Đường đi của thực phẩm "3 không"

Đã thành quy luật, khi các lực lượng chức năng tăng cường ra quân kiểm soát thì tình hình buôn lậu lại nóng bỏng hơn. Bởi lẽ, càng bị bắt giữ nhiều, hàng lậu càng khan, thì giá cả các mặt hàng lại tăng chóng mặt. Vì lợi nhuận, các đối tượng buôn lậu tiếp tục tìm mọi cách để gom hàng, tuồn thực phẩm "bẩn" vào nội địa, trong đó có Hà Nội để tiêu thụ.

(ĐTTCO) - Cứ mỗi khi Tết đến xuân về, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) lại "nóng" lên. "Mục sở thị" đường đi của thực phẩm "bẩn" từ nơi sản xuất đến bàn ăn để thấy rằng các lực lượng chức năng đã rất nỗ lực, công tác kiểm soát ATTP đã có chuyển biến mạnh mẽ, nhưng để đạt được kỳ vọng của người dân, cần thiết phải có nhiều giải pháp đồng bộ hơn.

Đã thành quy luật, khi các lực lượng chức năng tăng cường ra quân kiểm soát thì tình hình buôn lậu lại nóng bỏng hơn. Bởi lẽ, càng bị bắt giữ nhiều, hàng lậu càng khan, thì giá cả các mặt hàng lại tăng chóng mặt. Vì lợi nhuận, các đối tượng buôn lậu tiếp tục tìm mọi cách để gom hàng, tuồn thực phẩm "bẩn" vào nội địa, trong đó có Hà Nội để tiêu thụ.

Đường đi của thực phẩm "3 không" ảnh 1

 Ngày 1-12-2015, cơ quan chức năng thu giữ một vụ vận chuyển thịt lợn không có nguồn gốc về tiêu thụ tại Hà Nội.

Hàng "bẩn" từ mọi ngả đường

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai vào những ngày cuối năm tấp nập những chiếc xe trọng tải lớn từ mọi ngả đổ về. Lẫn trong đoàn xe ấy là những chiếc xe bán tải loại nhỏ, thậm chí cả xe máy, xe thồ chở những bao tải hàng được đóng kín lao rất nhanh về các bến xe của thành phố Lào Cai. Hầu hết đó là hàng vận chuyển không chính ngạch, được thu mua trôi nổi trên thị trường, gom lại và chờ vận chuyển về xuôi. Hải, một thợ nề chuyển sang làm nghề cửu vạn đã vài năm nay ở cửa khẩu cho biết: "Tết gần đến nên làm không hết việc, ban ngày thì làm bốc vác, thậm chí chở hàng thuê bằng xe máy, ban đêm thì rủ nhau đi cõng vác hàng thuê". Trừ tiền ăn dọc đường, tiền trả vì đi qua ruộng nương bên Trung Quốc và Việt Nam, một đêm Hải và mỗi người dân khu vực giáp biên kiếm được từ một đến hai triệu đồng. Hàng hóa mà Hải vác đủ loại, từ quần áo, vải vóc, hàng điện tử nhưng gần Tết nhiều nhất vẫn là bánh mứt, hạt hướng dương và thực phẩm như thịt bò, tim cật, gà chế biến sẵn...

Điểm nóng khác của Lào Cai chính là km6 trên quốc lộ 70 (phường Phố Mới). Vào ban ngày, điểm buôn lậu này rất vắng vẻ. Nhưng đằng sau vẻ yên bình của dòng sông Nậm Thi chỉ rộng chừng vài chục mét có những chỗ nước cạn, có thể lội qua được là hoạt động vận chuyển hàng lậu nhộn nhịp. "Hàng lậu được đưa về Việt Nam gồm có quần áo, giày dép, thuốc lá, tân dược, gà, vịt, thịt lợn, nội tạng động vật", một kiểm soát viên thuộc Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lào Cai cho biết.

Ngoài hai điểm nóng trên thì khu vực Bản Quẩn, Nậm Sò (xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng), khu vục xã Na Lốc (huyện Mường Khương), khu vực xã Quang Kim và Cửa khẩu phụ Bản Vược (huyện Bát Xát)... là những điểm quan trọng mà tội phạm vận chuyển hàng lậu nói chung và hàng thực phẩm lậu nói riêng hoạt động. Anh Nguyễn Văn Hà, cán bộ thuộc Đội Cơ động - Chi cục QLTT Lào Cai kể, hầu hết các nhóm đối tượng gùi cõng hàng lậu khi bị kiểm tra đều lợi dụng đêm tối bỏ chạy qua biên giới hoặc có những tội phạm ngang ngược, bất chấp hơn, sẵn sàng chống đối người thi hành công vụ. Thủ đoạn của tội phạm buôn lậu cũng vô cùng tinh vi, hiệp đồng giữa các đầu mối chặt chẽ. Cửu vạn không chỉ ngang nhiên vận chuyển hàng lậu vượt sông mà chúng còn muôn hình vạn trạng khác để hòng qua mặt lực lượng chức năng, như giấu hàng trong xe chở đá thạch cao, bọc thực phẩm lậu vào túi nilon buộc chặt rồi dùng thuyền máy kéo chìm qua sông. Liều lĩnh hơn, các đối tượng còn gia cố hầm xe khách để cất giấu hàng hóa không có chứng từ hợp lệ, chờ thời điểm thuận lợi tuồn hàng vào sâu nội địa.

Theo chân Đội Cơ động thuộc Chi cục QLTT Lào Cai đi làm nhiệm vụ mới thấy địa bàn hoạt động của tội phạm vận chuyển thực phẩm lậu rất rộng và trải dài trên 200km đường biên. Đội trưởng Đội Cơ động Nguyễn Quang Hiểu nói: "Do nhu cầu tiêu thụ tăng đột biến dịp cuối năm nên tình hình buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng thực phẩm qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai cũng gia tăng và có chiều hướng phức tạp. Liên tục trong những ngày gần đây, chúng tôi bắt giữ một khối lượng lớn xúc xích bẩn, gà thải loại và nội tạng động vật thối lưu thông trên địa bàn. Xúc xích và gà thải loại đều có nguồn gốc buôn lậu từ Trung Quốc, qua biên giới, rồi được chở về xuôi để tiêu thụ; còn nội tạng động vật thối thì lại chở ngược sang Trung Quốc, qua xử lý bằng hóa chất rồi lại nhập ngược về Việt Nam".

Thực phẩm "bẩn" tuồn vào Hà Nội từ phía Lào Cai bao gồm cả đường bộ và đường sắt. Theo báo cáo của Đội QLTT số 1 (Chi cục QLTT Hà Nội), các đối tượng mua gom hàng tại chợ biên giới sau đó đóng bao mang về Hà Nội, thông thường được chuyển xuống các ga Bắc Ninh, Yên Viên, Long Biên. Ngoài ra, đối tượng vận chuyển thực phẩm "bẩn" còn đi bằng tuyến đường bộ Lạng Sơn - Hà Nội. Chúng thường hạ hàng hóa tại Bắc Ninh sau đó dùng xe thương binh ba bánh, xe bán tải loại nhỏ chuyển vào Hà Nội. Một tuyến đường bộ khác tuy ít thực phẩm "bẩn" hơn nhưng số lượng rượu, nước uống không nguồn gốc lại khá nhiều, đó là các tuyến xe khách và tàu hỏa từ Quảng Trị tới Hà Nội, hàng hóa thường tập kết tại ga Hà Nội, ga Giáp Bát.

Tràn lan thực phẩm "3 không"

Theo quy định của Bộ Y tế, thực phẩm khi bày bán phải đáp ứng nhiều tiêu chí vệ sinh. Tuy nhiên, tại nhiều chợ ở Hà Nội, thực phẩm "ba không" (không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không dấu kiểm dịch, không nguồn gốc xuất xứ) vẫn được bày bán tràn lan.

4h sáng, phóng viên có mặt ở chợ đầu mối Phùng Khoang (Nam Từ Liêm) và chứng kiến rất nhiều quầy bán nội tạng động vật không có dấu kiểm dịch. Hàng chục ki lô gam tim bò, tim lợn, lòng bò, gầu bò đông lạnh được chất đầy trên sạp hàng với giá rẻ chỉ bằng một nửa ở chợ dân sinh. Người bán hàng vừa bán vừa "nhòm ngó" để còn kịp… chạy. Khi chúng tôi ngỏ lời hỏi nguồn gốc của các loại tim lợn, tim bò này có yên tâm không, người bán hàng lập tức mắng xa xả: "Mua về làm hàng thì quan tâm làm gì, chủ yếu là có biết cách chế biến hay không, nhà tôi toàn nhập cho các nhà hàng đấy, không cần bán lẻ".

Không chỉ chợ Phùng Khoang mà chỉ cần bước vào bất cứ chợ nào tại Hà Nội, người mua dễ dàng bắt gặp những phản thịt lợn, bò, ngan, gà… đã qua giết mổ mà không hề có dấu kiểm dịch. Không chỉ có thực phẩm sống, các loại thực phẩm đã qua chế biến như cá thu, chân giò muối, giò, nem chua cũng không có nguồn gốc. Ghi nhận của phóng viên tại một số chợ như: Ngã Tư Sở, Dịch Vọng, Phương Mai... cho thấy, khi cơ quan chức năng ra quân kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, thậm chí xử phạt hành chính, các loại thực phẩm "ba không" bày bán tràn lan và công khai ở chợ trước đây giảm đáng kể. Nhưng chỉ vài ngày sau đợt ra quân, thực phẩm "ba không" lại được các chủ hộ kinh doanh đem ra bày bán la liệt. Trao đổi với phóng viên về việc thực phẩm không nhãn mác bày bán trên thị trường, một kiểm soát viên thuộc Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: Khi cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện những sản phẩm không nhãn mác bày bán, chủ các cửa hàng thường khai nhận đó đều là do nhà làm được, việc thu hồi những sản phẩm này rất khó khăn.

Theo báo cáo của Chi cục QLTT Hà Nội, trong năm 2015, các đội QLTT đã xử lý tới 1.273 vụ vi phạm về ATTP, trong đó số tiền phạt hành chính là 5,784 tỷ đồng, hàng hóa bị tịch thu, tiêu hủy có trị giá 2,717 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong hai tháng cuối năm 2015, lực lượng QLTT đã xử lý gần 300 vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; buộc tiêu hủy 1 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng trăm ki lô gam cá giống, bánh kẹo các loại, mỡ động vật, bim bim, chất tạo ngọt không nguồn gốc và trên 2 tấn thực phẩm không bảo đảm ATTP đã qua chế biến.

Tổng kết công tác ATTP trong năm 2015, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, lực lượng chức năng liên ngành đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát 137.992 lượt cơ sở, trong đó xử lý hành chính 10.125 cơ sở vi phạm ATTP, phạt 3.469 cơ sở với số tiền hơn 18 tỷ đồng. Ông Tụ nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm chưa rõ nguồn gốc và một số sản phẩm thực phẩm có hàm lượng phụ gia vượt ngưỡng cho phép, nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản chưa bảo đảm ATTP, tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm ATTP từ các địa phương khác vào Hà Nội còn diễn biến phức tạp.

Các tin khác