Đây là số vốn rất lớn, chiếm gần 1/4 GDP của Việt Nam hiện nay. Đáng lo ngại hơn, dự án này sẽ đẩy nợ công Việt Nam vượt trần, nhất là khi tính đến hết năm 2015, nợ công của Việt Nam đã vượt hơn 118 tỷ USD (bằng 61% GDP). Do đó, tiền đâu cho dự án tham vọng này vẫn là rào cản lớn nhất, trong khi hiệu quả dự án chưa rõ ràng.
Trong khi đó, Bộ GTVT đệ trình dự án đường sắt cao tốc trong bối cảnh cơ quan này cũng đã và sẽ đệ trình hay thực hiện nhiều dự án khủng khác, cái nào cũng lên đến hàng tỷ USD. Và ngoài Bộ GTVT, nhiều cơ quan trung ương và địa phương cũng đang có nhiều dự án to nhỏ khác nhân danh đầu tư phát triển, thúc đẩy kinh tế - xã hội, tăng trưởng GDP vùng, miền và cả nước... mà xem ra là không thể thiếu cái nào.
Có thể tham khảo kinh nghiệm từ trường hợp của dự án đường sắt cao tốc Kuala Lumpur - Singapore. Đây là tuyến đường sắt dài 350km có tổng vốn đầu tư ước tính 12-15 tỷ USD, dự kiến khởi công năm 2019 và hoàn thành năm 2026, nối Singapore với thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia trong hành trình 90 phút. Dự án này được công bố năm 2010, chính thức đồng ý triển khai năm 2013 và dự kiến hoàn thành năm 2026.
Tuy nhiên, đến tháng 6-2018, dự án có nguy cơ bị xóa bỏ, với lý do lợi ích không lớn trong khi chi phí lại quá lớn. Câu chuyện này cho thấy, đường sắt cao tốc hiện nay trên thế giới chủ yếu ở những nước có nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Đức, Pháp… hay nước có địa chính trị đặc thù như Trung Quốc với diện tích rộng, di chuyển dài buộc phải có đường sắt cao tốc.
Chúng ta cần có đường cao tốc, tuy nhiên yếu tố then chốt để xây dựng đường sắt cao tốc đất nước phải có nguồn lực, kinh tế phát triển đến mức độ nào đó mới làm. Thí dụ, với vốn ngân sách nhà nước (kể cả vốn từ khai thác giá trị đất) cần nghiên cứu có cơ chế chính sách, pháp luật chặt chẽ.
Về thu hút vốn tư nhân, cần xác định rõ tỷ trọng có thể huy động, tính khả thi trong điều kiện hiện nay. Trong khi đó, thời gian thực hiện dự án 30-40 năm quá dài nếu muốn kêu gọi đầu tư tư nhân. Điều có thể rút ra được ở đây là người có trách nhiệm và nặng lòng với đất nước không bao giờ muốn “vung tay quá trán”, nhìn xa hơn về những hậu quả có thể để lại cho thế hệ con cháu để sử dụng ngân sách hiệu quả nhất.
Việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc là điều cần thiết cho sự phát triển của một quốc gia, nhưng đó là câu chuyện còn xa thực tế. Điều cần thiết nhất phải làm hiện nay, là nghiên cứu thật kỹ trước khi đưa ra quyết định. Bởi thực tế từ trước đến nay không ít dự án đầu tư bị kéo dài thời gian và đội vốn, như các dự án metro Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), Bến Thành - Suối Tiên (TPHCM) đã chậm trễ bao nhiêu năm, đội vốn bao nhiêu lần, chất lượng đáng nghi ngại như thế nào…
Một trong những nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc nghiên cứu không kỹ. Những dự án này so với dự án đường sắt cao tốc chỉ “cỏn con” mà làm mãi chưa xong, bất chấp mọi quyết tâm với nỗ lực, với chỉ đạo sát sao, quyết liệt, thì tương lai của dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam quả thật đáng lo.