Trong khi Washington cho rằng hoạt động của tàu USS John S. McCain phù hợp với luật pháp quốc tế, thì Bắc Kinh lại cáo buộc phía Mỹ xâm phạm chủ quyền và vi phạm an ninh của Trung Quốc, giới quan sát đã có nhiều nhận định đa chiều.
Đáp trả yêu sách biển quá mức
Trước đó, ngày 5-2, Hải quân Mỹ thông báo tàu USS John S. McCain mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke đã thực hiện hoạt động bảo đảm tự do hàng hải ở gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông ngày 5-2, sau khi đi qua eo biển Đài Loan. Đây là cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không (FONOP) đầu tiên được Hải quân Mỹ thực hiện dưới thời của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố, người phát ngôn Chiến khu miền Nam thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Điền Quân Lý đã cáo buộc phía Mỹ xâm phạm chủ quyền và vi phạm an ninh của Trung Quốc cũng như lừa gạt dư luận.
Phản ứng với tuyên bố trên, Hải quân Mỹ đưa ra thông báo cho biết, tàu USS John S. McCain “đã khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”. Đây là hải trình vô hại, do vậy việc các bên có tranh chấp yêu cầu phải được thông báo trước hoặc cấp phép là sự hạn chế “bất hợp pháp”.
Ngoài ra, Hải quân Mỹ khẳng định nước này “thách thức các yêu sách biển quá mức trên khắp thế giới bất kể đó là bên đòi yêu sách nào”, đồng thời nhấn mạnh: “Bằng cách tiến hành hoạt động tự do hàng hải này, Mỹ đã chứng minh rằng các vùng biển này nằm ngoài những gì mà Trung Quốc có thể tuyên bố một cách hợp pháp là vùng lãnh hải của mình và rằng các đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc tuyên bố xung quanh quần đảo Hoàng Sa là không phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Tiếp tục chính sách
Trên thực tế, nhiều động thái cho thấy sự leo thang quan hệ trong những ngày đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Theo giới phân tích, những động thái này chứng tỏ chính phủ Tổng thống Joe Biden có thể đang toan tính duy trì một số chiến lược đã được chính phủ tiền nhiệm triển khai. Theo thống kê của Japan Times, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã đẩy mạnh số lượng FONOP tại Biển Đông trong 2 năm cuối nhiệm kỳ, tiến hành ít nhất 19 hoạt động được ghi nhận tại đây. Dưới thời ông Donald Trump, Hải quân Mỹ cũng điều các tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan ít nhất 15 lần trong năm 2020, đây là mức độ chưa từng thấy trong những năm gần đây, giữa bối cảnh Bắc Kinh tăng cường sức ép quân sự với Đài Bắc.
Collin Koh, một nhà nghiên cứu cao cấp và là chuyên gia an ninh hàng hải tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng, những hoạt động gần đây của Mỹ dường như là nhằm phát đi những tín hiệu cho cả Trung Quốc cũng như các đối tác và đồng minh của Mỹ trong khu vực. Một mặt chống lại Trung Quốc, đặc biệt là khi Bắc Kinh dọa dẫm ở eo biển Đài Loan (sau khi điều hơn 20 máy bay chiến đấu áp sát đảo Đài Loan) và Biển Đông, mặt khác nhằm trấn an các đồng minh và đối tác của Mỹ lo lắng về cam kết của Washington đối với khu vực.
Ngoài ra, ông Collin Koh nhấn mạnh: “Các hoạt động quân sự của Mỹ cũng cần được nhìn nhận dưới góc độ của những bình luận trước đó được đưa ra ở Washington rằng các vấn đề gây tranh cãi với Trung Quốc, chẳng hạn như Biển Đông, sẽ không bị đổi chác lấy việc hợp tác về vấn đề biến đổi khí hậu, mặc dù chính phủ ông Biden bày tỏ sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh trong những lĩnh vực có chung lợi ích”.
Sáng 7-2, 2 tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Nhật Bản, gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trong ngày thứ 2 liên tiếp. Các tàu Trung Quốc hướng về một tàu cá Nhật Bản và có động thái tiếp cận tàu này tại vị trí cách đảo Taisho 22km về phía Nam - Đông Nam. Tàu cá nói trên đã được các tàu tuần tra bảo vệ, và các tàu Trung Quốc đã rời đi sau khi được cảnh báo. Đây là lần thứ 5 trong năm nay, các tàu Trung Quốc tiến vào lãnh hải Nhật Bản. |