Với việc thu về hàng tỷ USD từ việc bán cổ phần trong năm, Việt Nam đã trở thành thị trường IPO lớn hàng đầu ở Đông Nam Á sau Singapore và Malaysia.
Nhớ lại ngày cuối cùng của tháng 8-2016, tại buổi họp báo thường kỳ, đề cập đến vấn đề thoái vốn nhà nước, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã dẫn lời Thủ tướng nói "Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa. Những lĩnh vực đó Chính phủ và ngân sách nhà nước không cần nắm giữ. Tư nhân làm tốt hơn thì để cho tư nhân làm, còn Nhà nước dành tiền đầu tư những dự án then chốt, có sự quyết định tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế của đất nước”.
Và theo chỉ đạo của Thủ tướng, Habeco và Sabeco phải niêm yết và bán cho các nhà đầu tư theo phương án đấu giá trên thị trường chứng khoán, không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài. Dựa trên tư vấn để đưa ra một giá khởi điểm đấu thầu công khai, minh bạch với sự giám sát của người dân. Chỉ cần làm sao vẫn giữ được thương hiệu, làm sao thu được lợi ích cao nhất, hiệu quả cao nhất cho Nhà nước để cho thấy rằng đồng tiền được sử dụng hiệu quả, minh bạch và người dân được hưởng lợi nhiều nhất.
Thực tế, tư duy về giữ thương hiệu chủ yếu tồn tại ở các nước châu Á và đã lỗi thời. Không nên quá đặt nặng vấn đề giữ thương hiệu Việt cho người Việt, mà quan trọng là hiệu quả kinh tế và đóng góp gì cho sự phát triển của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Về bản chất, quan niệm chung trên thế giới cho rằng doanh nghiệp là tài sản để kinh doanh, kiếm lời. Vì vậy, nên nhìn đúng bản chất của thị trường.
Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp nội là bình thường, quan trọng là làm sao để người tiêu dùng hưởng lợi nhiều nhất. Nên bỏ tư duy bán đi là mất hoặc thâu tóm sẽ giành thế độc quyền bởi nếu có môi trường tốt sẽ xuất hiện nhiều công ty cạnh tranh và tạo nên nền kinh tế thị trường đa dạng.
Hiện nay kinh tế toàn cầu không đặt vấn đề thương hiệu quốc gia nữa mà là thương hiệu quốc gia ở tầm quốc tế. Ngay cả chiến lược thương hiệu quốc gia lấy tiêu chí chọn sản phẩm để đưa vào thương hiệu quốc gia cũng còn thiếu một tiêu chí, đó phải là thương hiệu có tầm đi ra thế giới. Trường hợp doanh nghiệp Thái làm chủ hoàn toàn 1 doanh nghiệp Việt, thương hiệu đó vẫn là thương hiệu Việt, cơ chế tài chính vẫn giữ và đa cổ đông, thị trường tiêu thụ chính vẫn là Việt Nam.
Thương hiệu có sức sống riêng, việc giữ hay xóa bỏ một thương hiệu sau mua bán sáp nhập không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chủ doanh nghiệp mà căn cứ vào phản ứng của người tiêu dùng, người tiêu dùng còn ưa chuộng thì sẽ còn sống. Hy vọng sau khi thoái vốn, với sự trợ giúp lớn hơn về vốn, công nghệ, quản trị, chiến lược từ những nhà đầu tư ngoại, Vinamilk hay Sabeco sẽ vươn ra đấu trường quốc tế mạnh mẽ hơn.
Tinh thần - sự quyết liệt của Thủ tướng cũng như hành động cụ thể, cứng rắn từ các bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp có liên quan sẽ làm quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước diễn ra nhanh, mạnh, hiệu quả hơn. Hay nói cách khác, ngoại trừ những lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ, quá trình tư nhân hóa sẽ cần được giải quyết triệt để, nền kinh tế mới tìm thấy động lực để phát triển mạnh mẽ.