵn sàng quay lại với du lịch.
Bên cạnh đó, cùng với kích cầu du lịch nội địa với du lịch quốc tế trên cơ sở nguồn lực phục vụ dồi dào, chất lượng cao, phương thức văn minh, kết hợp mọi loại hình tổ chức tham gia du lịch, từ các DN lớn, cơ sở vật chất hiện đại, cao cấp đến du lịch hộ gia đình, điều kiện khiêm tốn, phương thức bình dân… nhưng đều đảm bảo vệ sinh, an toàn, quyền lợi, chất lượng dịch vụ du khách trên mọi cung đường, các địa điểm lưu trú, trong từng phương tiện vận tải, với chi phí hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa du khách với DN.
Đặc biệt, để cứu ngành du lịch, Chính phủ nên tiếp tục dùng các giải pháp về tài chính – tiền tệ thông qua các gói cứu trợ từ Nhà nước, giãn và hoãn các nghĩa vụ đóng góp, hỗ trợ việc quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu.
Vấn đề đặt ra lúc này là không để nền kinh tế bị đứt gãy, vai trò đầu tàu của các trung tâm kinh tế của quốc gia bị suy suyển. Chỉ khi giữ được nội lực nền kinh tế nói chung và ngành du lịch trong lúc này, thì giai đoạn “hậu” Covid-19 mới có thể nhanh chóng phục hồi.